Đắk Lắk:

Nỗi đau tột tận sau thảm nạn Sêrêpôk

(Dân trí) - Một bầu không khí tang tóc bao trùm lên miền quê nghèo thuộc địa bàn các huyện Ma Đ’rắk, Ea Kar, Krông Pắk và thành phố Buôn Buôn Ma Thuột sau vụ tai nạn kinh hoàng trên cầu Sêrêpôk.

Sáng 19/5, chúng tôi xuất phát từ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột men theo trục quốc lộ 26 đi qua địa bàn các địa phương này, trong bầu không khí tang thương đến rợn người.

 
Nỗi đau tột tận sau thảm nạn Sêrêpôk
Đám tang tại gia đình ông Lê Xiêm (50 tuổi, khối 5, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho con gái Lê Thị Thu Hà.
 

Cứ đi một đoạn chưa đầy chục km, những lá cờ trắng lại xuất hiện dọc đường báo hiệu có đám tang của một nạn nhân xấu số.

 

Người nhà các nạn nhân quá bất ngờ trước sự ra đi ngột ngột của người thân, xót xa không biết giải bày cùng ai.

 

Gia đình ông Lê Xiêm (50 tuổi, khối 5, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) vừa có con gái Lê Thị Thu Hà (21 tuổi) qua đời trong thảm nạn xe khách chưa hết xót xa, đớn đau. Ông Xiêm cứ ngồi chết lặng bên bàn thờ con gái. Mắt ông đỏ hoe, sâu thẳm một nổi buồn khôn nguôi.

 

“Buổi sáng (17/5) anh chị em nó còn ngồi đùa giỡn, trêu nhau trước cửa nhà. Cháu Hà học trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, về thăm nhà dự đám cưới anh ruột nó. Xong xuôi, lúc 22 giờ (17/5) cháu Hà lên xe tại km 7,5 quốc lộ 26 thì đến 24 giờ gia đình nhận hung tin mà lịm cả người”, ông nói trong tiếng nấc nghẹn. Tiếng nấc của người đàn ông nghe đau lòng đến ám ảnh.

 

Đau buồn không khác ông Xiêm, gia đình ông Nguyễn Ngọc Đăng (47 tuổi, khối 1, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) bàng hoàng chưa tin vào sự thật. Ông Đăng vừa mất đứa con trai duy nhất Nguyễn Ngọc Hiếu, Hiếu ra đi ở tuổi 17.
 
Nỗi đau tột tận sau thảm nạn Sêrêpôk
Người thân, xóm giềng thắp hương trước phần mộ của anh Nguyễn Ngọc Hiếu (17 tuổi) con trai ông Nguyễn Ngọc Đăng (47 tuổi, khối 1, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, Đắk Lắk).

 

Khuôn mặt ông rũ rượi, cặp mắt nhem nhụa vì ghèn, giọng ông không giấu được sự đau đớn khi nói về đứa con trai chăm ngoan, học giỏi: “Trước khi mang thi thể cháu về mai táng tại gia đình, buổi tối ngày 17/5 tôi linh tính một điều chẳng lành. Cháu Hiếu đi thăm chị gái nó học ở trường Đại học Lạc Hồng - Đồng Nai, cháu nó nói với tôi đi xe Quyết Thắng, tôi bảo bắt xe Đồng Nai đỗ ở km 62 quốc lộ 26 mà đi, cháu nó khăng khăng đã đặt vé xe Quyết Thắng rồi.

 

5 giờ chiều ngày 17/5, 3 bà con ăn cơm xong, tôi chở cháu ra đường đón xe, trên đường đi ra thì gặp một người cùng xóm đi Sài Gòn cũng trên chiếc xe này. Ngờ đâu, khoảng 0 giờ 45 phút gia đình nhận hung tin con trai gặp tai nạn khi người thân người cùng xóm cùng đi trên chiếc qua báo. Tôi không tin là sự thật!”.

 

Sau khi nhận hung tin, ông Đăng đã chạy xe máy đến bến xe Quyết Thắng, khi đó cổng bến xe khóa, ông được người dân địa phương ở đây thông báo đó là sự thật. Ông liền phóng xe máy xuống Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk tìm con.

