PhotoStory

Những tranh luận "cán bộ sợ sai" làm nóng nghị trường Quốc hội

Thực hiện: Thủy Tiên - Hoài Thu

(Dân trí) - Trong 1,5 ngày thảo luận kinh tế - xã hội, thực trạng cán bộ sợ sai liên tục được "gọi tên". Những tấm biển tranh luận nhiều lần được giơ lên, cho thấy không khí sôi nổi trên nghị trường Quốc hội.

Những tranh luận cán bộ sợ sai làm nóng nghị trường Quốc hội - 1

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội bắt đầu sáng 31/5, thực trạng "cán bộ sợ sai" là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội.

Là người đầu tiên phát biểu, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) chia sẻ lo ngại khi thực trạng này đang lan rộng từ Trung ương đến địa phương, từ khu vực công đến khu vực tư. Đại biểu này đề nghị thay thế những cán bộ sợ trách nhiệm, giống như "cầu thủ thi đấu kém phải ra khỏi sân".

Những tranh luận cán bộ sợ sai làm nóng nghị trường Quốc hội - 2

Chung lo ngại với thực tế đang phổ biến này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) góp ý cần liệu pháp đủ mạnh để xốc lại tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, và có liều thuốc đặc trị hiệu quả căn bệnh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai. "Không thể để bệnh này lan ra diện rộng, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của mỗi địa phương và sự phát triển chung của đất nước", ông Mai nói.

Những tranh luận cán bộ sợ sai làm nóng nghị trường Quốc hội - 3

Dùng quyền tranh luận để đưa ra góc nhìn khác về vấn đề cán bộ sợ sai, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) lại cho rằng nếu có hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp, cán bộ sẽ "chẳng có gì phải sợ".

Ông Hậu nêu thực tế hiện nay, cán bộ phải đưa ra quyết định để đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên không ít thì nhiều, sẽ vi phạm các quy định.

"Cần làm sao để cán bộ các cấp không phải dám nghĩ, dám làm, mà chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để năng động, sáng tạo, thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất", đại biểu Hậu nêu quan điểm.

Những tranh luận cán bộ sợ sai làm nóng nghị trường Quốc hội - 4

Sau phát biểu của đại biểu Trần Hữu Hậu, tấm biển xin tranh luận được giơ lên từ vị trí đoàn Kon Tum, của đại biểu Tô Văn Tám. Ông cho rằng hiện tượng cán bộ né tránh trách nhiệm đã có từ lâu, nhưng dường như gần đây nặng hơn, phức tạp hơn.

Vị đại biểu nuối tiếc khi nguồn cảm hứng sáng tạo, phá rào khoán sản phẩm nông nghiệp cuối những năm 70 hay tinh thần tự cởi trói trước đổi mới đến nay đã không còn.

"Trong điều kiện hiện nay, rất cần cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung", ông Tám nêu quan điểm.

Những tranh luận cán bộ sợ sai làm nóng nghị trường Quốc hội - 5

Cần chấn chỉnh ngay tư tưởng bàn lùi, đùn đẩy, làm việc cầm chừng trong một bộ phận cán bộ, là quan điểm được đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) nêu ra.

Nhấn mạnh Đảng đã khuyến khích bảo vệ cán bộ "6 dám", nhưng theo đại biểu Thu, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm vẫn đang tồn tại và để hóa giải, một hành lang pháp lý bảo vệ cho cán bộ, công chức là điều hết sức cần thiết.

Những tranh luận cán bộ sợ sai làm nóng nghị trường Quốc hội - 6

Hàng loạt việc cần làm và phải làm khẩn trương hơn, quyết liệt hơn được đại biểu Đặng Xuân Phương (Nghệ An) nêu ra tại nghị trường, là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục cho được những bất cập, hạn chế trong tổ chức thực thi pháp luật.

Đặc biệt, ông cho rằng cần cấp thiết vượt qua căn bệnh né tránh, sợ trách nhiệm, thói vô cảm đang có xu hướng lan nhanh trong nền công vụ.

