1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kon Tum:

Niềm vui nhập tịch của những mối tình “xuyên biên giới”

(Dân trí) - Sau hàng chục năm đợi chờ, những cặp vợ chồng thuộc 2 huyện miền núi Ngọc Hồi và Đăk Glie (Kon Tum) vui mừng khôn xiết khi được nhập quốc tịch Việt Nam. Từ nay, những tình yêu “xuyên biên giới” sẽ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, vợ chồng có giấy đăng kí kết hôn, con sinh ra có giấy khai sinh…

Thời gian qua, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các huyện Đăk Glei và huyện Ngọc Hồi để tổ chức công bố, trao quyết định của Chủ tịch nước về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với hàng chục công dân Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú với người Việt Nam trong vùng biên giới Việt Nam-Lào.

Các công dân được nhập quốc tịch Việt Nam đều bày tỏ lòng tri ân đối với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương khi đã hỗ trợ làm các thủ tục pháp lý, tạo điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam. Họ hứa sẽ cố gắng phấn đấu, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc với cộng đồng dân cư ở địa phương nơi cư trú, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình, nghiêm túc chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.

Niềm vui nhập tịch của những mối tình “xuyên biên giới” - 1
Trải qua bao thế hệ, nhưng đến thời điểm này những cặp vợ chồng Brâu mới được nhập tịch và hưởng những chính sách của Đảng và Nhà nước

Từ hàng chục năm nay, bà con đồng bào dân tộc Brâu (là một trong 5 dân tộc ít người nhất cả nước) đã định cư tại ngã 3 biên giới (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Xa xưa, người Brâu thường cư trú trên địa bàn Đông Nam nước Lào và Đông Bắc nước Campuchia và một phần ít ở thôn Đăk Mế, xã Bờ Y. Tuy mang quốc tịch và sống ở những những nước khác nhau nhưng những người Brâu lại gần giống nhau về văn hóa, đời sống… Chính vì vậy, các đôi trai gái Brâu đã chung lời hẹn thề trăm năm. Những cuộc tình ấy cứ bén duyên và “đơm hoa, kết trái” rồi cùng nhau định cư tại cùng ngã 3 biên giới ở Việt Nam.

Theo chân anh cán bộ xã Bờ Y về thôn Đăk Mế để thăm những hộ gia đình đã được nhập Quốc tịch, chúng tôi đã cảm nhận được một không khí tưng bừng, phấn khởi của bà con đồng bào Brâu khi được nhập quốc tịch Việt Nam. Những cặp vợ chồng đã cưới nhau gần 15 – 20 chục năm và có cặp chỉ mới sống được vài năm “chung nhà” nhưng khác quốc tịch. Họ từ lâu đã có chung niềm ao ước được nhập quốc tịch để hoàn thành các thủ tục pháp lý, cho con đến trường và hưởng những chính sách mà Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ, giúp đỡ.

Niềm vui nhập tịch của những mối tình “xuyên biên giới” - 2

Niềm vui của gia đình chị A Nheng khi đã được nhập quốc tịch Việt Nam và sống ổn định trên vùng 3 biên giới này.

Vợ chồng anh A Nheng (SN 1985, trước trú tại huyện Samaxay, tỉnh Atapeu, Lào) và chị Y Điết (SN 1990, trú xã Đăk Mế, xã Bờ Y) đã sống với nhau hơn chục năm nay mà chưa được đăng kí kết hôn. Anh Nheng bộc bạch: “Vì bố mẹ bên mất hết nên năm 2004 tôi đã được người chú ruột đưa từ nước Lào sang Việt Nam sinh sống. Cuộc sống tuy vất vả nhưng được gia đình chú đùm bọc và bảo vệ. Năm 2009, tôi ưng cái bụng Y Điết nên đã về xin cưới. Lúc đó, phong tục trong làng là làm con heo, con gà mời họ hàng, làng xóm là có thể về ở với nhau. Do khó khăn về việc nhập quốc tịch nên chúng tôi vẫn chưa làm giấy đăng kí kết hôn.”.

