1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nam Định:

Những tăng ni “cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận”

(Dân trí) - Chùa Cổ Lễ, thị trấn Trực Ninh, huyện Trực Ninh không chỉ được biết đến với danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong nước. Nơi đây còn được biết đến với huyền thoại về những tăng ni, phật tử “cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận” đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Theo văn bia truyền lại, tương truyền chùa Cổ Lễ do Thiền sư Nguyễn Minh Không - Không Lộ Thiền sư, “Lý Triều quốc sư” thời Lý sáng lập từ thế kỷ 11. Ngài là một trong ba vị Thiền sư của Việt Nam (còn có Thiền sư Từ Đạo Hạnh, Thiền sư Giác Hải), và Ngài đã sang Ấn Độ học phép “Tam vô lậu” và đắc đạo “Lục trí thần thông”, trở thành “Nam Thiên Tam vị Thánh Tổ”

Thuở nhỏ, Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không chuyên làm nghề chài lưới của cha ông, năm 29 tuổi xuất gia đầu Phật. Ngài đã “Văn - Tư - Tu đốn, tức Minh Tâm kiến tính quán càn khôn”, và Ngài còn là nhà Y sư nổi tiếng, đã cứu chữa cho vua Lý Thần Tôn khỏi bệnh nan y và được nhà vua phong làm “Lý Triều Quốc Sư”.

a4-8971e
Vườn tượng nơi thờ 12 vị sư đã anh dũng hy sinh

Ngài cùng Thiền Sư Giác Hải và Thiền Sư Từ Đạo Hạnh kết nghĩa anh em sang Tây vực (Bắc Ấn Độ), tầm học phép “Tam vô lậu” đắc “Giới - Định - Tuệ viên dung nhập Thánh siêu phàm du nhật nguyệt”, sau khi đắc lục trí thần thông cả ba Thiền sư trở về nước.

Vào cuối năm 1946, giặc Pháp ồ ạt, tấn công chiếm đóng: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" hiệu triệu toàn dân tộc đứng lên chống giặc ngoại xâm cứu nước.

Trước việc đất nước đang nằm ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, lúc này Trụ trì của chùa Cổ Lễ là  hòa thượng Thích Thế Long, đã cho gọi Đại đức Thích Pháp Lữ và Đại đức Thích Trí Không lên thư phòng, hỏi: “Chúng ta là người xuất gia, phụng đạo nhưng đều mang dòng máu Tiên - Rồng. Quốc gia lâm nguy, Phật pháp bất ly thế gian pháp, các con có sáng kiến gì không?”.

 

a2-9a8d6
Đại Hồng Chung nặng 9 tấn tại chùa Cổ Lễ

 

Do đã nhiều lần tháp tùng Hòa thượng đi thuyết pháp cho phật tử, vận động nhân dân ủng hộ và tham gia Việt Minh, nuôi giấu cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng… nên Đại đức Thích Pháp Lữ và Đại đức Thích Trí Không biết Hòa thượng Thích Thế Long luôn đề cao chân lý "việc đạo không rời việc đời" để hòa mình vào phong trào quần chúng kháng Nhật, đuổi Tây, giành lại chính quyền.

Đại đức Thích Pháp Lữ và Đại đức Thích Trí Không mạnh dạn đáp lời: “Bạch sư phụ! Việc đời loạn, nghiệp tu hành cũng không thể yên ổn. Con nghĩ, trong giới phật tử rất nhiều tăng ni có tâm huyết xả thân cứu nước. Mong sư phụ làm lễ "giải pháp y", thành lập đội nghĩa sĩ phật tử, cho phép các tăng ni tạm rời cửa thiền ra chiến trường đánh giặc”.

 

a1-c208c
Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa từng giữ vai trò là đài quan sát chỉ đạo tập kết bộ đội, du kích đánh bốt Cổ Lễ - Vô Tỉnh năm 1952.

Ngày 27/2/1947, nhà chùa đã làm lễ “cởi áo cà sa khoác chiến bào” cho 27 nhà sư tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong cuốn Lịch sử Phật giáo huyện Trực Ninh đã viết rất rõ về buổi lễ đặc biệt, hào hùng này. Đoàn nhà sư khoác áo cà sa, chân đất, đầu trần, tay cầm mũ vải, xếp hàng ba, cuối cùng là 2 ni cô Đàm Nhung và Đàm Lân. Sau đấy là bài phát nguyện cho 27 nhà sư

“Cởi áo cà sa khoác chiến bào

Tuốt gươm, bồng súng diệt binh đao

Ra đi quyết rửa thù cứu nước

Vì nghĩa quên thân, hiến máu đào”

Khi nghe bài phát nguyện này, trước lúc nhập ngũ, sư nữ Đàm Thanh xúc động đã họa lại bài thơ trên: “Gậy thiền quét sạch loài xâm lược/Theo gót Trưng Vương tỏ nữ hào”. Ngay sau đó Trung đoàn 34, do Tư lệnh Quân khu III Hà Kế Tấn chỉ huy đã đến nhận 27 tăng ni, phật tử “cởi áo cà sa, khoác chiến bào ra trận.

Trong ngày làm lễ “cởi áo cà sa khoác chiến bào” cho 27 nhà sư tham gia kháng chiến chống Pháp, Trụ trì Thích Thế Long đã cho người đem giấu quả chuông 9 tấn xuống ao sen rồi đóng cửa chùa đi kháng chiến.

Tiếp nối theo sau trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa tiếp tục làm lễ cho 8 nhà sư khác. 35 nhà sư này đã lập nên nhiều chiến tích, nhiều người đã hy sinh, nhiều người xong nhiệm vụ cứu nước lại trở về với cuộc sống “thiền sư”, nhiều người là sĩ quan cao cấp trong quân đội… Và mỗi người là một sự tích của ngôi chùa Cổ Lễ.

 

a3-735ee
Cầu Núi tại chùa Cổ Lễ

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, chùa Cổ Lễ còn là nơi hội họp chỉ đạo phong trào cách mạng của tỉnh Nam Định, huyện Trực Ninh, là cơ sở của đội tuyên truyền cách mạng vũ trang của tỉnh. Chùa còn là cơ sở nuôi giấu cán bộ, du kích và bộ đội chủ lực Sư đoàn 320, Đại đội 91 của tỉnh, Đại đội 75 huyện Trực Ninh. Trong chùa Cổ Lễ, còn có Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa từng giữ vai trò là đài quan sát chỉ đạo tập kết bộ đội, du kích đánh bốt Cổ Lễ - Vô Tỉnh năm 1952.

Trong số 35 nhà sư ra trận có 12 người đã anh dũng hi sinh trong chiến đấu được nhà nước công nhận liệt sỹ, đây là một sự kiện quan trọng, đầy tự hào trong lịch sử phật giáo Việt Nam. Năm 1999, nhà chùa cùng một nhóm ni sư đã xây dựng vườn tượng  trong khuôn viên chùa để tưởng nhớ công ơn của các nhà sư đã ngã xuống bảo vệ đất nước. Trong số các nhà sư may mắn được trở lại quê hương, nhiều người đã giữ trọng trách quan trọng khác nhau. Nhiều người tiếp tục về chùa khoác áo tu hành.

Đức Văn