1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những người đàn bà để lại dấu ấn trong đời Trịnh Nguyên Thuỷ

Con người Trịnh Nguyên Thủy luôn tồn tại những suy nghĩ và hành vi rất mâu thuẫn. Thủy kín đáo, tinh ranh trong làm ăn nhưng cũng lại khờ khạo, nông nổi như trẻ con, trong chuyện tình ái.

Người đàn bà gắn bó với Thủy cho đến ngày Thủy bị bắt là vợ Thủy- Nguyễn Thị Huế.

 

Chị Huế sinh năm 1963, kém Thủy 6 tuổi, nhà gần kề chợ thị xã Nghĩa Lộ. Bố chị Huế làm thợ may, quê gốc Hà Tây. Đám cưới của Thủy - Huế vào thời điểm đó được coi là “nổi” nhất vùng. Chị Huế đã học ngành dược tại tỉnh Yên Bái, nhưng không theo nghề sau khi lấy Thủy. Năm 1981 con trai đầu lòng ra đời.

 

Thủy đặt tên con là Thế (có thể giấy khai sinh ban đầu là Trịnh Gia Thế, nhưng đến khi có khẩu Hà Nội, Thế được đặt lại họ: Quách Trịnh Gia Thế). Nghe nói Thế được lấy họ của người thân tín với Thủy. Họ Quách giúp Thế nhập được khẩu Hà Nội và giấu đi tung tích của người cha.

 

Con thứ hai của Thủy cũng là trai, cháu Trịnh Bảo Trường (sinh năm 1989). Chị Huế được coi là người phụ nữ cam chịu, nhẫn nhịn trong gia đình họ Trịnh. Đối lập với sự tinh quái của chồng, chị Huế trông rất phúc hậu và chân chất.

 

Điều này giúp gia đình Thủy giữ được thăng bằng mỗi khi sóng gió vì các cuộc tình của Thủy.

 

Khi biết cậu quý tử đầu lòng của mình đã bị ngã vào vòng tay của “nàng tiên trắng”, Thủy rất buồn và hoang mang. Có lần Thủy thốt lên: “Ngay cả thằng Trường tôi cũng không dám chắc nó không dính vào nghiện ngập. Thủy mong có những đứa con gái ngoan ngoãn, biết nghe lời bố.

 

Tuy có nhà hàng, song không phải bữa tiệc nào, Thủy cũng thết đãi bạn bè thân hữu tại trang trại Sơn Thủy. Nơi Thủy thường lui đến là một nhà hàng Hàn Quốc (gần khu đường Nguyễn Chí Thanh). Ở đó không chỉ có những món ăn khoái khẩu mà còn có nhiều cô nhân viên trẻ xinh xắn, nói năng nhẹ nhõm.

 

Sau những bữa tiệc, Thủy thường dành thời gian để thư giãn bằng cách đi hát. Trong những lần như vậy, Thủy đã gặp được C, một cô gái đất Quảng Ninh. C không quá đẹp nhưng mặn mà, quyến rũ. Thủy đem lòng yêu C rồi làm “đám cưới”.

 

Quả thực, nhiều bạn bè thân hữu không biết Thủy cưới khi nào nhưng có đôi lần Thủy khoe với mọi người bức ảnh cưới, ảnh nghệ thuật và giới thiệu vợ mới. Đây chính là điều mà nhiều người cho rằng Thủy bồng bột. C có thai, siêu âm là gái. Thủy mừng liền mua tặng C một căn hộ chung cư tại khu đô thị Trung Hoà-Nhân Chính (căn hộ được đứng tên mẹ của C).

 

Sau đó, trong một lần đi giải khuây Thủy quen với  H. một cô gái quê Hải Dương, H trẻ, đẹp lại hiền, Thủy cũng yêu luôn. Không rõ có làm đám cưới không nhưng H cũng sinh cho Thủy một “cô công chúa”. Thủy cũng mua tặng mẹ con H một căn nhà tại Thái Hà.

 

Nhưng chưa hết, mới đây người ta đã phát hiện ra là Thủy còn có người “vợ” quê Lạng Sơn nay cũng đã chuyển về sống trên đường Nguyễn Chí Thanh cho gần “chồng”. Cô gái xứ Lạng cũng sinh cho Thủy một cậu cưng hiện đã đi học.

