Mong tân Thủ tướng “ra tay” quyết liệt trong phòng chống tham nhũng

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu đặt nhiều kỳ vọng vào Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đại biểu kỳ vọng tân Thủ tướng “ra tay” mạnh mẽ hơn nữa trong đấu tranh phòng chống tham nhũng và phải chuẩn bị tiềm lực quốc phòng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) cho rằng, trước tiên tân Thủ tướng cần phải nhìn nhận lại những vấn đề mà Quốc hội đã đánh giá còn tồn tại trong nhiệm kỳ vừa qua. “Chính phủ cần có nhiều giải pháp mới khắc phục hạn chế đó, để đưa đất nước phát triển theo xu hướng hội nhập. Kinh nghiệm rút ra là một chuyện nhưng thời gian tới nữa có những việc phát sinh phải có hướng giải quyết, đẩy mạnh đất nước phát triển tốt hơn”, đại biểu TP Cần Thơ nói.

Theo đại biểu Huỳn Văn Tiếp, Chính phủ cần phải “ra tay” mạnh mẽ hơn nữa trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Chính phủ cũng phải xem trong guồng máy của mình thế nào, làm sao quản lý được và thông qua cách nào.

“Vấn đề rất quan trọng, được cử tri đặt nhiều kỳ vọng là phải phòng chống tham nhũng bằng các giải pháp quyết liệt”, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp nêu mong muốn của cử tri.

Đại biểu Quốc hội đặt nhiều kỳ vọng vào tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Đại biểu Quốc hội đặt nhiều kỳ vọng vào tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Ngoài ra, theo đại biểu, vấn đề chủ quyền, lãnh thổ được tiền nhân để lại, do vậy phải làm thế nào giữ cho được. Trước hết phải bằng các giải pháp mạnh hơn, bằng lời nói và cả hành động. Điều đó có nghĩa là phải chuẩn bị tiềm lực quốc phòng để trong mọi tình huống có thể xử lý được.

Đại biểu cũng chỉ ra những thuận lợi và thách thức đang chờ đợi tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Về mặt thuận lợi, hiện nay kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, Việt Nam cũng đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác với các đối tác nước ngoài… “Mặt thuận lợi thì đã thấy, vấn đề hiện nay tổ chức thế nào cho tốt, hạn chế những yếu kém phát sinh mà thôi”, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp nói.

Theo đại biểu Huỳnh Văn Tiếp, thách thức lớn nhất của tân Thủ tướng là xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cấp ngành khi xảy ra sai phạm. “Nếu trong hệ thống thì phải xử lý theo trách nhiệm; Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh làm sai thì Thủ tướng xử lý nghiêm. Còn nếu đã là hình sự thì phải cơ quan tư pháp. Điều đó có nghĩa là phải xử hết, kể cả là những ông "to béo"”, đại biểu đoàn TP Cần Thơ nêu.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp cũng đưa ra đánh giá về các Bộ trưởng trong nhiệm kỳ qua. Đại biểu cho rằng, nhiều “tư lệnh” ngành chỉ bình bình, không đột phá. Có những Bộ trưởng làm “theo kiểu đột phá” nhưng chỉ ở góc độ bề nổi và vẫn cần thời gian để có câu trả lời chính xác. Do vậy, theo đại biểu vấn đề quan trọng nhất là làm sao đất nước phát triển phải mang tính bền vững.

Ông Huỳnh Văn Tiếp cũng đặt nhiều kỳ vọng vào các tân Bộ trưởng sắp tới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, các Bộ trưởng phải khắc phục những tồn tại mà người tiền nhiệm chưa làm được.

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) nói: “Tôi hi vọng nhiệm kỳ mới Thủ tướng trong quá trình theo dõi, điều hành sẽ đánh giá được thực chất cán bộ, ai tốt phải ghi nhận mà ai chưa tốt thì phải đánh giá và xử lý một cách minh bạch, khen chê rõ ràng. Sai thì phải xử lý, nếu có thành tích thì khen, khi đó mới khuyến khích được người tốt”.

Theo đại biểu nếu tất cả chỉ được đánh giá một cách bình bình thì người nào cũng như người nào. Khi đánh giá công tác nhiệm kỳ, tất cả đều hoàn thành tốt nhiệm vụ thì không thuyết phục. “Như ông Đinh La Thăng nói đấy, sao các Bộ đều báo cáo làm tốt, phối hợp tốt rồi mà nhân dân vẫn phải ăn thực phẩm bẩn?”, đại biểu dẫn lại câu nói của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng, nếu tất cả đều tốt thì công việc phải hoàn thành được ở một mức cao chứ cứ bình bình thì công việc chỉ hoàn thành ở mức độ nhất định. Từ phân tích trên, đại biểu hi vọng, tân Thủ tướng đưa ra những quyết định quan trọng trong việc tổ chức bộ máy hành chính.

“Luật tổ chức Chính phủ vừa rồi giao thêm nhiều thẩm quyền cho Thủ tướng. Tôi hi vọng bộ máy sắp tới hoạt động hiệu quả hơn”, đại biểu Chu Sơn Hà nói.

Đại biểu Trần Khắc Tâm (đoàn Sóc Trăng): Lời hứa là hành trang của người lãnh đạo

Những giây phút Quốc hội chứng kiến lời tuyên thệ và lời hứa của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ là những giây phút rất xúc động. Chủ tịch Quốc hội đã hứa khắc ghi lời tuyên thệ trước quốc dân, Chủ tịch nước hứa sẽ kiên trì kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, còn Thủ tướng Chính phủ hứa sẽ hành động quyết liệt để đẩy mạnh công cuộc đổi mới, cải cách hành chính…

Là một đại biểu Quốc hội, đại diện cho cử tri vùng quê nghèo Sóc Trăng, tôi tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước ta sẽ giữ gìn lời hứa, luôn khắc ghi lời tuyên thệ như hành trang của mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau lời tuyên thệ, đã có lời hứa trước Quốc hội, quốc dân với các nội dung rất cụ thể. Tôi cảm nhận được sự quyết tâm, tình cảm chân thành của Thủ tướng trước Quốc hội, trước Nhân dân cả nước. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã nhận diện rất rõ những khó khăn, thách thức mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong giai đoạn tới - giai đoạn Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu. Tôi tin rằng lời tuyên thệ sẽ tiếp thêm sức mạnh để tân Thủ tướng dẫn dắt Chính phủ và bộ máy hành chính đền đáp lại kỳ vọng của Nhân dân và niềm tin của Quốc hội.

P. Thảo – Q. Phong

Dòng sự kiện: Tuyên thệ nhậm chức