1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cà Mau:

Những tuyến đường vỡ toác như động đất vì khô hạn

(Dân trí) - Một tuyến đường gần UBND xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vừa xảy ra sụt lún do khô hạn, có chỗ lún sâu gần 3m khiến giao thông bị chia cắt hoàn toàn.

Sụt lún đường gần UBND xã Khánh Bình Tây.

Thông tin từ UBND huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), sáng ngày 18/3, đoạn đường giao thông bằng bê tông rộng 3m từ UBND xã Khánh Bình Tây đến đường ô tô về trung tâm xã Khánh Bình Tây Bắc xảy ra sụt lún nghiêm trọng.

Hiện trường cho thấy vị trí sụt lún dài hơn 30m, rộng 15m, sâu gần 3m; giao thông trên đoạn đường này bị chia cắt hoàn toàn.

Những tuyến đường vỡ toác như động đất vì khô hạn - 1
Những tuyến đường vỡ toác như động đất vì khô hạn - 2
Những tuyến đường vỡ toác như động đất vì khô hạn - 3

Sụt lún nghiêm trọng đường giao thông ở xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).

Hiện nay, diễn biến tiếp tục nguy hiểm, đe dọa 2 căn nhà dân đang có hiện tượng bị nghiêng, nứt do ảnh hưởng của sụt lún. 

Nguyên nhân ban đầu được chính quyền địa phương xác định do nước trên kênh Ngang đã cạn, đất bị co ngót, mất phản áp, từ đó gây ra sụt lún.

Ngành chức năng đã cho rào chắn cảnh báo, cử người trực điều tiết giao thông không cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực này; đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại, lập kế hoạch khắc phục sự cố.

Đây là vụ sụt lún mới nhất và liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh Cà Mau mà theo ngành chức năng địa phương cho rằng đều do tình hình khô hạn đã và đang có diễn biến ngày càng khốc liệt.

Sụt lún đường Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc.

Trước đó, vào ngày 15/3, một đoạn tuyến đường Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc (qua địa bàn huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã xảy ra sụt lún làm hư hỏng nền, mặt đường hoàn toàn với chiều dài khoảng 35m, sâu gần 3m; giao thông bị chia cắt.

Từ vị trí đầu và cuối điểm sụt lún trở về 2 phía khoảng 10m-15m mặt đường bị rạn nứt khá nhiều, có nguy cơ tiếp tục sạt lở.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là hiện nay đang vào mùa khô hạn, mực nước kênh Cơi 5 đã cạn, trong khi lòng kênh sâu dẫn đến mất ổn định nền đường, đất bị co ngót, nền đất yếu nên đẩy bùn ra lòng kênh gây sụt lún.

Những tuyến đường vỡ toác như động đất vì khô hạn - 4

Một đoạn dài khoảng 35m trên tuyến đường Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc bị sụt lún nghiêm trọng.

Sau khi khảo sát, ngành chức năng nhận định, với điều kiện thời tiết hạn hán như hiện nay thì khả năng sụt lún trên tuyến đường Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp.

Tặng dụng cụ chứa nước và nước sạch cho người dân vùng hạn, mặn

Trước tình hình hạn, mặn kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm hộ dân Sóc Trăng, Bạc Liêu, nhiều đơn vị đã tặng dụng cụ chứa nước và cấp nước sạch cho dân ở vùng hạn, mặn.

Ghi nhận của phóng viên tại Sóc Trăng, Đại tá Lê Văn Anh- Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng, cho biết do nhu cầu thiếu nước sinh hoạt hiện nay của người dân, đơn vị đã báo cáo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Quốc phòng xin hỗ trợ kinh phí chống hạn, mặn.

Trong đó, kinh phí được dùng mua dụng cụ chứa nước ngọt và chở nước ngọt cấp cho hộ dân gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, các hộ bị ảnh hưởng thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn biên phòng.

Những tuyến đường vỡ toác như động đất vì khô hạn - 5

Tặng bồn chứa nước cho người dân Sóc Trăng.

Theo đó, có 350 hộ dân được cấp mỗi hộ một bồn chứa nước sạch dung tích 500 lít cùng nước sạch sinh hoạt. Cụ thể, ở xã Trung Bình (huyện Trần Đề) 70 hộ, xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu) 70 hộ, xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu) 70 hộ, phường 1 (thị xã Vĩnh Châu) 70 hộ, xã An Thạnh Ba (huyện Cù Lao Dung) 70 hộ.

Bên cạnh đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng cũng tổ chức chở 175m3 nước ngọt cấp cho bà con sử dụng.

Đây là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đầy tinh thần trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng đối với nhân dân trên khu vực biên giới biển ở tỉnh Sóc Trăng.

Những tuyến đường vỡ toác như động đất vì khô hạn - 6
Những tuyến đường vỡ toác như động đất vì khô hạn - 7

Mang nước ngọt đến cho người dân Sóc Trăng sử dụng.

Trong khi đó, ghi nhận của phóng viên Dân trí tại tỉnh Bạc Liêu, Hội Chữ thập đỏ tỉnh này phối hợp tổ chức vận hành hệ thống cung cấp nước ngọt miễn phí cho người dân vùng hạn, mặn.

Theo đó, có 3 hệ thống lọc nước ngọt công suất 4m3 nước/ngày/hệ thống) được triển khai tại phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu).

Ngoài ra, còn trao tặng 3.000 can nhựa để chứa nước ngọt cho hơn 1.000 hộ dân ở địa phương, với kinh phí trên 500 triệu đồng.

Những tuyến đường vỡ toác như động đất vì khô hạn - 8

Tặng túi trữ nước ngọt cho người dân Bạc Liêu.

Trường Đại học Bạc Liêu cũng vừa phối hợp nhà tài trợ trao tặng túi dự trữ nước ngọt cho các hộ dân ở huyện Đông Hải và huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu).

Ông Từ Diệp Công Thành- Hiệu trưởng trường Đại học Bạc Liêu, cho biết hiện nay tỉnh Bạc Liêu nói riêng, ĐBSCL nói chung bị ảnh hưởng nặng nề do hạn, mặn gây ra. Năm 2019 là năm lưu lượng nước về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn cả năm 2015- 2016. Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô 2019 - 2020.

Về nước sinh hoạt, hiện có hàng chục ngàn hộ dân ở ĐBSCL đang thiếu nước ngọt sạch khiến cuộc sống gặp không ít khó khăn.

Những tuyến đường vỡ toác như động đất vì khô hạn - 9

Sau khi đưa nước vào, túi sẽ căng phồng lên như thế này, có thể chứa được từ 7m3, 15m3 nước,...

Ông Từ Diệp Công Thành cho biết, Đại học Bạc Liêu rất vinh dự, vui mừng được đồng hành, phối hợp với nhà tài trợ trao tặng túi chứa nước, mong rằng sẽ giúp ít được cho người dân trong thời gian hạn, mặn gay gắt hiện nay.

Xuân Lương - Huỳnh Hải