1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Ngãi:

Nông dân Lý Sơn chi hàng trăm triệu đồng đào giếng chống hạn

(Dân trí) - Tình trạng nắng nóng kéo dài khiến các giếng nước ngọt trên đảo Lý Sơn dần cạn kiệt. Để đảm bảo vụ mùa trồng hành, người dân phải tự cứu mình bằng cách đào giếng “chống hạn” cho vụ mùa trồng hành và sinh hoạt.

Theo thống kê, xã An Vĩnh (Lý Sơn) có 867 giếng nước ngọt phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu hành, tỏi. Thế nhưng, hiện nay, hơn 2/3 số giếng nước đã khô cạn hoặc bị nhiễm mặn nguồn nước, khiến cuộc sống người dân đất đảo gặp nhiều khó khăn bởi bao vây tứ phía là nước biển.

Từ tháng 4 đến nay, nông dân Lý Sơn bước vào vụ mùa trồng hành. Với tình trạng khan hiếm nước tưới, ông Lê Lân (ngụ ở thôn Đông, xã An Vĩnh) lo lắng: “Nếu cây hành chịu được nước biển mặn thì chúng tôi đỡ biết mấy. Giờ đây, cả đảo đang khát nước ngọt, không có nguồn nước tưới cho 3 sào hành. Tôi định đào giếng nước ngay tại ruộng trồng hành, thế nhưng chi phí đào giếng mất gần cả trăm triệu đồng nên hai vợ chồng tôi tự đào vậy, tới đâu hay tới đó”.

Cùng chung cảnh ngộ “khát nước”, ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ thôn Đông) trăn trở khi 8 sào hành đang dần khô héo, ông cho biết: “Năm nào cũng bị hạn hán cả, nông dân chúng tôi chịu không thấu nữa, đặc biệt năm nay lại khô hạn đến sớm quá. Tôi quyết định vay mượn bà con để đào giếng tại cánh đồng trồng hành. Đến giờ thợ đào giếng đã đào sâu gần 8m, “ngốn” hơn 75 triệu đồng rồi mà chưa thấy giọt nước nào. Nếu đào thêm nữa, cứ đào sâu 1m phải tốn thêm 10 triệu đồng. Khi giếng không có nước, chắc tôi trắng tay vì nợ nần và bỏ khô ruộng hành này quá”.

Ngoài nhu cầu đào giếng tưới ruộng hành, người dân Lý Sơn còn đào giếng tại nhà để có nguồn nước sinh hoạt. Qua thống kê chưa đầy đủ, người dân trên đảo Lý Sơn đang đào mới thêm hơn 14 giếng nước. Hầu hết số giếng đào mới cũng không tìm thấy nguồn nước, hoặc nước bị nhiễm mặn không thể sử dụng.
Người dân Lý Sơn đào giếng gặp nguồn nước nhiễm mặn và không thể sử dụng được.

Người dân Lý Sơn đào giếng gặp nguồn nước nhiễm mặn và không thể sử dụng được.

Câu chuyện khô hạn ở Lý Sơn diễn ra hàng năm, từ tháng 3 đến tháng 9 (mùa khô). Nhằm giải quyết bài toán này, huyện Lý Sơn đã đầu tư xây dựng hồ chứa nước Thới Lới nằm ở xã An Hải, rộng 10ha, dung tích chứa khoảng 270.000m2 nước, có khả năng đáp ứng khoảng 200ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Hồ chứa nước Thới Lới đã đưa vào sử dụng từ tháng 5/2012 vừa qua.

Trên thực tế hiện nay, nắng nóng kéo dài đã phần nào làm giảm nguồn nước dự trữ (tích từ nước mưa tự nhiên), do đó, khả năng cung ứng nguồn nước tưới của hồ không được như thiết kế. Bên cạnh đó, tổng diện tích trồng hành, tỏi trên đảo Lý Sơn khoảng 310ha. Đợt khô hạn mùa hành năm 2014, hơn 1/2 diện tích trồng hành có khả năng khô héo, đặc biệt là khu vực thuộc xã An Vĩnh.
Những cánh đồng trồng hành đang khô héo vì thiếu nước trầm trọng.

Những cánh đồng trồng hành đang khô héo vì thiếu nước trầm trọng.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Lê - Trưởng Phòng kinh tế và hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn cho biết: “Trước mắt, địa phương vận động người dân tích cực nạo vét các giếng nước hiện có. Đồng thời tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm để cân đối nguồn nước sản xuất và sinh hoạt đảm bảo. Ngoài ra, huyện chủ trương cấm tuyệt đối các trường hợp tự ý đào, khoan giếng, dễ gây lãng phí nguồn nước và ô nhiễm môi trường, vì có đào giếng cũng khó sử dụng được”.
Hồng Long