1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Những tình huống "bất lực" trên cung đường đưa người đi cấp cứu ở TPHCM

Tâm Linh

(Dân trí) - Sau chuyến chuyển bệnh nhân, hai đùi tài xế xe cứu thương 115 run bần bật vì liên tục phải rà côn, nhích từng chút trên đường Trường Chinh, một trong những điểm nóng kẹt xe ở TPHCM.

"Mới 7h đã như thế, nếu hôm nào có chuyến cấp cứu cả ngày gặp vài đoạn kẹt xe nữa không biết sẽ ra sao", anh Trần Công Lộc, tài xế xe cứu thương của Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM, chia sẻ với phóng viên.

Duy trì sự sống cho bệnh nhân trên đường cấp cứu không chỉ là nhiệm vụ của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, trong đó còn có trách nhiệm to lớn của người lái xe.

Những tình huống bất lực trên cung đường đưa người đi cấp cứu ở TPHCM - 1

Một xe cứu thương hú còi inh ỏi nhưng không thể thoát ra khỏi dòng xe gần khu vực bệnh viện Ung Bướu, quận Bình Thạnh (Ảnh: Hoàng Giám).

Muôn vàn trở ngại trên đường phố

Đối với những tài xế lái xe cứu thương ở Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM nói riêng và ở các đơn vị khác nói chung, khi làm nhiệm vụ họ căng thẳng không chỉ về áp lực cứu người, mà còn phải chịu những tình huống trở ngại trên đường như kẹt xe, ý thức người tham gia giao thông chưa tốt, đường xấu…

Trung bình mỗi ngày Trung tâm 115 TPHCM phục vụ cấp cứu ngoại viện khoảng 30-40 ca, gồm các trường hợp do tai nạn giao thông, tự tử, cháy nổ, đẻ rơi, bệnh tật...

Một trong những khu hay xảy ra tai nạn giao thông và xe cứu thương gặp khó khăn để tiếp cận là trên đường Hoàng Sa, Trường Sa. Theo lời tài xế Trần Công Lộc, hai con đường "ăn nhậu" sầm uất của thành phố có các khúc cua gấp thường có người ngã xe hoặc đâm nhau, do say rượu hoặc lái xe tốc độ nhanh. 

Hai tuyến đường có một số đoạn đi qua gầm cầu, các gầm này có chiều cao thấp không vừa xe cứu thương đi qua, tài xế nếu rẽ nhầm vào vị trí này thường phải lùi xe, đi vòng đường khác để đến chỗ người gặp nạn, rất mất thời gian.

"Đáng buồn và bực nhất là những trường hợp cố tình chặn đầu xe cứu thương, chúng tôi gặp phải rất nhiều. Xe hú còi, bóp còi liên tục thậm chí tài xế thò đầu ra hét lên nhưng người ta không tránh", anh Lộc cho hay.

Trong tình huống đó, các tài xế nếu không bình tĩnh, không khéo léo né tránh thì dễ gây nguy cơ xảy ra va chạm với phương tiện khác trong khi kích thước xe cấp cứu không nhỏ. Hơn nữa, khi va chạm có thể gây chấn động bệnh nhân trong xe và thiệt hại không chỉ về vật chất mà quan trọng là thời gian cứu người.

Anh Phạm Minh Hùng, Đội trưởng Đội lái xe cấp cứu Trung tâm 115 TPHCM đã chia sẻ với phóng viên về tình huống nhiều tài xế "bất lực". Đó là khi các phương tiện dừng đèn đỏ vô tình chắn đường xe cứu thương, họ thường do dự ngại vượt qua vạch dừng vì sợ bị phạt nguội, tài xế xe cứu thương không thể buộc người ta nhường đường.

Bên cạnh đó, anh Hùng liệt kê trường hợp tay lái yếu thường không chủ động thao tác nhường đường nhanh chóng được, đặc biệt là học sinh mới lái xe máy, đi xe đạp điện. Anh nói, đi sau họ rất căng thẳng. 

"Chúng tôi mong người dân thông cảm và phía cơ quan chức năng giao thông có phương án cho những người nhường đường cho xe cấp cứu. Đồng thời, mong xử phạt thỏa đáng với ai cản đường cho việc cứu người", đội trưởng Hùng bày tỏ.

Những tình huống bất lực trên cung đường đưa người đi cấp cứu ở TPHCM - 2

Xe cứu thương "bất lực" trước dòng xe kẹt trên đường Tô Ngọc Vân, phường Linh Đông, TP Thủ Đức hồi cuối tháng 10/2022 (Ảnh: Trần Đạt).

