1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nông dân Bến Tre "ngồi im" cũng có thể nhận được hàng trăm tỷ đồng

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Theo tính toán của chuyên gia, với vườn dừa 78.000ha, tỉnh Bến Tre có thể bán gần 6 triệu tín chỉ carbon, thu về số tiền khoảng 700 tỷ đồng cho nông dân.

Ngày 23/2, UBND tỉnh Bến Tre cho biết, nhiều nhà khoa học đã đề xuất Bến Tre xúc tiến việc thương mại hóa tín chỉ carbon như một nguồn lợi về kinh tế.

Tỉnh Bến Tre có khoảng 78.000ha vườn dừa. Ước tính, 1ha vườn dừa ở Bến Tre có thể lưu trữ 25-75 tấn CO2, tương đương vườn dừa của tỉnh có thể lưu trữ 1.950.000 - 5.850.000 tấn CO2.

Nông dân Bến Tre ngồi im cũng có thể nhận được hàng trăm tỷ đồng - 1

Dừa đang gắn liền với sinh kế của phần lớn người dân Bến Tre (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ngoài dừa, Bến Tre còn có thể điều tra khả năng lưu trữ CO2 của các loại cây lâu năm khác để bán tín chỉ carbon.

Mỗi tấn CO2 tương đương 1 tín chỉ carbon. Hiện nay, giá bán 1 tín chỉ carbon thấp nhất là 5 USD, do đó tiềm năng Bến Tre có thể thu về 9,75-29,25 triệu USD (tương đương khoảng 230-700 tỷ đồng) từ việc bán "mặt hàng" này.

Năm 2023, lần đầu tiên nước ta đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới, với đơn giá 5 USD/tín chỉ, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng).

Đây là lượng tín chỉ carbon được thống kê ở vùng rừng thuộc 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Người trồng rừng là chủ thể được thụ hưởng nguồn lợi này.

Sự kiện mở ra triển vọng bán tín chỉ carbon trên các vườn cây lâu năm. Theo lộ trình, thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028.

Mới đây, dừa đã được Bộ NN&PTNT công nhận là cây công nghiệp chủ lực. Riêng Bến Tre, hơn 70% dân số có sinh kế gắn với cây dừa, vì vậy khi có thêm nguồn lợi từ bán tín chỉ carbon, số người được thụ hưởng là rất lớn.