1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những tiếng hô lớn "anh ở đâu" sau vụ sập nhà 4 tầng ở TPHCM

An Huy

(Dân trí) - "Khi chúng tôi hô lên "anh ở đâu?", nạn nhân nói được ngay. Do đó cảnh sát có thể xác định ngay vị trí nạn nhân bị mắc kẹt để cứu kịp thời", lãnh đạo Phòng PC07 kể lại.

Cảnh sát giải cứu người mắc kẹt trong căn nhà 4 tầng bị sập ra sao?

Có mặt tại hiện trường vụ sập căn nhà 4 tầng tại hẻm 133 Bình Quới (quận Bình Thanh), Thiếu tá Huỳnh Nguyên Thuận, Phó Đội trưởng Đội công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng PC07 đã có những chia sẻ ban đầu về vụ việc.

Thiếu tá Thuận cho biết, khoảng 12h50 ngày 24/9, tòa nhà 4 tầng trong hẻm 133 Bình Qưới bất ngờ bị đổ sập trong quá trình sửa chữa móng nhà. Trước đó, tòa nhà này có dấu hiệu bị nghiêng nên chủ nhà mướn 6 thợ đến sửa chữa, gia cố.

Những tiếng hô lớn anh ở đâu sau vụ sập nhà 4 tầng ở TPHCM - 1

Căn nhà bị đổ sập hoàn toàn sau vụ tai nạn (Ảnh: An Huy).

Thời điểm xảy ra sập nhà có 9 người ở hiện trường, trong đó 3 người thuộc chủ nhà và 6 người thợ. Lúc xảy ra sự việc có 2 người đứng bên ngoài nên thoát nạn, còn 7 người bị bê tông đè trúng.

Lực lượng chức năng quận Bình Thạnh nhanh chóng có mặt đưa được 5 người ra ngoài đi cấp cứu, 2 người còn lại mắc kẹt sâu bên trong. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PC07) đã đến hiện trường hỗ trợ tham gia tìm kiếm nạn nhân.

Hiện trường rất nguy hiểm, 2 nạn nhân bị mắc kẹt sâu bên trong đống đổ nát. Trong đó có 1 nạn nhân bị bê tông đè chấn thương cột sống.

Để đảm bảo an toàn cho nạn nhân trước khi đưa ra ngoài, cảnh sát đề nghị một bác sĩ của quận Bình Thạnh đến hiện trường sơ cứu ban đầu, nẹp cố định cho nạn nhân.

Những tiếng hô lớn anh ở đâu sau vụ sập nhà 4 tầng ở TPHCM - 2

Hiện trường vụ tai nạn sập nhà được cảnh sát phong tỏa (Ảnh: An Huy).

Sau khi hoàn thành phần nẹp cố định, đảm bảo an toàn, cảnh sát kéo nạn nhân ra ngoài an toàn trong tình trạng bị chấn thương cột sống khá nặng.

Trong khi đó, nạn nhân thứ 2 bị bê tông đè vào chân nên việc kéo ra ngoài rất khó khăn. Lúc này cảnh sát phải dùng máy để cắt các mảng bê tông xung quanh. "Quá trình làm, chúng tôi đã hết sức cẩn trọng để đảm bảo an toàn, không bị sụp đổ thêm. Sau nhiều nỗ lực, chúng tôi đã đưa được nạn nhân cuối cùng ra ngoài trong tình trạng bị gãy chân và được đưa đi cấp cứu", Thiếu tá Thuận nói.

Theo lãnh đạo Phòng PC07, trong quá trình cứu hộ, cứu nạn lần này, ngay từ đầu lực lượng làm nhiệm vụ phải biết chính xác bao nhiêu nạn nhân, còn sống hay không để triển khai phương án.

"Rất may mắn khi tiếp cận hiện trường, nạn nhân còn tỉnh nên khi hô lên "anh ở đâu?" thì nạn nhân trả lời ngay được. Do đó cảnh sát có thể xác định ngay vị trí nạn nhân bị mắc kẹt để cứu kịp thời", Thiếu tá Huỳnh Nguyên Thuận chia sẻ.

Ngoài khó khăn trên cảnh sát còn lo lắng công trình có thể bị sập thêm, những bình gas bị xì có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Do đó khi triển khai phương án, lực lượng Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ phải dùng thêm dụng cụ chuyên dụng để ngăn cháy nổ.

Chiều 24/9, bác sĩ chuyên khoa 2 Dụng Thị Kim Hạnh, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện quận Bình Thạnh (TPHCM) cho biết, nơi đây đã tiếp nhận 5 trường hợp là nạn nhân trong vụ sập căn nhà 4 tầng ở đường Bình Quới, phường 27, quận Bình Thạnh.

5 nạn nhân bao gồm 3 nam và 2 nữ, tuổi từ khoảng hơn 20 đến hơn 50 tuổi. Trong đó, có một nạn nhân khỏe mạnh, không xay xát, đang được theo dõi.

Có 3 trường hợp bị chấn thương phần mềm. Các bệnh nhân này được chụp X-quang kiểm tra (một ca chụp thêm CT), cho kết quả bình thường. Dự kiến, 3 bệnh nhân này sẽ được xuất viện trong ngày.

Riêng trường hợp nam bệnh nhân còn lại vì tình trạng nặng hơn đã được phía Bệnh viện Bình Thạnh chuyển sang Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, bệnh nhân này đã được kích hoạt báo động đỏ, đang được mổ cấp cứu.