Những lần điều chỉnh địa giới của vùng đất "gạo trắng nước trong"
(Dân trí) - Câu ca xưa "Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi tới đó lòng không muốn về" phần nào nói về một vùng đất trù phú, sầm uất, được gọi là Tây Đô từ cuối thế kỷ XIX.

Lịch sử vùng đất Trấn Giang - Cần Thơ
Trong tiến trình khai khẩn phương Nam của cha ông ta, Cần Thơ được khai phá muộn hơn so với miền trên (Đồng Nai - Sài Gòn) và miền dưới (Hà Tiên).
Năm 1732, toàn bộ đất phương Nam được chúa Nguyễn phân định thành 3 dinh (Trấn Biên - vùng Biên Hòa, dinh Phiên Trấn - vùng Gia Định, dinh Long Hồ - vùng Vĩnh Long) và trấn Hà Tiên.
Năm 1735, Tổng trấn Mạc Cửu qua đời, con ông là Mạc Thiên Tích (trước đó có tên là Mạc Thiên Tứ) được phong làm Tổng trấn nối nghiệp cha. Từ Hà Tiên, ông đẩy mạnh công cuộc khai mở về vùng đất thuộc hữu ngạn sông Hậu. Năm 1739, ông hoàn thành việc khai mở này và lập thêm 4 vùng đất mới, gồm: Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (bắc Bạc Liêu) để sáp nhập vào đất Hà Tiên.
Theo Cổng thông tin điện tử Cần Thơ, nhận thấy Trấn Giang có vị trí chiến lược để làm hậu cứ vững chắc cho Hà Tiên nhằm chống lại quân Xiêm và quân Chân Lạp thường xuyên xâm lấn và quấy phá, Tổng trấn Mạc Thiên Tích đã xây dựng đất Trấn Giang trên mọi lĩnh vực quân sự, kinh tế, thương mại và văn hoá.
Từ đó, Trấn Giang càng phát triển và trở thành "thủ sở" mạnh ở miền Hậu Giang. Nằm ở bờ tây sông Cần Thơ, Trấn Giang trở thành nơi tập hợp người tứ phương về khai phá lập nghiệp.
Do có vị trí xung yếu nên từ năm 1771 đến năm 1787, Trấn Giang phát triển trong bối cảnh lịch sử đầy xáo động.
Đến năm Quý Dậu (năm 1813), vua Gia Long cắt một vùng đất hữu ngạn sông Hậu, trong đó có Trấn Giang - Cần Thơ xưa, để lập huyện Vĩnh Định (trực thuộc phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh).
Năm Nhâm Thìn (năm 1832), vua Minh Mạng ban chiếu dụ đổi "trấn" thành "tỉnh" và hình thành nên "Nam Kỳ lục tỉnh". Vua Minh Mạng đã tách huyện Vĩnh Định (Cần Thơ xưa) ra khỏi phủ Định Viễn (tỉnh Vĩnh Long) và cho trực thuộc phủ Tân Thành (tỉnh An Giang).
Năm Kỷ Hợi (năm 1839), vua Minh Mạng đổi tên huyện Vĩnh Định thành huyện Phong Phú, trực thuộc phủ Tịnh Biên (tỉnh An Giang). Từ đó, huyện Phong Phú tiếp tục phát triển và nổi tiếng là vùng đất thịnh trị khác hẳn mọi vùng ở miền Tây bấy giờ.

Bản đồ hành chính Cần Thơ (Ảnh: Bản đồ).
Đến đầu thế kỷ XIX, trong "Gia Định thành thông chí" đã nhắc đến những trung tâm mua bán như trung tâm phía tây Trấn Giang (trên sông Cần Thơ); trung tâm ở sông Trà Ôn (thuộc tổng Bình Chánh) và trung tâm Trường tàu Ba Thắc (hạ lưu sông Hậu) tương xứng với trung tâm mua bán ở hữu ngạn sông Tiền là Sa Đéc, Long Hồ.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là giai đoạn lịch sử có nhiều biến động dữ dội ở Nam Kỳ lục tỉnh. Ngày 1/1/1868, Thống đốc Nam Kỳ quyết định sáp nhập huyện Phong Phú (Trấn Giang - Cần Thơ) với Bãi Sào (Sóc Trăng) đặt thành quận.
Ngày 23/2/1876, hạt Cần Thơ được thành lập với thủ phủ là Cần Thơ. Năm 1889, Pháp đổi các đơn vị hành chính cấp hạt thành tỉnh và huyện đổi thành quận. Từ năm 1876 đến năm 1954, địa giới hành chính tỉnh Cần Thơ không thay đổi.
Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chính quyền kháng chiến có điều chỉnh một phần địa giới hành chính của tỉnh Cần Thơ. Trong đó, Cần Thơ nhận thêm huyện Thốt Nốt (tỉnh Long Xuyên), các huyện Long Mỹ, Gò Quao, Giồng Riềng, thị xã Rạch Giá (tỉnh Rạch Giá) và huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) và giao 2 huyện Trà Ôn, Cầu Kè về tỉnh Vĩnh Trà (Vĩnh Long - Trà Vinh).
Sau năm 1954, địa giới hành chính của Cần Thơ có nhiều thay đổi. Năm 1956, tỉnh Cần Thơ được đổi tên thành tỉnh Phong Dinh. Năm 1961, tách một vùng đất ở Long Mỹ, Vị Thanh lập thành tỉnh Chương Thiện. Sau đó, các quận, các tổng, xã trong tỉnh Phong Dinh và tỉnh Chương Thiện đều phân chia lại.
Về phía chính quyền cách mạng, tên gọi Cần Thơ vẫn được duy trì; địa giới hành chính có thay đổi một phần. Đến năm 1972, thị xã Cần Thơ trở thành thành phố Cần Thơ, trực thuộc khu Tây Nam Bộ.

