Những sự cố “bi hài” của hàng không Việt Nam năm 2013
(Dân trí) - Cơ trưởng bỏ vị trí tạo dáng cùng diễn viên Lý Nhã Kỳ trong buồng lái; máy bay rơi lốp mà tổ bay không hay biết; 600 bánh heroin dễ dàng “lọt” qua cửa an ninh... Năm 2013, ngành hàng không đã xảy ra những sự cố “bi hài” chưa từng có.
Phi công tự ý cho người lạ vào buồng lái
Trên chuyến bay mang số hiệu VN 595 của Vietnam Airlines từ Hồng Kông về TPHCM hôm 11/4, cơ trưởng Nguyễn Ngọc Như Ý đã đồng ý cho diễn viên Lý Nhã Kỳ lên buồng lái “dạo chơi”, chụp ảnh. Chưa dừng lại, cơ trưởng, cơ phó và các tiếp viên hàng không còn bỏ vị trí để tạo dáng chụp ảnh cùng người đẹp. Thậm chí, Lý Nhã Kỳ còn đội mũ của phi công và ngồi vào ghế của cơ phó Nguyễn Xuân Hải.
Cơ trưởng chuyến bay VN595 cho Lý Nhã Kỳ vào buồng lái chụp ảnh
Được biết, việc cho diễn viên Lý Nhã Kỳ lên buồng lái không hề được báo cáo lại sau chuyến bay, mà chỉ bị phát hiện khi chính diễn viên Lý Nhã Kỳ đăng những hình ảnh đã chụp cùng cơ trưởng, cơ phó và tiếp viên hàng không lên trang mạng cá nhân của cô. Dù ngay sau đó Lý Nhã Kỳ đã gỡ bỏ những bức ảnh này xuống nhưng sức lan tỏa và sự nổi tiếng của cô đã khiến cho tổ bay VN595 gặp rắc rối.
Cục Hàng không Việt Nam đã đình chỉ ngay lập tức tổ bay VN595. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng được đưa ra sau đó, tổ bay VN595 bị phạt tổng số tiền là gần 11 triệu đồng và bị tước giấy phép lái máy bay, chứng chỉ tiếp viên hàng không trong 1 tháng. Diễn viên Lý Nhã Kỳ được xác định là không có lỗi trong trường hợp này.
Đây là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam phi công để hành khách vào buồng lái trong lúc máy bay đang bay.
Máy bay Vietnam Airlines rơi lốp khi bay
Sự cố hi hữu chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hàng không Việt Nam xảy ra với chuyến bay mang số hiệu VN1673 của Vietnam Airlines chở theo 41 hành khách và phi hành đoàn, cất cánh từ Hải Phòng (HPH) đi Đà Nẵng (DAD) ngày 21/10.
Tuy nhiên, sự việc chỉ được phát hiện khi chiếc ATR-72 của hãng này đã nằm trong bãi đỗ tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Khi đó, bộ phận kỹ thuật tiến hành kiểm tra và thấy 1 bên trục của càng trước bị gãy và 1 lốp máy bay đã rơi ra ngoài.
Trục của càng trước bị gãy, lốp máy bay ATR-72 rơi ra khi bay
Sự cố đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đe dọa trực tiếp đến an toàn vậy nhưng tổ bay cùng nhân viên kỹ thuật của chuyến bay không hề hay biết, chiếc máy bay vẫn tiếp đất và hạ cánh an toàn đã được xem là một sự may mắn đặc biệt.
Để phục vụ cho công tác điều tra sự cố của Cục Hàng không Việt Nam, khoảng hơn 50 nhân viên ở 2 sân bay Cát Bi và Đà Nẵng đã có một cuộc bới cỏ tìm lốp máy bay ròng rã trong 5 ngày. Cuối cùng, chiếc lốp được tìm thấy tại sân bay Cát Bi cách đầu đường băng sân bay 1.144m. Chiếc lốp máy bay nặng 15kg này vẫn nguyên vẹn và không bị vỡ hay bị biến dạng.
Đã 2 tháng trôi qua nhưng Cục Hàng không và hãng khai thác vẫn chưa tìm ra nguyên nhân xảy ra sự cố hi hữu. Hiện Cục này vẫn đang phối hợp với Cơ quan điều tra và phân tích an toàn của Pháp (BEA) phân tích, điều tra.