 

“Khi tôi vào Khoa cấp cứu không thấy con đâu, các bác sỹ hướng dẫn qua nhà xác nhận người thân, đến nơi cũng không thấy, liền bắt taxi xuống ngay hiện trường cầu Sêrêpôk”, ông Đăng kể lại cuộc hành trình trong tột độ hoang mang của mình.

 

Khi ông Đăng xuống hiện trường, ông cho biết, cơ quan chức năng tìm thêm được những nạn nhân cuối cùng, trong số đó không có con trai ông. Lại quay về nhà xác bệnh viện, người nhà cũng vừa lên thêm 6, 7 người nữa nhưng vẫn chưa tìm thấy cháu Hiếu. Thêm một lần nữa ông quay lại cầu Sêrêpôk, cơ quan chức năng cho biết, dưới xe đã hết nạn nhân, thông báo có một nạn nhân cấp cứu tại bệnh viện Cư Jut (Đắk Nông).

 

Người cha tội nghiệp ấy lại tất tả qua bệnh viện tìm con trai. “Tôi bế cháu lên đầu gối, máu cháu chảy lên đùi tôi, tôi cảm giác cháu chưa chết. Tôi nói với con trai: con cố gắng lên bố luôn ở bên con! Các bác sỹ sẽ cấp cứu con thôi! Tôi vuốt ve lên đầu, lên mình cháu… nhưng chao ôi… số phận quá nghiệt ngã…!”.

 

Mẹ anh Hiếu bà Phạm Thị Hương (48 tuổi) khi nhìn thấy con trai chết thảm, đã ngất liên tục từ hôm đó, bà không nói ra lời, ôm riết lấy quan tài con mà khóc, mà than.  Phải nhờ đến các nhân viên y tế chăm sóc liên tục. Người chị gái anh Hiếu, 4 giờ sáng (18/5) không thấy em trai xuống chơi gọi điện về gia đình biết tin mà hoảng loạn. “Tôi bảo em mày bị tai nạn giao thông chết rồi, nó hét qua điện thoại như sét đánh bên tai”, ông Đăng đau đớn.

 

“Về đến nhà 18 giờ tối ngày 18/5, chị nó khóc lóc, ngất lịm một hai đòi mở quan tài xem mặt em…”, ông Đăng đắng cay cho hay.

 

Những câu chuyện tang thương nối tiếp nhau, cùng với những dòng nước mắt không ngừng tuôn trên gương mặt hằn sâu nỗi đau của những người ở lại khiến chúng tôi không đủ can đảm bước vào một đám tang nào nữa. Nhưng những hình ảnh tang tóc đó cứ ám ảnh như cô đặc vào bầu không khí nóng nực và u uất nơi đây. Phải khó khăn lắm, mới có thể cầm được nước mắt.

 

 

Nạn nhân sống sót “oằn mình” chống chọi với thương tích

 

Sáng nay 19/5, Bác sỹ Nguyễn Đại Phong - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk xác nhận, hiện có 12/24 nạn nhân trong vụ thảm nạn xe khách đâm xuống sông Sêrêpôk nằm điều trị tại Bệnh viện.
 
Nỗi đau tột tận sau thảm nạn Sêrêpôk

Chị Huỳnh Thị Mỹ Loan (23 tuổi, quê Phù Mỹ, Bình Định) gãy xương cẳng chân nằm ở Khoa chấn thương chỉnh hình.

Hiện đã có 6 nạn nhân chấn thương nhẹ được người thân làm thủ tục xuất viện về nhà chiều ngày 18/5. Sáng nay 19/5, nạn nhân thứ 3 chuyển viện là anh Trần Văn Chuyên (63 tuổi, Hương Sơn, Hà Tĩnh) chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy - TP. Hồ Chí Minh tiếp tục điều trị. 2 ca tử vong ngoại viện đưa qua nhà xác rạng sáng 18/5, trốn viện 1 ca.

 

Tình trạng sức khỏe 12 nạn nhân đang diễn biến theo chiều hướng tốt, được theo dõi liên tục. Hiện 12 nạn nhân đã có người nhà đến chăm sóc, thuốc men hằng ngày. Tuy nhiên, số nạn nhân này đang từng giờ “oằn mình” đánh vật với bệnh tật, thương tích.

 

Viết Hảo