1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bến Tre:

Nông dân ngậm ngùi chặt bỏ vườn cây trăm triệu

(Dân trí) - Mỗi ngày “vương quốc” cây trái Chợ Lách cần 800.000m3 nước. Tuy nhiên do hạn, mặn bủa vây, nhiều vườn cây chết khô, nông dân ngậm ngùi chặt bỏ vườn cây cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Cây con chết khô, cây già suy kiệt

Từ lâu huyện Chợ Lách được xem là “vương quốc” trái cây, hoa kiểng của Bến Tre. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, người dân huyện Chợ Lách đang vật vã chống lại cơn hạn, mặn khốc liệt chưa từng có và trận thiên tai này khiến cuộc sống, sản xuất của người dân xứ Dừa đảo lộn.

Ông Nguyễn Văn Nghi (xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách) đang ươm trồng 5.000 cây sầu riêng còn nhỏ đang có dấu hiệu chết dần vì thiếu nước tưới. Ông Nghi cho biết, hiện tại khoảng 20% số cây đã chết, số còn lại cũng bị cháy lá và có nguy cơ chết hết nếu không cung cấp đủ nước ngọt kịp thời. Không chỉ thế, vườn sầu riêng 7 năm tuổi đang cho quả của ông Nghi cũng bị chết hơn chục cây do thiếu nước ngọt.

Nông dân ngậm ngùi chặt bỏ vườn cây trăm triệu - 1

Ông Nguyễn Văn Nghi (ngụ xã Tân Thiềng) bên vườn cây giống chết do thiếu nước tưới.

Theo ông Nghi, nước ở các ao hồ, sông quanh vườn đã trên hai phần nghìn nên ông cũng như bà con trong xóm không không thể bơm nước lên tưới cho cây giống, cây ăn quả được. Một số hộ khá giả lấy tiền mua nước về dự trữ, tưới cho cây, bình quân khoảng 100.000 đồng/m3 nước; còn đối với những hộ khó khăn thì đành để vườn cây chết khô.

Ông Trần Thanh Hùng - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phú Thới (xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách) cho biết, gia đình ông có 1.000 cây sầu riêng đã ghép xong nhưng chưa kịp bán cho khách hàng thì bị thiệt hại gần như hết. Hiện địa phương đang cho cán bộ đi thống kê số cây giống bị thiệt hại do hạn mặn nhưng hầu hết những người làm cây giống ở địa phương đều có cây bị chết do thiếu nước tưới.

Nông dân ngậm ngùi chặt bỏ vườn cây trăm triệu - 2

Nhiều vườn cây chôm chôm, sầu riêng hơn 10 năm tuổi vì thiếu nước tưới, cây suy kiệt nên nông dân đành chặt bỏ trồng cây khác

Nông dân ngậm ngùi chặt bỏ vườn cây trăm triệu - 3

Người dân ngậm ngùi cắt cây

Ông Nguyễn Văn Hiếu (xã Long Thới, huyện Chợ Lách) vì hạn mặn mà "héo ruột" nhìn vườn chôm chôm rộng 4.000m2 chết mòn. Ban đầu ông cũng làm nhiều cách trữ nước ngọt như hồ tạm, mua nước tưới nhưng rồi không thể kéo dài, ông đành chặt bỏ vườn chôm chôm mỗi năm cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng.

Ông Hiếu chia sẻ: “Năm nay nước mặn xâm nhập sâu và kéo dài nên phần lớn những khu vườn không chủ động được nước tưới bị thiệt hại nặng nề. Như vườn cây của tôi, cây đã cháy lá, một số cây khô gần chết không còn cách nào cứu nên đành chấp nhận đốn bỏ”.

Mỗi ngày cần 800.000m3 nước tưới tiêu

Tình trạng cây đang cho quả chết khiến nông dân thiệt hại nặng nề vì hầu hết là cây hơn chục năm tuổi, nếu trồng lại phải mất thêm vài năm mới có thu hoạch. Tuy vậy, do nước mặn nên cây đã  bị suy kiệt, nếu giữ lại rất khó để phục hồi nên nhiều nông dân chấp nhận đốn bỏ.

Nông dân ngậm ngùi chặt bỏ vườn cây trăm triệu - 4

Người dân làm bể nhân tạo trữ nước nhưng do hạn mặn kéo dài nên cũng không ăn thua.

Hiện tại, nước mặn xâm nhập đã đe dọa trực tiếp đến hơn  8.500 hécta cây ăn quả và 1.300 hécta cây giống, hoa kiểng của huyện Chợ Lách. Trong đó, có khoảng 20 triệu sản phẩm cây giống như: Sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi... đã bắt đầu ghi nhận thiệt hại do mẫn cảm với nước mặn.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con mua dụng cụ trữ nước ngọt tưới cho cây giống, hoa kiểng và thực hiện các giải pháp kỹ thuật như: tưới tiết kiệm, tủ gốc... nhằm hạn chế thiệt hại.

Nông dân ngậm ngùi chặt bỏ vườn cây trăm triệu - 5

Từ khi nước mặt bủa vây Bến Tre, cuộc sống người dân xứ dừa như đảo lộn vì thiếu nước ngọt sinh hoạt và phục vụ chăn nuôi, trồng trọt 

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách cho biết: “Năm nay nước mặn xâm nhập sâu, độ mặn mười phần nghìn chưa bao giờ xuất hiện ở Chợ Lách thì nay đã xuất hiện. Trong thời gian qua, người dân sử dụng nhiều biện pháp như: đóng cống, tự làm đập tạm, lót bạt, túi nước trữ nước để phục vụ sản xuất. Đồng thời, sử dụng các phương tiện như ghe bơm cát, xà lan, xe... để vận chuyển nước ngọt từ nơi khác về tưới cho cây trồng, nhưng xâm nhập mặn rất gay gắt khiến cây bị suy kiệt, chết là khó tránh khỏi”.

Tiến sĩ Liêm cũng cho biết, mặc dù người dân ở các xã Vĩnh Thành, Tân Thiềng, Sơn Định… thực hiện cả giải pháp đắp đập tạm nhưng trung bình mỗi ngày vườn cây ăn quả, cây giống, hoa kiểng tại huyện Chợ Lách cần đến 800.000 m3 nước ngọt để tưới nên nhiều nơi vẫn thiếu nước dẫn đến tình trạng cây suy kiệt, chết dần.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm