Nông nghiệp Việt Nam phải nhận diện đầy đủ thách thức để hành động
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, năm 2017 nông nghiệp sẽ phải nỗ lực hơn nữa để vượt qua những khó khăn về thị trường xuất khẩu, đảm bảo an toàn nông sản thực phẩm, nhất là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khó lường nếu muốn đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành.
Chính vì vậy, năm 2017, nông nghiệp Việt Nam phải nhận diện đầy đủ những thách thức để hành động, ứng phó hiệu quả.
Năm 2016, thiên tai khốc liệt “bủa vây” nông nghiệp
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong năm 2016, nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với rét đậm, rét hại nhất trong lịch sử ở miền Bắc; hán hán, mặn xâm nhập trong vòng 100 năm trở lại đây ở khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung bộ; sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung và lũ chồng lũ những tháng cuối năm. Tuy nhiên, khép lại năm 2016 nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, về đích với tốc độ tăng trưởng 1,36%; kim ngạch xuất khẩu nông sản cao nhất từ trước đến nay, đạt mức 32,1 tỉ đô la. Nhiều mặt hàng nông sản đã bứt phá góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng dương của ngành như: rau quả, thủy sản, chăn nuôi…
Theo TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất, cường độ và phạm vi ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán, mặn xâm nhập sẽ ngày càng gia tăng. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp phải chủ động ngay từ bây giờ nếu muốn tăng trưởng bền vững, đặc biệt là những ngành hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu trong kế hoạch phải xem xét lồng ghép các phương án ứng phó biến đổi khí hậu trong những năm tới.
TS Đặng Kim Sơn cho rằng, biến đổi khí hậu là câu chuyện của ngày hôm nay. Những gì đang tính toán phải được đưa vào chương trình, kế hoạch phương án đối phó, không chỉ là trong các kế hoạch trung hạn, dài hạn mà ngay cả kế hoạch hàng năm. Điều này không chỉ được thể hiện trong Đề án của Nhà nước mà còn thông báo rộng rãi cho nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương phải hiểu rõ những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra để chủ động phòng tránh.
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2016, thiên tai đã làm 253 người thiệt mạng, thiệt hại vật chất gần 40 nghìn tỉ đồng. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, thiệt hại nặng nề trong lĩnh vực trồng trọt, kéo theo sự suy giảm của ngành trong 6 tháng đầu năm với tăng trưởng âm 0,18%....Dự báo, năm 2017 nông nghiệp sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai mới vì vậy việc chủ động trong công tác dự báo là rất quan trọng.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) - cho rằng, trước hết phải sẵn sàng chủ động. Công tác dự báo phải chính xác, kịp thời hơn, dự báo dài hơn. Các cấp chính quyền và người dân phải hết sức chủ động. Phương châm “4 tại chỗ” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong ứng phó thiên tai. Với mỗi loại hình thiên tai và điều kiện địa lý của từng vùng sẽ áp dụng phương châm “4 tại chỗ” khác nhau. Về lâu dài phải nhận định các loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn, trên diện rộng kèm theo đó là xây dựng các kịch bản, kế hoạch về phương án ứng phó những loại hình thiên tai lớn này.
Xây dựng “3 trục sản phẩm”
Năm 2017, ngành nông nghiệp tiếp tục nỗ lực nâng cao hiệu quả của tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, để duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành, nông nghiệp tập trung tái cơ cấu ngành theo hướng xây dựng “3 trục sản phẩm” gồm: sản phẩm quốc gia, bước đầu lựa chọn 10 sản phẩm chủ lực, có giá trị xuất khẩu 1 tỷ đô la trở lên; tiếp đến là sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm là đặc sản của các địa phương…Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc quy hoạch lại sản xuất ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Phải quy hoạch lại sản xuất căn cứ vào tác động biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra khốc liệt xảy ra tại 7 vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Trong quy hoạch, từng vùng miền phải lựa chọn đối tượng sản xuất, quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực của những loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra ở địa phương. Sản xuất nông nghiệp ở các vùng phải được xây dựng để thích nghi, biến những bất lợi của biến đổi khí hậu thành lợi thế trong phát triển bền vững”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm 2017, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp 5 năm 2016 – 2020 trong bối cảnh những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm hơn so với năm 2016, toàn ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành như: Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt từ 2,5 đến 2,8%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất từ 3% đến 3,2%; Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt từ 32 tỷ đến - 32,5 tỷ đô la; Tỷ lệ che phủ rừng: 41,45%; Tỷ lệ xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới: 28 đến 30%.
Nguyễn Dương (ghi)