Những người vợ liệt sĩ "hóa đá" ở nghĩa trang
(Dân trí) - Họ đến đây, người còn trẻ, người tóc đã điểm bạc, chung nỗi đau góa bụa. Nỗi đau thấu tận cao xanh nhưng không thể quật ngã được những người phụ nữ là vợ lính ấy.
Tối 26/7, Bảo tàng Quân khu 4 phối hợp Thành đoàn TP Vinh (Nghệ An) tổ chức lễ thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ đang được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Vinh. Đây là nơi yên nghỉ của 810 liệt sĩ, trong đó có 781 liệt sĩ xác định được danh tính, số còn lại là chưa biết tên.
Hơn 1.000 đoàn viên thanh niên và người dân cùng thắp lên những ngọn nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống. Hòa vào dòng người là những người mẹ, người vợ, người con của các liệt sĩ. Họ lặng lẽ trong khói hương, trong nỗi đau đến quặt thắt. Chồng, cha, ông... của họ đã mãi mãi nằm xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Chị Võ Thị Xuân ngồi như hóa đá trước phần mộ của chồng mình - liệt sĩ Nguyễn Thanh Tùng (SN 1970, nguyên quán huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ngày 26/1/2005, chiếc máy bay trực thăng chở đoàn cán bộ Quân khu 4 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đi kiểm tra sẵn sàng chiến đấu tại đảo Mê (thuộc tỉnh Thanh Hoá) thì gặp nạn. 16 cán bộ, chiến sĩ trên chuyến bay định mệnh ấy mãi mãi không trở về, trong đó có chồng chị - Thượng úy Nguyễn Thanh Tùng, phóng viên Báo Quân khu 4.
Mất đi người chồng thân yêu, mất đi chỗ dựa tinh thần, chị gồng mình thay chồng chăm sóc, nuôi dạy 2 cậu con trai sinh đôi. Lãnh đạo đơn vị quan tâm, tạo điều kiện để chị vào quân ngũ, trở thành đồng đội, đồng chí của người chồng vừa ngã xuống.
Đêm nay, chị đến với anh. Chị ngồi bó gối trước mộ chồng, trân trân nhìn vào ngọn nến đang cháy dở. Ngọn nến như nhảy nhót mỗi khi cơn gió lùa qua. Có phải anh về với chị đó không? Chị thảng thốt nhìn quanh rồi bưng mặt khóc.
Mất anh rồi, chị vừa làm bố, vừa làm mẹ để nuôi dạy hai giọt máu anh để lại. Khó có thể nói hết đắng cay, vất vả, nhọc nhằn mà chị trải qua. Người phụ nữ ấy cố tỏ ra cứng cỏi giữa bao lo toan thường nhật nhưng đêm nay bỗng nhỏ bé, yếu mềm trước người đàn ông của mình, dẫu rằng anh đã về với đất hơn chục năm rồi.
Những đau đớn, những xót xa, những tủi hờn, chông chênh dồn nén bật thành tiếng khóc tức tưởi. Đồng đội chị ngồi xuống, ôm ngang người, khóc cùng chị nỗi mất mát lớn lao….
Cách đó không xa là 3 mẹ con. Người phụ nữ đã luống tuổi, khuôn mặt gầy, buồn hiu hắt, ôm cô cháu gái nhìn đăm đăm vào ngôi mộ. Người phụ nữ trẻ hơn đứng lên, châm nén nhang lầm rầm khấn vái. Chị bế con, ý chị đi ra chỗ khác. Có lẽ, chị muốn nhường cho mẹ không gian riêng tư bên người chồng đã ngã xuống.
Người phụ nữ luống tuổi lặng lẽ thắp cho chồng nén hương rồi ngồi như hóa đá, đôi vai gầy so lên trong lắc rắc mưa bay. Đôi vai đã thay chồng gánh vác gia đình, đôi vai đã tự làm chỗ dựa cho mình trong cảnh góa bụa. Đôi vai mà nếu anh còn sống, có lẽ mỗi khi chị mệt mỏi, quá sức hay chông chênh, anh sẽ đặt lên đó bàn tay ấm nóng động viên và sẻ chia…
Chị ngồi đó, không khóc, có lẽ cũng không còn nước mắt để khóc hay nỗi đau đã rèn dũa sức chịu đựng đến phi thường của người phụ nữ này?
Đêm nay, trên hàng nghìn nghĩa trang khắp dải đất hình chữ S này hàng triệu người vợ lính sẽ ngồi lặng lẽ như thế trước phần mộ của chồng mình…
Hoàng Lam