Kẹt xe ảnh hưởng đến thời gian cứu người

Nói đến kẹt xe, tài xế Trần Công Lộc chia sẻ đó là tình huống anh và đồng nghiệp thường xuyên gặp phải trên đường làm nhiệm vụ. Có không ít lần bị kẹt cứng phải nhích từng chút.

Lần đi làm căng thẳng mà anh Lộc nhớ nhất là chuyến đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngang qua cửa ngõ sân bay vào giờ tan tầm. Xe cứu thương hú còi inh ỏi 20 phút, thậm chí anh thò đầu ra khỏi kính xe hét lớn xin nhường đường, mới thoát khỏi đoạn đường 500m dọc công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình). Đây là một trong những điểm nóng kẹt xe của thành phố.

"Kẹt xe có thể làm mất đi 'thời gian vàng' cứu người. Nghiêm trọng nhất là các trường hợp mất máu, sản phụ vỡ ối hay đẻ rơi, gãy xương đùi...", anh Phạm Minh Hùng trăn trở.

Tuy chưa từng xảy ra trường hợp người bệnh tử vong trên xe do kẹt xe trên đường, anh Hùng vẫn luôn quan ngại vì thời gian cấp cứu bị trì hoãn. Anh nói, để càng lâu thì biến chứng của bệnh nhân càng nặng, hồi phục càng lâu.

Thời gian làm việc của tài xế xe cứu thương phụ thuộc vào những cuộc gọi báo từ người dân, bất kể ngày đêm. Có những lúc cuộc gọi dồn dập, xe hú còi nối đuôi nhau rời khỏi trung tâm đi làm nhiệm vụ.

"Chẳng may có cuộc gọi cấp cứu vào giờ cao điểm thì anh em xác định đường nào cũng kẹt. Trong đầu chúng tôi phải nảy số ngay nên đi đường nào, ngóc ngách nào để tránh tối đa những điểm kẹt", anh Lộc nói.

Đội trưởng Hùng cho biết, tại trung tâm có 8 xe thường trực vào ca sáng (7h-16), còn lại có 5 xe, nếu có sự cố đặc biệt thì sẽ tăng cường số lượng, ví dụ phục vụ đợt dịch Covid-19.

Mỗi kíp trực thường có 4 người gồm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng và tài xế. Mỗi tài xế xe cứu thương đều được học kỹ năng sơ cấp cứu, để hỗ trợ bác sĩ khi cần thiết.

Theo quy định, các tài xế sau khi đưa người bệnh đi cấp cứu, chuyển bệnh xong thì tài xế sẽ tắt còi hụ, không còn quyền ưu tiên. Nếu kẹt xe thì di chuyển như bao phương tiện khác, tuyệt đối không lạm dụng tiếng còi để di chuyển nhanh hơn.

Do đó, nếu thời gian lưu thông trên đường không nhanh, trung tâm cấp cứu có khả năng quá tải, phải chờ đợi xe khi xảy ra sự cố cần nhiều xe.

Những tình huống bất lực trên cung đường đưa người đi cấp cứu ở TPHCM - 3

7 xe cứu thương được huy động đến ứng cứu hiện trường vụ tai nạn sập cửa hàng tiện lợi gây chết người ở quận 4 hồi tháng 1 (Ảnh: Tâm Linh).

Nhắc đến việc sử dụng xe hai bánh cấp cứu để len lỏi trên đường phố nhanh hơn, đội trưởng Hùng cho biết, hiện ở trạm 115 có xe hai bánh phục vụ cấp cứu ở những nơi đường nhỏ, đông người, tuy nhiên chưa hoạt động hiệu quả. Loại xe này chỉ thực hiện tiếp cận và sơ cứu tại chỗ ban đầu, còn việc vận chuyển bệnh nhân chỉ có xe cứu thương mới làm được vì phải dùng băng ca và nhiều thiết bị y tế.

Hiện số xe cứu thương của hệ thống y tế công lập TPHCM là hơn 200 chiếc, dùng để vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân trên toàn thành phố. Trong đó Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM đang quản lý 43 xe cứu thương ngoại viện.

Theo khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ, sau xe chữa cháy, xe quân sự, xe công an, đoàn xe cảnh sát dẫn đường thì xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là phương tiện được quyền ưu tiên đi trước các phương tiện khác.

Khoản 2 và 3 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định, xe cứu thương khi đi làm nhiệm vụ không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ. Khi có tín hiệu của xe cứu thương, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở xe cứu thương.

Trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông giữa xe cứu thương và các xe khác thì sau khi đánh dấu lại các dấu vết tại hiện trường như vị trí các bánh xe, vị trí người bị nạn, các dấu vết trên phương tiện… thì xe cứu thương được phép chở nạn nhân đến bệnh viện để cấp cứu. Tuy nhiên, sau đó phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm