Hà Nội:
Nơm nớp nỗi lo sống trong ngôi nhà trăm tuổi “chờ” sập
(Dân trí) - Ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi thuộc diện bảo tồn cấp quốc gia đã có những dấu hiệu xuống cấp. Nay nhà hàng xóm phá dỡ nhà cũ để đào móng, khoét đất xây tầng hầm, khiến cho nỗi lo sập nhà ngày ngày “đeo bám” các hộ dân.
Trong đơn kêu cứu gửi tới các cơ quan chức năng, bà Đỗ Thị Hiền (trú tại nhà số 119 Hàng Bạc, Hà Nội) cho hay, ngôi nhà số 119 và 125 Hàng Bạc là nhà cổ thuộc diện bảo tồn cấp quốc gia, được Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) theo dõi. Ngôi nhà đã xuống cấp từ lâu, song để sửa chữa, các chủ hộ phải hoàn tất rất nhiều thủ tục liên quan.
Dẫn chúng tôi đi thăm nhà, bà Hiền chia sẻ, tính đến cháu nội, đã có 5 đời người sống trong ngôi nhà cổ này.
“Ngôi nhà đã xuống cấp lắm rồi, nhưng nó là nhà cổ, thuộc diện bảo tồn nên chúng tôi phải chờ chủ trương, chính sách của các cấp, chứ không dám tùy tiện sửa chữa”, bà Hiền thở dài, chỉ tay vào những mảng tường vôi mục nát.
Cùng chung nỗi lo với nhà bà Hiền, ông Lê Ngọc Tuấn (nhà số 125 Hàng Bạc) cho hay, gia đình ông nhiều năm qua không dám sửa chữa gì, chỉ mới quét vôi ve, sơn sửa bên trong chứ không đụng đến kết cấu ngôi nhà.
Đang phải sống trong chờ đợi thì nay, các hộ dân sống trong nhà số 119 và 125 Hàng Bạc lại nơm nớp nỗi lo khi chủ nhà số 121-123 tháo dỡ, xây nhà mới.
“Từ khi các công nhân bắt đầu tháo dỡ, 2 ngôi nhà liền kề chúng tôi đã bị ảnh hưởng. Tường yếu, mỗi khi công nhân làm việc, nhà chúng tôi rung lên, ngồi trong nhà mà như ngồi trên đống lửa”, bà Hiền lo lắng. Nói đoạn, bà chỉ tay lên trần nhà, nơi có một đầu rồng mới rụng xuống và những tấm ốp trần bắt đầu cong vênh, “tách” ra khỏi trần nhà.
Tại nhà số 125, ông Tuấn cho hay, từ ngày công trình xây dựng số 121-123 tháo dỡ nhà cũ, nhà ông đã xuất hiện nhiều vết nứt trên trần. Mưa to, nước thấm qua các khe nứt, dột ướt đầy nhà.
Nỗi lo của các hộ không dừng lại ở đó. Theo giấy phép xây dựng được cấp cho công trình xây dựng nhà ở số 121-123 Hàng Bạc, công trình này được phép xây dựng tầng hầm với chiều sâu 2,2m.
“Tính sơ sơ, người ta sẽ phải đào sâu xuống đất trên 3m, chưa kể ép cọc làm móng. Hai ngôi nhà liền kề của chúng tôi là nhà cổ, móng rất nông, không được vững chắc như các ngôi nhà được xây dựng gần đây. Giờ người ta mới tháo dỡ nhà cũ mà nhà chúng tôi đã như vậy thì không biết đến lúc họ đào móng, đào tầng hầm, nhà chúng tôi sẽ hư hại như thế nào”, ông Lê Ngọc Tuấn nói trong bức xúc.
Không đồng tình với việc cấp phép cho nhà số 121-123 xây dựng tầng hầm, các hộ dân sống trong nhà số 119 và 125 đã có đơn kiến nghị tới các cơ quan chức năng. UBND phường Hàng Bạc cũng đã tổ chức cuộc họp giữa các hộ liên quan song vẫn chưa đi đến thống nhất.
“Sống trong 2 ngôi nhà hàng trăm năm tuổi này có tới 5 hộ dân với 18 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Có cháu nhỏ mới vài tháng tuổi, có người già đã ngoài 80, thử hỏi nếu có chuyện gì bất ngờ xảy ra, làm sao chúng tôi trở tay kịp”, bà Đỗ Thị Hiền lo lắng.
Sự lo lắng của các hộ dân tăng lên khi nhắc lại vụ việc xảy ra ngày 19/10/2010 trên phố Hàng Mã (phường Hàng Mã). Nửa đêm, cả một ngôi nhà 5 tầng đột nhiên “bay” hoàn toàn sang phần móng của công trình xây dựng nhà bên cạnh. Sự việc tương tự hoàn toàn có thể xảy ra trên với những ngôi nhà 119 và 125 nếu chủ công trình xây dựng số 121-123 không có những biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công.
Tiến Nguyên