Nợ công năm 2010 lên đến 52,6% GDP
(Dân trí) - Theo Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, dự báo nợ công năm 2010 ở mức 52,6% GDP và năm 2011 lên đến 57,1% GDP. Nợ công tăng cao so với giai đoạn trước, trong khi hiệu quả sử dụng vốn vay được đánh giá là chưa cao.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong tổng số 21 chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch kinh tế - xã hội 2010, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Nền kinh tế phục hồi khá nhanh với tốc độ tăng trưởng càng về cuối năm càng cao và ổn định hơn, ước cả năm tăng 6,7%.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UB Kinh tế, Hà Văn Hiền cho rằng, bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, nền kinh tế vẫn bộc lộ không ít bất cập. Kinh tế vĩ mô vẫn thiếu nền tảng vững chắc, chất lượng tăng trưởng thấp, tiềm ẩn không ít bất trắc, nếu không sớm khắc phục có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định trong những năm tiếp theo.
Chỉ số giá tiêu dùng cả năm dự kiến được kiểm soát dưới 8%, nhưng diễn biến không ổn định trong năm, gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tác động xấu đến đời sống của nhân dân…
“Không chỉ riêng năm 2010 mà cả trong 5 năm (2006 - 2010), hầu hết các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm đều không đạt kế hoạch. Vấn đề ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí do bụi, rác thải, khí thải, nước thải từ các khu công nghiệp, rác thải sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng…”, ông Hà Văn Hiền đánh giá. |
“Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội khống chế nợ công không vượt quá 60% GDP; dư nợ Chính phủ, nợ của Chính quyền địa phương không quá 50% GDP, đồng thời Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ nợ Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp và cả khoản nợ doanh nghiệp nhà nước đi vay không có sự bảo lãnh của Chính phủ” ông Phùng Quốc Hiển kiến nghị đối với giai đoạn 2011 - 2015.
Đa số ý kiến của UB Kinh tế cũng cho rằng, từ nhiều năm qua, nguồn đầu tư do không bù đắp bằng tiết kiệm nội địa, nên phải dựa nhiều vào bên ngoài. Vì vậy, cần kiểm soát vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và phát hành trái phiếu Chính phủ để tránh làm vấn đề nợ công trở nên trầm trọng hơn.
Về các mục tiêu năm 2011, Chính phủ dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7 - 7,5%. Đa số ý kiến trong UB Kinh tế cho rằng, mặc dù năm 2010 có những khó khăn lớn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 6,7%, tạo tiền đề tốt cho năm 2011, do vậy nhất trí với đề nghị của Chính phủ.
Về chỉ số giá tiêu dùng, Chính phủ dự kiến tăng dưới 7%, trong khi UB Kinh tế có 2 loại ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất đồng tình với dự kiến của Chính phủ, luồng ý kiến thứ hai, đề nghị đặt mục tiêu giảm lạm phát xuống thấp hơn, khoảng 6,5%.
Luồng ý kiến đề nghị giảm lạm phát thấp hơn cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng nước ta liên tục tăng cao, trong khi lạm phát trên thế giời nhìn chung đều ở mức thấp. Nếu tiếp tục để lạm phát năm 2011 ở mức cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân.
Cấn Cường