1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nông sản đi đường biển cũng tắc vì chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Tương tự như vận chuyển đường bộ, qua các cửa khẩu đường biển, Trung Quốc cũng duy trì chính sách "Zero Covid". Do đó, tốc độ thông quan bằng đường biển chưa chắc nhanh hơn đường bộ.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT nêu ra tại cuộc họp trực tuyến về thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua vận tải đường biển, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Bộ GTVT tổ chức chiều 12/1.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị, bên cạnh phát triển xuất nhập khẩu qua đường bộ, các doanh nghiệp cần phải phát triển mạnh cả đường biển.

Bộ NN&PTNT mong muốn cùng các bộ, ngành, doanh nghiệp xây dựng cơ chế để xuất khẩu nông sản mạnh và thuận lợi qua đường biển.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Sang, hai khó khăn trong việc chuyển đổi hình thức vận chuyển từ đường bộ sang đường biển là: Thứ nhất, phải xuất khẩu chính ngạch. Thứ hai, chi phí vận chuyển tăng cao đến mức không kiểm soát, bởi doanh nghiệp phải chịu thêm phí từ một lần chở container rỗng về Việt Nam.

Tương tự như vận chuyển đường bộ, qua các cửa khẩu đường biển, Trung Quốc cũng duy trì chính sách "Zero Covid". Ông Sang nhấn mạnh, tốc độ thông quan bằng đường biển chưa chắc nhanh hơn đường bộ.

Nông sản đi đường biển cũng tắc vì chính sách Zero Covid của Trung Quốc - 1

Đang có sự dịch chuyển mạnh xuất khẩu nông sản từ đường bộ sang đường biển. (Ảnh: NNVN).

Theo đại diện Cục Hàng hải, Bộ GTVT, hiện có khoảng 30 hãng tàu có xuất khẩu sang Trung Quốc; trong đó số hãng chuyên xuất khẩu sang thị trường này. Do đặc thù của container lạnh cần ổ cắm điện, mỗi tàu chỉ bố trí khoảng 20% công suất. Phía Bắc, hàng hóa đi đường biển container lạnh từ Hải Phòng thường theo thời vụ, còn từ TPHCM đi quanh năm.

Trong tháng 11/2021, có khoảng 1.400 container lạnh từ TPHCM sang Trung Quốc, nhưng tháng 12/2021 đã tăng hơn 3 lần, lên 4.100 container. Đây là sự dịch chuyển lớn cũng trùng với thời gian bị tắc ở đường bộ. Tại cảng Hải Phòng, thời gian gần đây hàng hóa cũng tăng cao.

Theo Cục Hàng hải, hàng hóa đi đường biển yêu cầu bộ chứng từ phải đầy đủ. Để hàng hóa lên được tàu thì phải có chất lượng, mã số vùng trồng… Nếu hàng hóa không đảm bảo các yêu cầu thì khi sang Trung Quốc sẽ bị trả lại. Khi đó chủ hàng sẽ phải chịu toàn bộ chi phí.

Về vỏ container lạnh bị thiếu là do đặc điểm thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hiện hàng xuất khẩu sử dụng container lạnh nhưng hàng nhập khẩu lại không sử dụng container lạnh. Các doanh nghiệp vận tải còn cho rằng, chi phí nhập khẩu vỏ container về rất cao; cùng với đó là tình trạng hạn chế về ổ cắm trên tàu nên khả năng đáp ứng container lạnh không cao.

Ông Văn Nhật Tùng, đại diện hãng tàu CMA cho biết, ngoài vận chuyển thanh long đi Trung Quốc, doanh nghiệp còn có mặt hàng chuối. Chuối đi nhiều hơn thanh long và đây là mặt hàng đã có sự thiết lập hợp đồng từ trước. 

Nay hàng hóa tăng thêm sẽ có xung đột với khách hàng đã đi thường xuyên và có cam kết với hãng tàu. Nếu doanh nghiệp thanh long đi đường biển thì cần có tiến trình, cam kết để doanh nghiệp đầu tư chuyển vỏ container về.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã đi đường biển thì họ đã có được hệ thống, sự tin tưởng của địa phương, lực lượng hải quan... với doanh nghiệp. Nhưng nay, một số doanh nghiệp mới đã quen theo cách thông quan đường bộ nay chuyển sang đường biển sẽ có những trục trặc nhất định. Do đó, doanh nghiệp phải chắc chắn về thông quan hàng hóa, ông Văn Nhật Tùng nhấn mạnh.

Tránh nhu cầu đơn lẻ, khó đáp ứng, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cho rằng, cần có đầu mối thu gom hàng. Trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ có giải pháp để có bài toán về chi phí ổn định hơn.

Về dài hạn doanh nghiệp phải có giải pháp căn cốt về vận tải đường biển vì vấn đề mở tuyến không chỉ nói mở là mở ngay được. Doanh nghiệp sẽ nghiên cứu, xem xét việc miễn, giảm phí vận chuyển cho các doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ tiêu thụ thanh long nói riêng và nông sản nói chung.

Qua kiến nghị của các doanh nghiệp, để điều kiện thuận lợi nhất hàng hóa có thể vận chuyển qua các đường vận chuyển, Thứ trưởng Trần Thanh Nam giao Tổ công tác 970 của Bộ phối hợp cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tập hợp nhu cầu tiêu thụ, vận chuyển bằng đường biển.

Từ đó, Tổ sẽ kết nối với Bộ GTVT để liên hệ với các doanh nghiệp vận chuyển để làm sao có chi phí thấp nhất, thuận lợi nhất.

Với đường bộ, Bộ NN&PTNT tiếp tục làm việc với các cửa khẩu để thông tin đến các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng phải phối hợp chặt với các địa phương biên giới để nắm thông tin kịp thời, nhằm đảm bảo lượng hàng không bị ùn tắc.

Bên cạnh sự việc vào cuộc tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển qua đường bộ hay đường biển, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đã và tiếp tục có diễn đàn kết nối các nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu, để làm sao bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng cho các nhà máy. Bộ sẽ kết nối với các Tham tán thương mại ở các nước để thúc đẩy, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản.

Ngoài ra, ông Nam đề nghị, các địa phương, doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề tiêu thụ nội địa vẫn là số một, đặc biệt cho dịp Tết Nguyên đán.