1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những phi vụ tiền tỷ "đẩy" ông Tề Trí Dũng vào vòng lao lý

(Dân trí) - Ông Tề Trí Dũng - nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận - bị bắt về tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trước đó, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Thanh tra TP chuyển 3 vụ việc có dấu hiệu vi phạm ở công ty này qua cơ quan điều tra.

Tối 14/5, Công an TPHCM đã thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở của ông Tề Trí Dũng - nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC Tân Thuận) do liên quan đến các sai phạm tại Công ty này. Ông Tề Trí Dũng bị khởi tố về 2 tội danh: tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Những phi vụ tiền tỷ đẩy ông Tề Trí Dũng vào vòng lao lý - 1

Ông Tề Trí Dũng (sinh năm 1981) vừa bị tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2016-2021 (ảnh: Báo NLĐ)

Theo tài liệu, IPC có 9 công ty, gồm: 1 công ty con là CTCP Tiếp vận Đông Sài Gòn - ESL (IPC nắm giữ 75% cổ phần); 4 công ty liên doanh (IPC nắm giữ từ 30-50% vốn điều lệ tại từng công ty này; 4 công ty liên kết (Cty Long Hậu-LHG, IPC nắm giữ 48,67% vốn điều lệ; Cty cổ phần KCN Hiệp Phước – HICP, IPC nắm giữ 40,54 vốn điều lệ; Cty TNHH Tân Thuận-TTC, IPC nắm giữ 31,5% vốn điều lệ; Cty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn- Sadeco, IPC nắm giữ 28,8% vốn điều lệ).

Tháng 10/2018, Chủ tịch UBND TP đã giao Chánh Thanh tra TP chuyển hồ sơ, tài liệu sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 3 vụ việc tại IPC Tân Thuận.

Cụ thể, việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược tại Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), theo kết luận thanh tra, Hội đồng quản trị Công ty Sadeco không báo cáo đầy đủ, minh bạch việc chọn Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) là cổ đông chiến lược thể hiện qua việc không trình đại hội cổ đông Công ty Sadeco việc chọn cổ đông chiến lược đích danh là Công ty Nguyễn Kim. Công ty Sadeco cho rằng phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược sẽ tạo điều kiện phát triển nhiều dự án mới ngoài địa bàn Khu Nam, gia tăng giá trị cho công ty.

Tháng 6/2017, Công ty Sadeco chuyển nhượng cho Công ty Nguyễn Kim 9 triệu cổ phiếu, gây thiệt hại thấp nhất cho công ty khi chuyển nhượng là 153 tỷ đồng. 

Theo Thanh tra TP, việc công ty phát hành tăng vốn để bán chỉ định cho một cổ đông (Công ty Nguyễn Kim) không qua đấu giá, không đảm bảo pháp lý thẩm định giá… làm cho cổ đông Nhà nước mất quyền chi phối, gây thiệt hại lớn cho Công ty Sadeco và cổ đông Nhà nước.

IPC Tân Thuận với tỷ lệ vốn sở hữu 44% không cần giảm thêm tỷ lệ sở hữu tại Sadeco, đặc biệt là trong bối cảnh công ty này đang có lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, công ty đề nghị Chi cục Tài chính doanh nghiệp thành phố chấp thuận và trình UBND TP phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC Tân Thuận tại Sadeco xuống 28,8%. 

“…Văn phòng Thành ủy có thông báo số 495 ngày 18/5/2017 (văn bản đính kèm) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư Thường trực Thành ủy chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”– văn bản IPC Tân Thuận nêu rõ. Tuy nhiên, Thanh tra TP cho rằng: “Thường trực Thành ủy cũng đã chấp nhận chủ trương là không chính xác”. Bởi thông báo số 495 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang.

Sau khi phát hành cổ phiếu cổ đông chiến lược, tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống 41% (Công ty IPC Tân Thuận giảm từ 44% xuống còn 28,8%); Công ty Nguyễn Kim sở hữu hơn 14,2 triệu cổ phiếu (sau khi nhận thêm 9 triệu cổ phiếu từ Sadeco), chiếm tỷ lệ chi phối tại Sadeco là 54,75% vốn điều lệ.

Đến tháng 10/2018, IPC Tân Thuận báo cáo UBND TP rằng Công ty Sadeco ngừng hợp tác chiến lược  với Công ty Nguyễn Kim và thu hồi toàn bộ 9 triệu cổ phần.

Những phi vụ tiền tỷ đẩy ông Tề Trí Dũng vào vòng lao lý - 2

Ngoài 3 vụ việc được chuyển cơ quan điều tra, IPC Tân Thuận còn có nhiều sai phạm khác như cho thuê mặt bằng, vay vốn, đi nước ngoài... Trong ảnh, trụ sở IPC Tân Thuận

Tại Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước, trước thời điểm phát hành, vốn điều lệ của công ty là 300 tỷ đồng, trong đó IPC Tân Thuận sở hữu 60,8% vốn điều lệ tương đương 182,6 tỷ đồng.