Máy bay hạ cánh bằng… bụng
Hôm 25/11, chiếc máy bay King Air mang số hiệu VFC-750 của Công ty bay Dịch vụ hàng không Vasco chở theo 9 người, cất cánh từ Đà Lạt đi Buôn Ma Thuột đã phải xin hạ cánh khẩn nguy do gặp trục trặc kỹ thuật. Khi đó, chiếc King Air đang làm nhiệm vụ hiệu chuẩn thiết bị Đài dẫn đường (kiểm tra tín hiệu thu/ phát) thông qua các thiết bị đặc chủng gắn trên máy bay, đúng thời điểm hạ cánh thì máy bay không thể bung được càng.
Máy bay King Air phải hạ cánh bằng bụng
Phương án máy bay phải hạ cánh khẩn cấp bằng bụng được đưa ra, vậy nên xe chữa cháy đã được điều động đến túc trực tại vị trí gần nhất so với điểm tiếp đất để kịp thời ứng phó trong trường hợp lực ma sát quá lớn có thể gây hoả hoạn. Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột đã có lệnh đóng cửa sân bay và nhanh chóng triển khai phương án, lực lượng khẩn nguy, phối hợp với công an tỉnh, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và các đơn vị liên quan đảm bảo cho máy bay hạ cánh an toàn.
Cơ trưởng Nguyễn Ngọc Chấn lái chiếc King Air đã có một cú tiếp đất ngoạn mục giúp máy bay hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột, sau khi tiếp đất được 10 giây thì máy bay trượt khoảng 200m thì dừng lại. May mắn là toàn bộ thành viên tổ bay và nhân viên kỹ thuật trên tàu bay đều an toàn, không có người bị thương và không xảy ra cháy nổ.
Đây là một sự cố hi hữu đang được Tổ điều tra của Cục Hàng không Việt Nam điều tra làm rõ.
An ninh hàng không ngỡ 600 bánh heroin là... giấy báo
Dư luận cả nước vừa qua xôn xao trước thông tin một lượng heroin lớn nhất từ trước đến nay nên đã dễ dàng “lọt” qua cửa an ninh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM).
Cụ thể, vụ vận chuyển kiện hàng loa thùng 438 kg chứa 229 kg heroin bên trong được xác định thực hiện trên chuyến bay CI5886 SGN-TPE (xuất phát ban đầu từ sân bay Penang, Malayssia, quá cảnh sân bay Tân Sơn Nhất về sân bay Đào Viên, Đài Bắc - Đài Loan) của Hãng hàng không China Airlines (CI), bị nhà chức trách Đài Loan bắt giữ tại sân bay Đào Viên ngày 17/11.
600 bánh heroin đã "lọt" qua cửa an ninh Tân Sơn Nhất dễ dàng
Mọi quy trình được cho là đã làm tốt, lỗi duy nhất thuộc về nhân viên soi chiếu vì đã đánh giá chủ quan, yếu về nghiệp vụ an ninh hàng không khi cho rằng đấy là những vật thông thường như giấy báo, các tông được chèn để giữ các cấu kiện trong loa nên không tiến hành kiểm tra trực quan.
Trước mắt, Cục Hàng không đã kiểm điểm và đình chỉ năng định soi chiếu an ninh hàng không của nhân viên trực tiếp soi chiếu; phê bình, rút kinh nghiệm đối với kíp trưởng. Hiện cơ quan Công an vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc nói trên.
***
Báo cáo tổng kết công tác an ninh hàng không năm 2013 cho thấy, số lượng sự cố phải báo cáo và tỉ lệ sự cố phải báo cáo trên giờ bay cũng như trên số chuyến bay giảm nhưng sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao và nguy cơ uy hiếp an toàn đều tăng, chỉ số tỉ lệ sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn trên giờ bay và chuyến bay tăng.
Sự cố nghiêm trọng và tai nạn xảy ra ở các loại hình khai thác và loại tàu bay khác nhau cho thấy công tác đảm bảo an toàn chưa thực sự vững chắc. Số lượng sự cố liên quan đến yếu tố con người tăng cao, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do chưa tuân thủ tốt quy trình, tiêu chuẩn khai thác và bảo dưỡng tàu bay (SOP).
Trong năm 2013, vẫn còn xảy ra các vụ việc vi phạm quy định về an ninh hàng không, còn nhiều vụ xâm nhập trái phép vào cảng hàng không, sân bay, chủ yếu là tại các cảng hàng không chưa có hệ thống tường rào, chiếu sáng theo quy định , để trót lọt vật phẩm nguy hiểm lên tàu bay, các vụ việc xâm nhập bất hợp pháp vào khu vực hạn chế của cảng hàng không sân bay... là một trong những nguyên nhân xảy ra các vụ vi phạm an ninh hàng không tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn, an ninh hàng không.
Châu Như Quỳnh