1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư - "Đô thị di sản thiên niên kỷ"

Thái Bá

(Dân trí) - Huyện Hoa Lư và TP Ninh Bình sẽ được hợp nhất thành đơn vị hành chính mới có tên là thành phố Hoa Lư, mang tính chất "Đô thị di sản thiên niên kỷ", đạt đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng và phát triển thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức phiên họp thứ nhất. Đề án nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Ninh Bình về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025.

Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư - Đô thị di sản thiên niên kỷ - 1

Di sản thế giới Tràng An sẽ nằm trong lòng thành phố Hoa Lư - Đô thị di sản thiên niên kỷ ở Ninh Bình (Ảnh: Ninh Mạnh Thắng).

Theo đề án, việc xây dựng và phát triển thành phố Hoa Lư trên cơ sở hợp nhất huyện Hoa Lư và TP Ninh Bình thành đơn vị hành chính thành phố mới. Thành phố Hoa Lư sau khi được thành lập với định hướng tính chất là "Đô thị di sản thiên niên kỷ", là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Ninh Bình.

Thành phố Hoa Lư có vị thế là trung tâm du lịch vùng và quốc gia, mang giá trị toàn cầu; là trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa, kinh tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, đầu mối hợp tác quốc tế của tỉnh Ninh Bình…

Để thực hiện đề án trên, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo huyện Hoa Lư và TP Ninh Bình thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố và huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, tạo nền tảng, tiền đề để xây dựng và phát triển thành phố Hoa Lư theo định hướng "Đô thị Di sản thiên niên kỷ".

Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư - Đô thị di sản thiên niên kỷ - 2

Thành phố Ninh Bình sẽ hợp nhất với huyện Hoa Lư trở thành đơn vị hành chính mới là thành phố Hoa Lư (Ảnh: Thái Bá).

Bên cạnh đó, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển thành phố Hoa Lư "Đô thị Di sản thiên niên kỷ" độc đáo, tiêu biểu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là hình mẫu phát triển dựa trên sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng kinh tế, hướng vào các tiêu chí xã hội phát triển và nhân dân hạnh phúc. 

Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị; quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc, đô thị, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh, đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh; bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An. 

Tăng cường công tác quốc phòng, quân sự địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các nội dung liên quan đến đất đai và giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư - Đô thị di sản thiên niên kỷ - 3

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo thực hiện đề án xây dựng và phát triển thành phố Hoa Lư (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Bình).

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đề án nêu rõ, việc xây dựng đề án là chuẩn bị trước một bước để xây dựng, phát triển thành phố Hoa Lư theo định hướng "Đô thị Di sản thiên niên kỷ", đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình giao TP Ninh Bình chủ trì phối hợp với huyện Hoa Lư xây dựng ngay đề án phân loại đô thị; lập đề án xây dựng và phát triển thành phố Hoa Lư, trên cơ sở đó bố trí nguồn lực, tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo các tiêu chí đô thị loại II, hướng tới xây dựng đô thị loại I. 

Đối với các sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu, căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí của ngành mình trong Bộ tiêu chí phân loại đô thị, trên cơ sở đó gửi về Sở Xây dựng và UBND thành phố để tổng hợp, rà soát xây dựng đề án.