Những quy định cụ thể về thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc

Thế Kha

(Dân trí) - Trường hợp trong một vụ án có nhiều người bị kết án tử hình thì Chánh án tòa án có thẩm quyền phải ra quyết định thi hành án tử hình đối với từng người bị kết án tử hình trong vụ án đó.

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, TAND Tối cao và VKSND Tối cao vừa đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 02/2020 quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Theo quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12 tới, sau khi kiểm tra hồ sơ của người bị kết án tử hình, Chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm sẽ xem xét, ra quyết định thi hành án tử hình theo quy định tại Điều 77 của Luật Thi hành án hình sự.

Trường hợp trong một vụ án có nhiều người bị kết án tử hình thì Chánh án tòa án có thẩm quyền phải ra quyết định thi hành án tử hình đối với từng người bị kết án tử hình trong vụ án đó.

Nếu một người bị kết án tử hình nhiều lần do các tòa án khác nhau tuyên án, thì Chánh án tòa án xét xử sơ thẩm lần cuối cùng đã tuyên án tử hình có trách nhiệm ra quyết định thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình đó.

Những quy định cụ thể về thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc - 1

Lực lượng thi hành án chuẩn bị các công đoạn trước khi bấm nút thực hiện việc tiêm thuốc cho tử tù (Ảnh minh hoạ).

Thông tư liên tịch số 02 quy định, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu phân công cán bộ xác định tĩnh mạch; bác sỹ pháp y của Công an cấp tỉnh, đơn vị Quân đội cấp quân khu bộc lộ tĩnh mạch của người bị thi hành án tử hình trong trường hợp không xác định được tĩnh mạch.

Chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tòa án đã ra quyết định thi hành án tử hình cử bác sỹ của bệnh viện trực thuộc đến địa điểm thi hành án để hướng dẫn cán bộ thi hành án bộc lộ tĩnh mạch trong trường hợp cần thiết.

Đáng chú ý, Hội đồng thi hành án tử hình phải yêu cầu thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự ra lệnh trích xuất người bị kết án tử hình là phụ nữ đến bệnh viện thuộc Sở Y tế hoặc bệnh viện cấp quân khu, nơi đang giam giữ người bị kết án tử hình để kiểm tra, xác định xem người đó có thai hay không. Việc kiểm tra phải được lập thành văn bản và có xác nhận của bệnh viện nơi tiến hành kiểm tra, xác định.

Các trường hợp phải quyết định hoãn thi hành án tử hình gồm: Gặp thiên tai, hỏa hoạn hoặc có trở ngại khách quan khác không thể thực hiện được việc thi hành án tử hình hoặc trên đường áp giải người bị thi hành án tử hình bị tai nạn phải đưa đến bệnh viện; trang thiết bị, dụng cụ thi hành án tử hình bị hư hỏng; không xác định được tĩnh mạch; thuốc thi hành án tử hình không đúng chủng loại, chất lượng, số lượng hoặc các điều kiện khác bảo đảm cho việc thi hành án tử hình không đáp ứng được.

Làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt và hài cốt

Trường hợp người bị thi hành án tử hình là người Việt Nam thì việc thông báo làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 83 của Luật Thi hành án hình sự.

Trường hợp người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài thì Chánh án tòa án ra quyết định thi hành án thông báo bằng văn bản cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan khác được Bộ Ngoại giao ủy quyền để đề nghị cơ quan đại diện của nước mà người bị thi hành án tử hình mang quốc tịch liên hệ với thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người nước ngoài bị thi hành án tử hình biết để làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt. Thông báo nêu rõ nhân thân, nơi quản lý giam giữ người bị thi hành án tử hình, địa chỉ liên lạc, các tài liệu liên quan và ấn định thời hạn trả lời.

Sau khi Chánh án tòa án đã ra thông báo mà không nhận được đơn xin nhận tử thi, tro cốt của thân nhân, người đại diện hợp pháp hoặc văn bản trả lời của cơ quan đại diện của nước mà người bị thi hành án tử hình mang quốc tịch thì coi như thân nhân, người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình từ chối nhận tử thi, tro cốt.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải thông báo địa điểm mai táng cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người đã bị thi hành án biết.

Trường hợp người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài thì thông báo cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan khác được Bộ Ngoại giao ủy quyền biết. Đồng thời bàn giao đầy đủ giấy tờ, đồ vật, tài sản, tiền của người đã thi hành án tử hình (nếu có), việc giao nhận phải được lập biên bản theo quy định.