“Được sự quan tâm của Nhà nước đã cử cán bộ hướng dẫn cho mình làm hồ sơ nhập quốc tịch và hoàn thành các thủ tục pháp lý để đảm bảo vệ quyền lợi như giấy đăng kí kết hôn, được làm giấy khai sinh, sổ hộ khẩu… Tôi vui lắm, nhà cửa, vợ con của tôi đều ở đây hết nên thôn Đăk Mế cũng là quê hương thứ 2 của tôi rồi”, anh A Nheng chia sẻ thêm.

Niềm vui nhập tịch của những mối tình “xuyên biên giới” - 3
Những bà con đồng bào Brâu luôn bảo tồn những văn hóa của dân tộc mình

Cùng hòa chung niềm hân hoan khi được nhập tịch Việt Nam, chị Y Chồi (SN 1983) trú thôn Dục Lang, xã Đak Long (huyện Đak Glei) cho biết: “Nhiều năm chờ đợi cuối cùng tôi cũng được là công dân Việt Nam rồi. Giờ đây ốm đau đến bệnh viện đã có bảo hiểm. Cũng không bị gọi là người xâm cư rồi. Tôi tự hào lắm. Tôi sẽ cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế để vươn lên đói nghèo”.

Ông A Lăng (SN 1988), hiện trú tại thôn Đăk Ba, xã Đak Dục là một trong những cá nhân được nhập tịch Việt Nam theo quyết định số 561, ngày 3/4/2019 của Chủ tịch nước. Ông A Lăng vui mừng chia sẻ: “Khi biết mình được nhập tịch Việt Nam, tôi rất vui mừng, phấn khởi. Đó là điều bao lâu nay chúng tôi mong mỏi, đây cũng là động lực giúp chúng tôi yên tâm phát triển kinh tế, vươn lên đói nghèo. Tôi rất biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện hỗ trợ các giấy tờ về pháp lý, tạo điều kiện cho tôi được nhập quốc tịch Việt Nam.”.

Nhiều năm qua, dù đã sống như người Việt Nam qua bao nhiêu đời nhưng một số bà con Brâu vẫn chưa được nhập tịch. Họ không được hưởng các chính sách của người Việt Nam, kết hôn ngoài giá thú, không có hộ khẩu và chứng minh nhân dân. Với họ việc được nhập tịch Việt Nam là một niềm vui lớn nhất. Niềm vui ấy càng có ý nghĩa hơn khi các thế hệ con cháu sau này chính thức được hưởng các chính sách của người Việt Nam, được khai sinh, được đến trường và được chữa bệnh.

Niềm vui nhập tịch của những mối tình “xuyên biên giới” - 4
Mới cưới nhau được hơn 2 năm, vợ chồng em A Noi và Nang Nhục đã được nhập Quốc tịch, sống ổn định, xây dựng kinh tế tại Việt Nam

Ông Nguyễn Duy Cường (Chủ tịch UBND xã Bờ Y) cho biết: “Toàn xã có 2.228 hộ với 8.524 nhân khẩu. Trên địa bàn có rất nhiều bà con đồng bào sinh sống như: Ca Dong, Xê Đăng và một số nhỏ bà con dân tộc ít người Brâu. Bà con Brâu có nguồn gốc từ Lào và sinh sống nhiều năm nay trên địa bàn thôn Đăk Mế. Với những chính sách về nhập quốc tịch của Đảng và Nhà nước, xã đã phối hợp để đến từng nhà giúp đỡ bà con làm hồ sơ nhập tịch. Đồng thời, hướng dẫn cho bà con làm các giấy tờ pháp lý liên quan. Tuy những năm qua còn khó khăn trong việc nhập tịch nhưng xã luôn chủ động, linh hoạt để mọi bà con được an cư, lạc nghiệp trên mảng đất vùng biên này”.

Phạm Hoàng