1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những người mẹ khiếm thị xin một đứa con

(Dân trí) - Không nhìn thấy ánh sáng, không may mắn đường tình duyên, nhưng những người phụ nữ phi thường đó đã vượt qua khó khăn, bỏ qua sự mặc cảm để “xin” một đứa con, một mình nuôi con khôn lớn.

Xin một đứa con để yêu thương

Đối với người bình thường sáng mắt, việc sinh và chăm con đã là vất vả. Và đối với những người phụ nữ khiếm thị phải một mình bươn chải nuôi con, lại càng ngàn lần khó hơn. Đồng lương ít ỏi, bão giá hòanh hành, họ phải chắt chiu từng tí từng tí dành dụm tiền nuôi con.
 
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo sinh ra ở vùng quê nghèo Hoài Đức, bị mù bẩm sinh. Tốt nghiệp trường Nhạc viện Hà Nội, hiện đang làm việc ở trung tâm Phục hồi chức năng cho người khiếm thị. Đường tình duyên trắc trở, vượt qua mặc cảm chị “xin” người đàn ông ấy một đứa con gái xinh xắn, bụ bẫm. Khi Linh (con gái chị) được 6 tuổi, chị nén lòng dứt ruột gửi con vào trung tâm SOS để con được đi học.
Những người mẹ khiếm thị xin một đứa con - 1

Hạnh phúc của những người mẹ khiếm thị và những đứa con xin
 
Thảo nói: “Là người ai cũng mong có một mái ấm gia đình trọn vẹn, hạnh phúc. Tuy nhiên điều kiện của người hỏng mắt không cho phép, nên chỉ mong có một đứa con để chăm sóc, để yêu thương.” Mỗi bữa người phụ nữ đó tiết kiệm tiền ăn uống, kiếm được 50.000 đồng/ 1 ngày thì chỉ ăn 10 – 15.000 đồng còn lại để dành hết cho con.

Trung tâm SOS cho phép 4 -6 tháng mới được thăm con một lần. Nhớ con, người mẹ mù lòa tha thiết xin trung tâm cho phép thăm con 2 tuần một lần. Mỗi lần vào, chị cố chạy vạy mua cho con ít đồ đạc, sách vở…

Lặng đi một lúc, chị kể thời gian chị mang thai bé Linh. Lo Linh ra đời, liệu có bị mù lòa không. Suốt 9 tháng mang thai, chị cố gắng chạy chữa để mong cho Linh được sinh ra bình thường. Mang thai ở tuổi không còn trẻ, chị lại sợ, đến lúc sinh chị phải mổ vì quá yếu.

Thảo tâm sự điều khó khăn nhất khi chăm con là khi bé tò mò hỏi về những vật trên cao mà chị không thể sờ tới được. “Cháu cứ hỏi "Cái gì đây", tôi đành trả lời: Nó ở cao quá, mẹ không sờ được”.

Đột nhiên quay đi, cố gạt những giọt nước mắt, chị nghẹn ngào: “Nhiều lúc nhớ con, gọi điện cho con chỉ muốn đón con về luôn, nhưng nghĩ cho tương lai của con, tôi đành kìm lòng lại.”. Chị nói tiếp: Linh là đứa bé sống tình cảm. Nó khoe với tôi, nhiều khi nhớ mẹ phải chui vào một góc để khóc, không cho các mẹ và các bạn ở đó biết vì sợ người ta không cho mẹ vào thăm.

Rời nhà căn nhà tập thể của chị Thảo, tôi tìm đến căn gác nhỏ 45B đường Lương Yên - nhà chị Phương, cô con gái bé bỏng của chị mới được 4 tuổi cũng tên là Linh nhưng giúp đỡ mẹ nhiều việc vặt trong nhà. Chị hóm hỉnh gọi con gái mình là “Đệ tử cứng”.

Trước chị làm tăm cho hội người mù, rồi đánh máy cho thư viện Hà Nội được hơn chục năm. Giờ không ai thuê, người phụ nữ ấy nuôi mẹ già, con nhỏ bằng số tiền dành dụm suốt mấy chục năm trước và sự giúp đỡ của họ hàng. Chị Phương tâm sự: “Mình dù có nghèo đói, có phải đi ăn xin, vẫn cố dành hết tất cả cho đứa con gái nhỏ. Dù có phải nhịn đói cũng không để mẹ và con đói.”

Tiền thuê nhà, tiền đi mẫu giáo, tiền ăn cũng khiến chị lao đao. Nhìn chị tiều tụy vì lo cho mẹ, cho con, ai cũng xót xa lòng.

Những người mẹ mù lòa ấy cố gắng xây dựng hình ảnh người bố trong mắt bọn trẻ là người bố hiền và tuyệt vời. Có những khi Linh ngây ngô hỏi mẹ Phương rằng: “Bố con sao mãi chưa về hả mẹ? Bạn con bảo với con là con không có bố.” Những lúc như thế, Phương âu yếm con nói: “Bố con đi làm xa, bố cũng yêu con lắm!”

Vượt lên chính số phận của mình, dũng cảm sinh và nuôi con một mình không phải là việc bình thường đối với người khiếm thị. Cả đời họ chỉ có một niềm vui duy nhất đó là đứa con bé bỏng. Mong ước lớn nhất của họ là con mình sẽ trưởng thành và khỏe mạnh.

Niềm vui từ đứa con nhỏ
 
Đối với chị Thảo, hàng ngày được nghe giọng của con qua chiếc Homephone nhỏ là một niềm vui lớn. Chị mong ngóng đến cuối tuần để vào thăm con, chắt chiu từng đồng từng hào để mua cho Linh cái áo, đôi giày. Linh lễ phép lắm, nghe cuộc nói chuyện giữa chị với con bé, chốc chốc thấy chị quay đi vội vàng gạt nước mắt.
 
Có khi Linh gọi điện về bảo chị rằng nó nhớ mẹ lắm. Tuần này mẹ vào mua cho nó cái gối ôm vì nó sợ nằm một mình, nó muốn được ôm cái áo của mẹ nó để nó biết mẹ nó đang ở cạnh nó. 
 
Còn chị Phương dù không thấy được gì, nhưng niềm vui của chị là được dẫn con đi học, được thấy con mình từng ngày khôn lớn, biết hát, biết múa, biết giúp và thương mẹ. Một người mẹ chẳng đòi hỏi gì cho mình, chỉ mong “đời con mình sẽ không như mình, không phải khổ như mẹ nó.” Chị vui khi đứa con nhỏ biết yêu thương mẹ, hàng ngày giúp đỡ mẹ những việc lặt vặt trong nhà, ngày 8/3 vừa rồi “Đệ tử cứng” vẽ tặng mẹ những bông hoa.

Chính sự nghị lực và tình yêu thương con khiến cho tinh thần thép của họ vượt qua được khó khăn vật chất, sự mặc cảm bởi số phận.

Điều mà chị Phương, chị Thảo khao khát nhất là công việc ổn định, mình có thể nuôi con tốt, để con mình phát triển đầy đủ như bao đứa trẻ bình thường khác. Điều ấy tưởng chừng là dễ, nhưng đối với những người khiếm thị thì nó không phải điều đơn giản.

Trước khi chia tay, chị Thảo nói: “Chị đang dành dụm thêm chút nữa, đón cháu về để hai mẹ con sống bên nhau. Thế là em hạnh phúc lắm rồi”.

Những người phụ nữ, tưởng chừng rằng họ sẽ bị lãng quên, nhưng họ vẫn còn một niềm vui, một niềm hạnh phúc lớn lao: một đứa con để chăm sóc, để yêu thương.

Kim Ngân