1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lấy ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi:

"Nóng" quy định tăng giờ làm thêm, giảm giờ làm cho người lao động

(Dân trí) - Quy định giờ làm thêm từ 10-12 giờ mỗi tuần, tổng số giờ làm trong tuần giảm từ 48 xuống còn 44 giờ là 2 nội dung được các đại biểu bàn luận sôi nổi tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được tổ chức tại TPHCM.

Ngày 16/7, tại TPHCM, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV, phối hợp cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Nóng quy định tăng giờ làm thêm, giảm giờ làm cho người lao động - 1

Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều ý kiến đóng góp, nổi bật là vấn đề tăng giờ làm thêm, giảm giờ lao động trong tuần

Vấn đề tăng giờ làm thêm, giờ làm trong tuần là 2 chủ đề hâm nóng hội nghị, bên cạnh những vấn đề quan trọng khác như: tuổi nghỉ hưu, đình công, quyền lợi lao động nữ sinh con…

Ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Hansae Việt Nam (huyện Củ Chi, TPHCM), cho rằng, hầu hết người lao động đều muốn tăng giờ làm thêm để đảm bảo thu nhập cho cuộc sống. Tuy nhiên, việc sửa đổi theo hướng tăng giờ làm thêm tối đa 400 giờ/năm, (tức tăng 100 giờ so với Bộ luật hiện hành) là không hợp lý.

Ông Hùng phân tích: Nhiều doanh nghiệp sẽ dồn thời gian làm thêm vào thời điểm nhất định trong năm, khiến cho sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, không cần quan tâm làm thêm tối đa trong năm mà cần giới hạn thời gian làm thêm tối đa trong tuần, dao động từ 10-12 tiếng.

Nóng quy định tăng giờ làm thêm, giảm giờ làm cho người lao động - 2

Hội nghị với sự có mặt của nhiều nguyên lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phê, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Domex, Khu chế xuất Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TPHCM cho rằng, việc quy định giờ làm thêm tối đa trong năm sẽ bất lợi vì cả người lao động và tổ chức công đoàn gặp khó khăn trong giám sát. Theo ông, cần phải quy định theo giờ 12 tiếng mỗi tuần để thuận tiện theo dõi quá trình làm thêm của công nhân. 

Ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch công đoàn cty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam bổ sung: Việc trả lương làm thêm phải tăng theo lũy tiến, nhằm hạn chế người sử dụng lao động tận dụng khai thác sức lao động tối đa, cạn kiệt sức của người lao động. Từ đó, người lao động có tăng thêm thu nhập, mới có đủ điều kiện về tiền để trang trải cuộc sống, tái tạo sức lao động.

Nóng quy định tăng giờ làm thêm, giảm giờ làm cho người lao động - 3

Các đại biểu quan tâm đến vấn đề sức khỏe và khả năng tái tạo sức lao động của người lao động 

Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu bởi chung nhận định: Làm tăng ca là nhu cầu từ các doanh nghiệp do đơn hàng không thực hiện kịp để đáp ứng yêu cầu của đối tác, chứ không xuất phát từ nhu cầu của người lao động. Việc khống chế thời gian làm thêm trong tuần để đảm bảo hồi phục năng lượng, đảm bảo ổn định sức khỏe cho người lao động.

Trong khi đó, ông Đào Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, quan tâm đến tổng giờ làm việc hàng tuần của người lao động vì nói có mối quan hệ logic với việc làm tăng giờ làm thêm.

Nóng quy định tăng giờ làm thêm, giảm giờ làm cho người lao động - 4

Ông Đào Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng đã đến lúc giảm giờ làm xuống còn 44 giờ/tuần thay vì 48 giờ đối với người lao động

Theo ông, trước đây người lao động đấu tranh để làm việc 8 giờ mỗi ngày và tuần làm 6 ngày. Hiện nay, nhiều nước đã hạ giờ làm việc để nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động.

“Tôi mong rằng đại biểu đặt vị trí vào người bị chi phối (tức người lao động - PV) chứ đừng nằm ngoài. Cần tạo ra luật công bằng để mọi người bình đẳng trước pháp luật. Hiện tại, mỗi tuần người lao động làm việc 48 giờ, còn cán bộ công chức là 40 giờ. Có nghĩa trong 1 năm, cán bộ nghỉ hơn người lao động hơn 400 giờ là vô lý”, ông Tùng nói.

Ông Tùng nhấn mạnh rằng đây là thời điểm Việt Nam nên giảm giờ làm người lao động xuống. Một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ cũng làm 40 giờ/tuần, còn Singapore là 44 giờ.

“Tôi thiết tha mong giảm giờ làm hàng tuần để người lao động có thời gian chăm sóc mình, chăm sóc gia đình, học tập và nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Nếu không được 40 giờ thì 44 giờ mỗi tuần”, ông Tùng nói.

Nóng quy định tăng giờ làm thêm, giảm giờ làm cho người lao động - 5

Ông Young Mo thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng việc tăng giờ làm thêm cho người lao động là vấn đề đa chiều 

Là người đồng hành với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời gian qua, ông Young Mo thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dẫn chứng một số mô hình về quản lý giờ làm người lao động trên thế giới.

Trong đó, ở một số quốc gia, thay vì kêu người lao động làm thêm thì tuyển thêm người làm việc đó. Điều này giúp giữ sức khỏe công nhân và nâng cao năng suất lao động tổng thể.

“Ngoài ra, còn có phương án tăng tiền cho giờ làm thêm. Vì thế, nếu tiền làm thêm không nhiều thì họ cũng không có động lực làm thêm. Chúng ta trả lương cao hơn giờ làm thêm là hình thức khuyến khích giờ làm thêm”, ông Young Mo gợi ý.

Chuyên gia đến từ ILO cũng nhận định rằng, việc tăng giờ làm thêm cho người lao động là vấn đề đa chiều và có nhiều góc nhìn nên cần đưa ra giải pháp trên cơ sở hướng tới mục tiêu gì. Mục tiêu là làm cho công nhân làm việc ít để công nhân khỏe, hay mục tiêu là giúp công nhân có thêm thu nhập…

“Đây là chủ đề quan trọng để phát triển kinh tế, cần có mục tiêu rõ ràng là tăng tiền công nhân, tăng năng suất lao động, hay giữ sức khỏe công nhân. Tăng giờ tính theo tuần, ngày hay theo năm”, ông Young Mo chia sẻ.

Nóng quy định tăng giờ làm thêm, giảm giờ làm cho người lao động - 6

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng phương án kéo giảm giờ làm xuống còn 44 giờ/tuần và giờ làm thêm mỗi thuần 12 tiếng là điều đáng nghiên cứu.

Đồng chủ trì hội nghị, phát biểu với tư cách đại diện cho cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các đại biểu.  

Trong đó, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu phương án cho người lao động làm việc mỗi tuần 44 giờ, đồng thời cân nhắc hợp lý tiền lương làm tăng giờ cho cả người lao động và người sử dụng lao động. 

Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng phương án kéo giảm giờ làm xuống còn 44 giờ/tuần và giờ làm thêm mỗi thuần 12 tiếng là điều đáng nghiên cứu.

Ông Lợi cũng chia sẻ về lộ trình lấy ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.

“Sau khi hoàn thành thủ tục theo quy định sẽ trình đại biểu phát biểu ở kỳ họp Quốc hội thứ 10. Nếu không được thông qua thì kéo dài thêm 1 kỳ nữa. Chính phủ đang quyết tâm nhưng không vì quyết tâm mà bộ luật “chưa chín” mà thông qua”, ông Lợi kết luận.

Quốc Anh – Phạm Nguyễn