1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Nỗi ám ảnh cầu treo trong mùa bão lũ

(Dân trí) - Cũ nát, rệu rã, nguy hiểm là thực trạng đáng buồn của hàng trăm cây cầu treo ở miền núi hiện nay. Người đi trên những cây cầu này luôn cảm thấy bất an, nhất là vào những ngày mưa bão.

Cầu treo “treo” cả mạng người

 

Ông Lương Xuân Hinh, Chủ tịch UBND xã Nam Tiến (Thanh Hóa) cho biết, trung bình một năm có khoảng 30 vụ tai nạn tại cây cầu treo Nam Tiến. Nhẹ thì người bị tụt chân xuống sàn, nặng thì bị rơi hẳn xuống cầu gãy chân, gãy tay. Vụ nặng nhất là 5 người và 3 xe máy cùng rơi khỏi cầu, 1 xe máy bị hỏng hoàn toàn và một người bị thương nặng.

 

Chính những “kỷ lục” đáng buồn này đã khiến cây cầu Nam Tiến trở nên “nổi tiếng” nhất huyện vùng cao Quan Hóa hiện nay. Mặt cầu được lát bằng luồng, chằng lại với nhau bằng dây thép. Luồng to nhỏ, thò ra thụt vào không đều nhau. Nhiều đoạn thiếu luồng, trống hơ trống hoác. Thành ra, khi đi bước chân trên cầu, bà con phải cúi xuống nhìn, lựa cây luồng mà đi. Những người to béo khi đi qua, dẫm vào những cây luồng yếu, bị dập nát nhún nhẩy, sợ đến thót tim. Còn xe máy đi qua đây thì thực sự là một vấn đề nan giải. 

 

Ông Hinh cho biết, sau hơn 30 năm đi vào sử dụng, cầu Nam Tiến đã rệu rã như chỉ chờ sập, UBND xã Nam Tiến đã ra thông báo “cấm ngồi trên xe máy khi qua cầu”, nhưng nhiều người vẫn liều mạng phóng qua. Phần vì để tiết kiệm thời gian, nhưng một phần thì theo kinh nghiệm của họ là ngồi trên xe phóng thật nhanh qua cầu có khi còn an toàn hơn, đỡ sợ hơn là dắt cái xe nặng trịch, lần theo từng cây luồng mà đi. Vì thế, mỗi lần có xe máy đi qua, luồng đập vào nhau kêu như pháo nổ.

 

Mặt cầu đã vậy, khung sườn của cầu còn rợn người hơn. Toàn bộ dầm sắt đã bị gỉ mọt, dây buộc chằng chịt. Nếu cố tình thì một người bình thường dùng tay không cũng có thể bẻ được mấy thanh dầm sắt. Hệ thống dây neo từ cáp với mặt cầu cũng không còn hàng lối, cái còn cái mất, cái đã tuột ra.

 

Đây là cây cầu bắc qua sông Luồng, con sông lớn thứ hai chảy qua huyện Quan Sơn, bắt nguồn từ nước bạn Lào. Cầu dài gần 100 mét nhưng không còn đoạn lan can nào.

 

Ông Hinh cho biết thêm: “Cây cầu này nối với 8 bản bên kia sông với dân số hơn 2.000 người; việc sản xuất của bà con, học hành của trẻ nhỏ đều phải sử dụng đến cây cầu này. Nên dù mùa mưa đang đến, nước sông chảy siết, nhưng nhân dân và cán bộ tạm thời vẫn phải “đánh đu” với cây cầu”.

 

Cầu treo lắt lẻo gập gềnh... khó qua

 

Trước tiên phải thừa nhận rằng cầu treo vốn là hạ tầng hữu ích của người dân miền núi. Trong chuyến đi công tác mới đây lên tỉnh Lai Châu - “xứ sở cầu treo”, chúng tôi cũng gặp không ít những cây cầu treo xuống cấp. Quốc lộ 4D chạy dọc huyện Tam Đường có nhiều cây cầu treo vắt ngang các con suối.

 

Tại xã Hồ Thầu có hai cây cầu treo nhỏ nằm cách nhau chưa đến 1 km bị xuống cấp nghiêm trọng là cầu Chèo Thầu và cầu Chù Lìn. Ván lát mặt cầu bằng gỗ đã mục nát sau nhiều năm sử dụng, nhiều nơi ván đã bị mất. Dầm cầu lại chỉ được làm bằng gỗ nên cũng đã bắt đầu xiêu vẹo. Lan can cũng được làm bằng gỗ, nối với nhau bằng những sợi thép nhỏ, lung lay, đong đưa. 

 

Nỗi ám ảnh cầu treo trong mùa bão lũ - 1

Cầu Chù Lìn - chẳng khó khăn gì để... rơi xuống vực. (Ảnh: H.N)

 

Anh Phàn A Sài sống ở bản Chèo Thầu, ngay đầu cầu Chèo Thầu nói tiếng kinh lơ lớ: “Sợ nhất là đi vào buổi tối trời mưa thôi. Xe máy bị trượt, lan can cầu thấp lại bị hỏng nên năm nào mà chẳng có mấy người rơi xuống đó”.

 

Đặc biệt, giữa cây cầu Chù Lìn mấy năm nay có một đoạn cầu nghiêng hẳn sang một bên; chỉ cần một người đi bộ qua là cầu đã rung lên bần bật. Còn người đi xe máy khi qua đây thì phải nghiêng xe sang một bên để lấy thăng bằng không khác nào làm xiếc.

 

Tai nạn xảy ra do cây cầu gây ra rất nguy hiểm vì dưới lòng suối ở đây có rất nhiều khối đá lớn nhỏ, nhấp nhô. Anh Tẩn A Dao ở ngay cạnh cầu kể lại vào mùa mưa năm ngoái, anh Tẩn A Nao ở bản Chù Lìn bị hất ngã ngay tại điểm nghiêng giữa cầu, gãy xương đùi do bị đập vào đá, chiếc xe máy, tài sản lớn nhất của gia đình cũng bị phá tan tành. 

 

Tuy nhiên, điều đáng buồn là theo những người dân ở đây, hai cây cầu này chỉ mới có tuổi thọ 5-7 năm. Nếu được sửa chữa, tu bổ thường xuyên, những tai nạn thương tâm như thế chắc chắn sẽ được hạn chế.

 

Theo phân tích của ông Hoàng Quang Thanh, Phó Giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu, vốn đầu tư cho một cây cầu treo trên địa bàn tỉnh chỉ phổ biến từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng. Với các vật liệu đơn giản, cầu treo nhanh xuống cấp nhanh hơn các cây cầu bằng bê tông cốt thép. Việc bảo dưỡng, sửa chữa cầu đáng ra phải được làm thường xuyên như thay dầu cho một chiếc xe máy. Nhưng xem ra công tác duy tu bảo dưỡng còn rất hạn chế, thậm chí là rất… mơ hồ.

 

Hồng Ngân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm