Những thay đổi trong lễ tuyên thệ của lãnh đạo đứng đầu nhà nước
(Dân trí) - Sáng nay, 20/7, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV khai mạc tại hội trường Diên Hồng với 494 đại biểu đa phần là mới.
Đây là lần thứ 2 liên tiếp trong nửa năm, Quốc hội tiến hành việc bầu, phê chuẩn nhân sự lãnh đạo các cơ quan nhà nước. Tháng 3, tháng 4 vừa qua, tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, việc kiện toàn sớm bộ máy nhà nước đã được thực hiện để dàn lãnh đạo không còn tiếp tục tham gia Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 chuyển giao quyền lực cho lớp lãnh đạo mới nắm giữ các vị trí trọng trách trong Đảng.
Theo chương trình kỳ họp, có đến 9/10 ngày làm việc, Quốc hội dành cho công tác nhân sự. Sau phiên khai mạc vào 9h sáng nay để nghe phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công bố Nghị quyết xác nhận tư cách của 494 đại biểu, nghe báo cáo tổng kết cuộc bầu cử, báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri cả nước, đầu buổi chiều, Quốc hội bắt đầu cho ý kiến về cơ cấu UB Thường vụ Quốc hội, thảo luận về số Phó Chủ tịch Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì điều hành các hoạt động của Quốc hội cho đến khi bầu được Chủ tịch Quốc hội khóa mới (dự kiến công bố vào sáng ngày thứ Sáu, 22/7). Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm cũng là người được vinh dự trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các ủy viên UB Thường vụ khóa mới của Quốc hội.
Nếu theo đúng phương án Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương thống nhất giới thiệu, bà Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục là ứng viên duy nhất được trình để Quốc hội bầu làm người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước tại nhiệm kỳ này. Tân Chủ tịch Quốc hội thực hiện việc tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội ngay sau khi công bố kết quả bỏ phiếu bầu.
Tương tự như vậy, 3 chức danh khác đứng đầu các khối cơ quan Chủ tịch nước, khối cơ quan hành pháp (Chính phủ), khối cơ quan tư pháp (tòa án, viện kiểm sát) lần lượt được xác định.
Chiều ngày 25/7, kết quả bầu Chủ tịch nước được công bố. Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ nhậm chức 1 ngày sau đó và sáng 27/7, Chánh án TAND tối cao được bầu.
Trao đổi tại cuộc họp báo trước kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nghi lễ tuyên thệ của các chức danh lần này có nhiều điểm mới nhưng nội dung cơ bản vẫn giữ như lần đầu thực hiện 3 tháng trước.
Theo ông Phúc, để đảm bảo tính trang nhiêm, khi 4 chức danh đứng đầu các cơ quan nhà nước tuyên thệ, toàn bộ các đại biểu Quốc hội có mặt trong hội trường được mời đứng nghiêm trang để chứng kiến. Các đại biểu được yêu cầu không nghiêng ngó, quay phim, chụp ảnh dưới hội trường.
Ngoài ra, khi có người thực hiện nghi lễ tuyên thệ, đoàn chủ tịch cũng sẽ dời hàng ghế trên cùng xuống dưới cùng hàng ghế với các đại biểu Quốc hội.
Quốc hội cũng thống nhất lược bỏ phần tặng hoa chúc mừng các chức danh được bầu sau lễ tuyên thệ. Tương tự, khi UB Thường vụ Quốc hội, Chính phủ mới ra mắt Quốc hội cũng không có phần tặng hoa.
Phần nội dung cơ bản được giữ nguyên là lời tuyên thệ, như đúng quy định của Hiến pháp, luật Tổ chức Quốc hội, các chức danh sẽ tuyên thệ trung thành với Hiến pháp, với tổ quốc, với nhân dân. Chỉ có một từ được điều chỉnh trong lời văn là “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của tổ quốc” thay cho “Đứng trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của tổ quốc”.
Khi đó, lá quốc kỳ sẽ được giương cao lên trong lúc người tuyên thệ nói lời thề nguyện trung thành.
Những thay đổi này, theo Tổng Thư ký Quốc hội là trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý sau lần đầu lễ tuyên thệ được thực hiện tại Quốc hội. Thời gian qua, theo đề nghị của Bộ VH,TT&DL, 68 văn bản do đại sứ của 68 quốc gia giới thiệu về nghi thức tuyên thệ của các nước này đã được gửi tới để các cơ quan chức năng tham khảo thêm.
P.Thảo