TPHCM gián đoạn bán xăng: Xe cứu thương tại các bệnh viện ra sao?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trước tình trạng nhiều cây xăng tại TPHCM đóng cửa hoặc hoạt động gián đoạn, khiến người dân gặp khó khi mua xăng, câu hỏi được đặt ra là hệ thống xe cứu thương trên địa bàn có bị ảnh hưởng gì không?

Tính đến tối 11/10, toàn địa bàn TPHCM có 58 cây xăng tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động gián đoạn, chiếm hơn 10% trong tổng số cửa hàng kinh doanh xăng, dầu (550 cửa hàng). 

Tình trạng này khiến những ngày gần đây, người dân gặp khó khăn trong việc mua xăng, cao điểm là từ chiều tối 9/10. Hai ngày qua, nhiều người ở TPHCM đã mang can, bình nhựa xếp hàng xuyên đêm tại các cây xăng để mua dự trữ.

TPHCM gián đoạn bán xăng: Xe cứu thương tại các bệnh viện ra sao? - 1

Người dân TPHCM đi đổ xăng trong đêm 9/10 nhưng nhiều doanh nghiệp thông báo hết xăng (Ảnh: Hoàng Lê).

Đến chiều 11/10, dù liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu tăng lên sau 4 phiên giảm liên tiếp, nhiều cây xăng tại TPHCM vẫn đóng cửa vì hết xăng, gây ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động của người dân và xã hội.

Riêng trong lĩnh vực y tế, một số bác sĩ công tác tại các bệnh viện ở TPHCM cũng chia sẻ việc "bất lực" khi đổ xăng phương tiện cá nhân, nên phải tìm cách đi xe buýt, thậm chí đi bộ để đến nơi làm việc, khiến công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân cũng phần nào gặp khó khăn.

Điều này cũng khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu hệ thống xe cứu thương trên địa bàn TPHCM có bị ảnh hưởng gì không?

TPHCM gián đoạn bán xăng: Xe cứu thương tại các bệnh viện ra sao? - 2

Xe cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM (Ảnh: Trung tâm cung cấp).

Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng 12/10, bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM (đơn vị đang quản lý 43 xe cứu thương ngoại viện) cho biết, nơi này ký hợp đồng liên tục 1 năm với một đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn, nên các xe cứu thương luôn được ưu tiên, hỗ trợ đổ xăng ở các điểm cố định. Do đó, không bị ảnh hưởng với biến động bên ngoài.

Bác sĩ Cao Tấn Phước, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức cũng cho biết nơi này đã ký hợp đồng dài hạn với các trạm xăng thuộc hệ thống của Petrolimex (Tập đoàn xăng dầu Việt Nam), nên nguồn cung xăng luôn đảm bảo. "Chúng tôi có 3 xe cấp cứu, các tài xế khi hết xăng sẽ đến các điểm đã ký hợp đồng để đổ, bệnh viện thống kê xăng đã sử dụng và thanh toán mỗi tháng một lần" - bác sĩ Phước nói.

Tương tự, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) chia sẻ, đơn vị cũng không bị động khi tình hình cung ứng xăng ở thị trường gián đoạn, vì đã ký hợp đồng lâu dài với đơn vị cung ứng xăng từ trước. Các tài xế xe cứu thương sẽ được phát phiếu đổ xăng, khi hết xăng thì tự động đến các trạm đã hợp đồng đưa phiếu và đổ rất nhanh chóng. Hiện, Bệnh viện Lê Văn Thịnh có 9 xe cứu thương.

TPHCM gián đoạn bán xăng: Xe cứu thương tại các bệnh viện ra sao? - 3

Các bệnh viện trên địa bàn TPHCM cho biết, hoạt động cấp cứu không bị ảnh hưởng khi nguồn cung xăng bên ngoài bị gián đoạn (Ảnh: Hoàng Lê).

Bác sĩ Trần Thanh Sang, Phó Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Việt thông tin với Dân trí, nơi đây có tổng cộng 4 xe cứu thương để phục vụ các hoạt động chuyển viện, đi công tác và tham gia hệ thống cấp cứu 115 ngoại viện của Thành phố. Trong đó, có 3 xe chạy bằng dầu nên không ảnh hưởng gì. Với xe chạy bằng xăng, bệnh viện cũng đã liên hệ với các trạm xăng hoạt động gần đơn vị để ký hợp đồng, nên hoàn toàn "miễn nhiễm" với việc thiếu nhiên liệu.

Tương tự, đại diện các Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện quận 7, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Nam Sài Gòn (quận 7)... đều cho biết, việc gián đoạn nguồn cung xăng bên ngoài không ảnh hưởng đến hoạt động cấp cứu của đơn vị, khi các doanh nghiệp từ trước đến nay luôn đảm bảo cung ứng theo hợp đồng.

Từ 15h chiều 11/10, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 560 đồng/lít, lên 21.290 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 560 đồng/lít, lên 22.000 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu hỏa tăng 1.140 đồng/lít, lên 22.820 đồng/lít; dầu diesel tăng 1.960 đồng/lít, lên 24.160 đồng/lít. Như vậy, xăng dầu đã có lần đầu tăng giá sau 4 phiên giảm liên tiếp.

Cũng trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định trích lập quỹ bình ổn xăng dầu mỗi lít xăng từ 200 đến 400 đồng. Với dầu diesel, chi sử dụng quỹ 200 đồng/lít; với dầu hỏa và dầu mazut không trích lập cũng không chi sử dụng quỹ bình ổn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm