1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nỗi niềm Phú Mưa

(Dân trí) - Hoàn cảnh của người dân Phú Mưa đã từng được Dân trí đề cập trong loạt bài “Lội sông đưa trẻ đến trường” và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội. Thời gian này, trở lại Phú Mưa, nỗi khốn khó nơi đây vẫn khiến “khách lạ” chạnh lòng.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1591/Loi-song-dua-tre-den-truong.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Lội sông đưa trẻ đến trường</b></a>

Lũ cuốn - rủi ro thường trực

 

Nỗi niềm Phú Mưa - 1

Đoạn sông R’lang đi qua thôn Phú Mưa nước luôn đục ngầu, chảy xiết; trở thành nỗi lo kinh hoàng của người dân nơi đây.
 
Đó là một nỗi nguy hiểm người dân thôn Phú Mưa (xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) phải đối mặt trong những năm gần đây. Theo trưởng thôn Alăng Chô, chỉ tính trong hai năm 2009 và 2010, đã có 4 người dân thôn Phú Mưa bị lũ cuốn trôi. Rất may các nạn nhân đều được cứu giúp kịp thời nên chưa có vụ việc thương tâm nào xảy ra.

 

Cách đây hơn 5 tháng, cháu Bh’nướch Tú (học sinh lớp 3, trường Tiểu học Jơ Ngây) bị lũ cuốn trôi khi đang cùng các bạn vượt sông đến trường. Hôm đó, lũ đổ về đột ngột. Do còn quá nhỏ nên sau vài phút vật lộn, cháu Tú bị dòng lũ cuốn xa gần 10m. “May thay lúc đó có các thanh niên trong thôn đang làm đường gần khu vực kịp thời đến cứu, nếu không thì…” - anh Bh’nướch Ngôn, cha cháu Tú, nghẹn ngào nhớ lại.

 

Cũng như trường hợp của Tú, một năm trước, 2 chị Alăng Thị Dớp và Arất Thị Hiếu cũng bị lũ cuốn trôi khi đang vượt đoạn sông qua làng. “Lúc đó trời không mưa nhưng không hiểu vì răng khi hai tụi mình lội đến giữa sông thì lũ cuồn cuộn đổ về. Vậy là 2 chị em đều bị lũ cuốn, sặc nước đến sắp chết” - chị Arất Thị Hiếu chưa hết bàng hoàng, kể lại. Cả hai đều đã được anh Alăng Dũng cứu giúp, thoát chết trở về.

 

Tương tự, tháng 9/2009, bà Ra’pát Thị Hinh (ở thôn B’rùa, xã Jơ ngây) đang lội giữa đoạn sông cũng bị lũ cuốn, suýt mất mạng. Theo bà Hinh, hôm đó bà thấy trời không mưa nên chủ quan một mình lội qua sông về nhà. Ai ngờ tới giữa sông thì nước lũ chảy mạnh, may có người lao ra cứu sống.

 

Theo người dân thôn Phú Mưa, sở dĩ sông có hiện tượng đổ lũ đột ngột dù trời không mưa là do trên đầu nguồn đang có mưa lớn, nước lũ đổ về.

 

“Nếu có một cây cầu…”

 

Địa hình bị cô lập từ hàng chục năm nay khiến người dân Phú Mưa luôn sống trong lo âu, thấp thỏm giữa cái sống và cái chết từ con sông R’lang mang lại. Thậm chí, mỗi khi mùa mưa lũ về, nhiều nhà dân không còn gạo để ăn bởi cả thôn đã bị chia cắt với thế giới bên ngoài. Chuyện học hành của bọn trẻ cũng phải gián đoạn.
 
Nỗi niềm Phú Mưa - 2
Già làng Alăng Chúc: “Mỗi lần nghĩ về quá khứ, mắt già cay lắm!”

 

Theo trưởng thôn Alăng Cho, mỗi khi nước cạn, người dân Phú Mưa thường cùng nhau ra tận tuyến đường lớn (đường ĐT604) để mua thực phẩm về dự trữ. “Cái đói nghèo và lạc hậu cứ luôn bám lấy người dân ni từ nhiều năm nay. Có ai muốn như vậy đâu nhưng biết làm răng bây giờ? Cuộc sống của người dân mình còn quá khó khăn mà!” - trưởng thôn Cho chia sẻ.

 

Trước đây, người dân thôn Phú Mưa thường đi theo con đường rừng từ trong thôn ra chỗ cầu Sông Voi (xã Jơ Ngây) để mua hàng hoá. Nhưng bây giờ tuyến đường này đã bị sạt lở nặng và đứt quãng nên người dân không thể đi được nữa, đành chấp nhận sống trong tình cảnh bị cô lập, tự cung tự cấp.

 

Chị Ating Thị Lơơl, một người đàn bà goá bụa tại bản Phú Mưa cho biết, một mình chị đã phải làm lụng vất vả để nuôi 4 miệng ăn; giờ lũ lên cao mỗi khi mưa xuống, nỗi khó khăn càng chồng chất lên chị. “Nếu nước cạn thì mình còn biết ra ngoài kia để xin vay, xin mượn mấy ký gạo về ăn. Chứ trời mưa miết như thời gian này thì chỉ biết hái mấy cọng rau rừng mà ăn thôi!” – chị Lơơl nói.

 

Không có cầu, ngay đến những người ở bên ngoài cũng khó tiếp cận thôn Phú Mưa. Cả thôn Phú Mưa có gần chục chiếc xe máy làm phương tiện đi lại nhưng quanh năm, do nước sông quá lớn nên từ lúc mua về, tất cả những chiếc xe máy đó đều được gửi nhờ tại các nhà dân thôn B’rùa. Gần 10 năm, xe máy đều đem gửi…

 

Đến với người dân Phú Mưa, nghe họ tâm sự trong nước mắt mà không khỏi chạnh lòng. Nói như già làng Alăng Chúc: “Nếu cầu được xây dựng già tin chắc dân bản Phú Mưa đỡ khổ!”.

  

Vương Hoàng