 

Năm 1988, thị xã Nghĩa Lộ xôn xao bởi câu chuyện rất thời sự: Đó là đám cưới của một hôn phu trên 60 tuổi với cô S.T.S  33 tuổi, một đại biểu Quốc hội trẻ nhất tỉnh Hoàng Liên Sơn lúc đó.

 

Số là mẹ Thủy bị mất do một tai nạn giao thông thảm khốc vào năm 1986 trên đường từ Lạng Sơn về Nghĩa Lộ. Sau khi vợ mất, ông Dụ (bố Thuỷ) thấy cô đơn và cần có người để nương cậy lúc tuổi già. Khi nhắc lại chuyện hôn nhân này, nhiều người dân Nghĩa Lộ vẫn tủm tỉm cười. Lúc đầu, ông già đi trên chiếc xe đạp máy vè vè đỗ trước phòng cô S, bị cô gái cầm gậy xua. Ông già lên xe chạy…

 

Cái sự khập khiễng của mối tình này là bởi ông Dụ đã ngoại lục tuần, trong khi đó cô S là gái tân và tuổi chỉ hơn con cả ông Dụ có 2 tuổi. Hơn thế ông Dụ là thường dân góa vợ, trong khi đó cô S là một đại biểu Quốc hội trẻ nhất tỉnh nhà. Vậy nhưng chuyện này lâu dần cũng thành quen, không ai để ý. Rồi dân thị xã Nghĩa Lộ nghe tin ông Dụ cưới vợ.

 

Tuy cưới nhau nhưng bà S không hề được về làm mẹ kế đúng nghĩa của anh em Thủy.

 

Khi còn ở Nghĩa Lộ, bà S ở riêng. Khi về Gia Hội lúc bà S. chuyển công tác lên Gia Hội (huyện Văn Chấn) hàng tuần ông Dụ lên thăm, khi bắt ô tô lên, khi “phi” ngựa sắt. Bà S sinh cho ông Dụ thêm hai người con, một trai, một gái (năm nay đang học lớp 11 và lớp 9).

 

Tại ngôi nhà sàn khá đẹp được ốp gỗ pơ mu sát ngay bên trường tiểu học Gia Hội huyện Văn Chấn, bây giờ chỉ có mình bà S vì hai con đều xuống thị xã trọ học. Trong nhà cũng có tủ lạnh, ti vi màn hình rộng và chiếc xe máy Future đời mới.

 

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà S nhiều lần lấy khăn thấm nước mắt. Bà nói, bà lấy ông Dụ vì thương, chứ không yêu. Ông quá tha thiết thì mình chấp nhận, âu cũng là cái duyên, cái số. Lấy nhau được 6 năm thì ông Dụ mất để lại cho bà một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng (khi đó cũng là lớn lắm).

 

Bà có nói với Thủy, Thủy bảo,  tiền đó để bà nuôi các em. Tích cóp thêm được một số tiền, năm 2003 bà S làm ngôi nhà hết khoảng 40 triệu. Vay mượn nhiều nên đầu hè (2005), bà cho đứa con trai lớn về Hà Nội thăm anh Thủy và dặn vay tiền các anh, ít thì dăm triệu, nhiều thì mươi triệu đồng để trả nợ.

 

Khi về Nghĩa Lộ, con trai bà S có nói với mẹ: “Anh Thủy đang trốn nợ riết lắm”. Bẵng đi mấy tháng bà nghe tin Thủy bị bắt. Khi nói về thái độ của Thủy trước cuộc tình của cha với bà S. có nhiều ý kiến trái nhau.

 

Có người cho rằng, Thủy phản đối và hầu như chẳng giúp gì bà S. Nhưng lại có quan điểm cho rằng, Thủy ủng hộ cuộc hôn nhân vì cái “mác” Đại biểu Quốc hội của bà S. có thể giúp Thủy trong việc làm ăn. Trước khi bị bắt, Thủy cũng từng có ý định sẽ đưa bà S và 2 đứa em cùng cha khác mẹ xuống Hà Nội sinh sống.

 

Theo Tiền Phong