Ninh Bình lý giải việc xây 25km cao tốc "tốn" 7.000 tỷ đồng
(Dân trí) - Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình cho hay, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua Ninh Bình), cần số vốn lớn vì công trình qua nhiều khu dân cư, có nhiều nút giao, nền đất yếu…
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang công khai tham vấn cộng đồng Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình.
Tỉnh Ninh Bình cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục, phấn đấu cuối năm 2024 sẽ khởi công dự án (rút ngắn thời gian khoảng 5 tháng so với dự kiến) đường cao tốc dài 25,3km qua địa bàn. Công trình có tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Ninh Bình) dài hơn 25km, được đầu tư xây dựng tiêu chuẩn 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 120km/h.
Theo vị lãnh đạo này, dự án cần đến tổng số vốn gần 7.000 tỷ đồng là do tuyến đường qua nhiều khu dân cư nên có nhiều hạng mục như: 4 nút giao, 12 cầu cống, đường gom, tái định cư, hạ tầng hoàn trả nhiều; nền đất thi công yếu…
Theo thiết kế, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua Ninh Bình), có điểm đầu tại xã Mai Sơn (huyện Yên Mô), giao với cao tốc Bắc - Nam; điểm cuối tại xã Khánh Cường (huyện Yên Khánh), tiếp giáp với cầu Tam Tòa nối Nam Định và Ninh Bình.
Đây là dự án đầu tư xây dựng mới và sử dụng đất, đất có mặt nước quy mô lớn hơn 100ha, yêu cầu chuyển đổi trên 144ha đất chuyên trồng lúa.
"Dự án không ảnh hưởng đến khu bảo tồn thiên nhiên, đất rừng. Các loại đất được thu hồi nằm trong phạm vi quy hoạch phát triển của địa phương", báo cáo ĐTM cho hay.
Theo Sở GTVT tỉnh Ninh Bình, tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng có điểm đầu kết nối với đường cao tốc Bắc - Nam (phía Đông tại TP Ninh Bình), điểm cuối kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Vì thế, việc đầu tư tuyến đường đoạn qua tỉnh Ninh Bình là cần thiết.
Sau khi tuyến đường hoàn thành sẽ hình thành kết nối với các tuyến cao tốc, các tuyến quốc lộ (quốc lộ 10, quốc lộ 1, quốc lộ 21, quốc lộ 37 mới), các trục phát triển kinh tế như: đường trục phát triển kinh tế tỉnh Nam Định, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần; tuyến đường Thái Bình - Cồn Vành…