Tháng 5/2016, nhóm người đại diện vốn có văn bản trình lãnh đạo IPC Tân Thuận về việc phát hành 30 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng. Sau đó, công ty phát hành cho cổ đông chiến lược là Công ty Tuấn Lộc 20 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, làm giảm tỷ lệ sở hữu của Công ty IPC Tân Thuận xuống còn 40,5%. 

Theo Thanh tra TP, việc xác định Công ty Tuấn Lộc là cổ đông chiến lược là không có cơ sở pháp lý. Giá bán chỉ định cho Công ty Tuấn Lộc thấp hơn giá trị thực tế doanh nghiệp, cả khả năng gây thiệt hại cho vốn Nhà nước, cổ đông Nhà nước cần được làm rõ.

Đến tháng 9/2018, Hội đồng quản trị Công ty Hiệp Phước đã thông qua chủ trương đàm phán với Công ty Tuấn Lộc về việc ngưng hợp tác chiến lược và sẽ mua lại toàn bộ cổ phiếu chiến lược đã phát hành cho Công ty Tuấn Lộc.

Sau khi Công ty Hiệp phước mua lại 20 triệu cổ phiếu chiến lược, tỷ lệ sở hữu của IPC Tân Thuận là 60,8%, Công ty Tuấn Lộc là 0% và các cổ đông khác là 39,2%.

Theo Thanh tra TP, quá trình thẩm định giá để phát hành cổ phiếu tại Sadeco và Công ty Hiệp Phước, Công ty cổ phần Chứng khoán TPHCM và Công ty TNHH Thẩm định giá MHD đã thực hiện không đúng quy định, không phù hợp giá thị trường dẫn đến khả năng gây thiệt hại cho vốn Nhà nước.

Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Long Hậu được UBND tỉnh Long An chấp thuận cho cho IPC Tân Thuận làm chủ đầu tư vào năm 2002 với quy mô 20ha. Đến tháng 10/2006, công ty ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng giao thông Hồng Lĩnh.

Công ty IPC Tân Thuận ứng trước chi phí và chịu mọi trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư cho các hộ dân; được mua 259 nền để bố trí tái định cư cho các hộ dân.  

Công ty Hồng Lĩnh hoàn trả cho IPC Tân Thuận toàn bộ chi phí ứng trước để bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư cho các hộ dân và chi phí chuẩn bị đầu tư; đầu tư hoàn thiện hạ tầng dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính; được toàn quyền khai thác kinh doanh phần diện tích còn lại của dự án (phần còn lại sau khi giao cho IPC Tân Thuận bố trí tái định cư).

Diện tích tái định cư được duyệt là hơn 60.000m2, trong đó tái định cư các hộ dân bị ảnh hưởng bởi KCN Long Hậu (do Công ty cổ phần Long Hậu làm chủ đầu tư) là 54.867m2 và tái định cư các hộ dân bị ảnh hưởng dự án khu dân cư Long Hậu là 5.049m2.

Theo kết luận thanh tra, phần diện tích còn lại Công ty Hồng Lĩnh được toàn quyền kinh doanh là không hợp lý vì IPC Tân Thuận là chủ đầu tư nhưng phải mua lại đất nền trên khu đất mình là chủ đầu tư thực hiện dự án.

Mặt khác, việc hợp tác đầu tư không xác định cụ thể giá trị, tỷ lệ góp vốn của mỗi bên và phân chia sản phẩm, lợi nhuận theo giá trị góp vốn là không đúng với nguyên tắc hợp tác đầu tư phân chia lợi nhuận. 

Công ty cổ phần Long Hậu là một pháp nhân độc lập nhưng IPC Tân Thuận bố trí tái định cư cho dự án KCN Long Hậu không tính theo giá thị trường, hơn nữa còn phải chịu tiền chênh lệch giữa giá mua của Công ty Hồng Lĩnh và giá bán cho các hộ tái định cư.

Đến tháng 8/2018, công ty đã thu lại tổng số tiền và nền tương đương 166 tỷ đồng, gồm: Công ty Hồng Lĩnh trả 69 tỷ đồng; Công ty Long Hậu 74 tỷ đồng và hộ dân tái định cư gần 23 tỷ đồng. Trong đó, số tiền Công ty Long Hậu là số tạm thu, hai bên chưa xác định được số liệu. Theo Thanh tra TP, việc đầu tư dự án khu dân cư Long Hậu cần tiếp tục kiểm tra làm rõ.

Ông Tề Trí Dũng đi nước ngoài nhiều nhất. Theo kết quả thanh tra, trong 2 năm 2016-2017, hàng loạt cán bộ lãnh đạo của IPC Tân Thuận đi nước ngoài quá số ngày quy định. Đáng chú ý, ông Tề Trí Dũng đi 9 lần với 106 ngày.

Quốc Anh