Những tranh luận cán bộ sợ sai làm nóng nghị trường Quốc hội - 7

Chung quan điểm, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đề nghị có biện pháp chấn chỉnh ngay lề lối làm việc của bộ máy Nhà nước các cấp, nhất là tình trạng cán bộ, công chức có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh không giải quyết các thủ tục hành chính hoặc gây ách tắc kéo dài khi giải quyết các thủ tục hành chính của dân và doanh nghiệp.

Theo ông, tình trạng này gây khó khăn, ách tắc và khiến người dân, doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Những tranh luận cán bộ sợ sai làm nóng nghị trường Quốc hội - 8

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) lại cho rằng trong thời điểm giao thoa sửa đổi nhiều dự án luật quan trọng và chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, tình trạng sợ trách nhiệm diễn ra ở mức độ phổ biến cũng là điều dễ lý giải.

"Nếu không giải quyết dứt điểm điểm nghẽn trong vấn đề sợ trách nhiệm, e rằng dù có đầy đủ hệ thống quy định vẫn không thể thúc đẩy tăng trưởng", đại biểu Tâm nói.

Những tranh luận cán bộ sợ sai làm nóng nghị trường Quốc hội - 9

Tham gia tranh luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Tạ Văn Hạ nhấn mạnh cần "bắt đúng bệnh" thực trạng cán bộ sợ sai.

Vấn đề chính ở đây, theo ông Hạ, chính là trách nhiệm của người đứng đầu. "Phải tổng kết xem xử lý được bao nhiêu người đứng đầu về thực hiện nhiệm vụ này, có bao nhiêu người bị cho đứng sang một bên khi không làm được việc", ông Hạ đề nghị xử nghiêm trách nhiệm trong câu chuyện này.

Những tranh luận cán bộ sợ sai làm nóng nghị trường Quốc hội - 10

Quyết tâm công phá tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định khi giải trình làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Một giải pháp quan trọng mà nữ Bộ trưởng nhắc đến là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; biểu dương nơi làm tốt, xử lý nghiêm cán bộ không làm tròn trách nhiệm, sợ sai.

"Phải kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ năng lực hạn chế, nhất là cán bộ lãnh đạo không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ", bà Trà cho hay Ban Tổ chức Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng rất kiên quyết trong việc này và vừa qua đã xử lý một số trường hợp.

Những tranh luận cán bộ sợ sai làm nóng nghị trường Quốc hội - 11

Bên cạnh việc báo cáo Quốc hội có nghị quyết thí điểm để khuyến khích, bảo vệ cán bộ "6 dám", Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị cơ quan kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục nghiên cứu, phân loại vụ việc vi phạm.

Nếu không có yếu tố vụ lợi cán nhân, không tham ô, tham nhũng, bà Trà đề nghị có cơ chế khoan dung cho cán bộ, khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Những tranh luận cán bộ sợ sai làm nóng nghị trường Quốc hội - 12

Sáng 1/6, phần tranh luận về cán bộ sợ sai vẫn tiếp tục sau khi tấm biển của đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) được giơ lên.

"Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu", đại biểu Vũ Trọng Kim thừa nhận thực trạng này là có thật.

Đại biểu tỉnh Nam Định đề nghị các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm liên đới về những sai sót của cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Như vậy mới có sự hỗ trợ, giúp đỡ để có điều chỉnh cần thiết.

Những tranh luận cán bộ sợ sai làm nóng nghị trường Quốc hội - 13

Cũng dùng 3 phút tranh luận, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) thể hiện quan điểm "không làm gì cả là một hành vi vi phạm pháp luật". "Không hành động tức là không thực hiện bổn phận nghĩa vụ mà Nhà nước trao cho, như vậy là vô trách nhiệm, mà vi phạm pháp luật thì phải xử lý", ông Vân nói.

Theo ông, một người không làm gì mà gây ra hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý nghiêm khắc, kể cả xử lý hình sự.