Khung cảnh thơ mộng tuyệt đẹp tại Bến Ninh Kiều (Ảnh: ThamhiemMekong).
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chính phủ có nghị định sáp nhập tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ để lập tỉnh mới với tên gọi Hậu Giang, tỉnh lỵ đặt tại thành phố Cần Thơ.
Đến tháng 12/1991, Quốc hội quyết định tách tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng.
Ngày 1/1/2004, tỉnh Cần Thơ được tách ra thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ. Khi đó, Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Cần Thơ - "Ai đi tới đó lòng không muốn về"
Câu ca xưa "Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi tới đó lòng không muốn về" phần nào nói về một vùng đất trù phú, sầm uất, được gọi là Tây Đô từ cuối thế kỷ XIX.
Với lịch sử hình thành và phát triển trên 130 năm, từ thời Pháp đô hộ nơi đây đã thành lập những đồn điền, cơ sở công nghiệp, chợ, bệnh viện, Trường College de Cần Thơ (nay là Trường Châu Văn Liêm) tồn tại gần 100 năm.
Cần Thơ có vị trí chiến lược kinh tế cũng như quân sự của vùng, đầu mối giao thông thủy bộ của Đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phía Bắc giáp tỉnh An Giang, phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long; phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang; phía Nam giáp tỉnh Hậu Giang.

Đền Hùng Cần Thơ nằm trên đường Võ Văn Kiệt, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ (Ảnh: Bảo Kỳ).
Thành phố Cần Thơ là cửa ngõ giao lưu quan trọng về giao thông đường bộ, đường sông, đường biển và đường hàng không. Giao thông đường bộ theo quốc lộ 1A về hướng Đông Bắc, Cần Thơ cách TPHCM 169km, đến các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ 60-190km.
Hiện Cần Thơ có tổng diện tích tự nhiên 1.401,61km2, dân số gần 1,5 triệu người. Thành phố có 5 quận (Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt) và 4 huyện (Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh) với tổng số 80 đơn vị hành chính cấp cơ sở (36 xã, 39 phường và 5 thị trấn).
Theo tờ trình đầu tháng 4 của Sở Nội vụ Cần Thơ, thành phố dự kiến sắp xếp còn 33 đơn vị, gồm 14 xã và 19 phường. Trong đó, quận trung tâm Ninh Kiều sẽ thành lập ba phường: Tân An, An Bình và Ninh Kiều.
Quận Bình Thủy thành lập ba phường gồm: Thới An Đông, Bình Thủy, Long Tuyền. Trong đó, phường Thới An Đông được lập trên cơ sở nhập toàn bộ phường Trà Nóc, Trà An và Thới An Đông; diện tích hơn 25 km2, hơn 33.000 dân, trụ sở đặt tại UBND phường Thới An Đông.
Quận Cái Răng thành lập ba phường gồm: Cái Răng, Phú Thứ và Hưng Phú. Trong đó, phường Cái Răng trên cơ sở nhập diện tích phường Lê Bình, Thường Thạnh và Ba Láng; trụ sở đặt tại UBND phường Lê Bình.
Cũng theo đề xuất này, số lượng đơn vị hành chính sau sáp nhập của quận Ô Môn là 4 phường, quận Thốt Nốt 6 phường. Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh, mỗi huyện thành 4 xã; riêng huyện Phong Điền 2 xã.
Cần Thơ là một trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương, hiện là trung tâm thương mại và tài chính, với các hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động, thúc đẩy nền kinh tế khu vực.

Chợ nổi Cái Răng là điểm đến nổi tiếng được nhiều du khách ghé thăm khi tham quan thành phố Cần Thơ (Ảnh: Bảo Kỳ).
Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ đạt được nhiều kết quả tích cực, với 14/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu ước đạt và vượt kế hoạch đề ra. Quy mô nền kinh tế đạt trên 133.000 tỷ đồng, tăng 11,47% so với năm 2023; GRDP bình quân đầu người trên 105 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước đạt trên 12.558 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt trên 2,2 tỷ USD.
Tổng lượt khách du lịch đến thành phố năm 2024 ước đạt 6,37 triệu lượt, tăng 6%; tổng doanh thu từ du lịch đạt 6.226 tỷ đồng, tăng 15%.
Truyền thuyết tên gọi "Cần Thơ"
Tên gọi "Cần Thơ" không gắn liền với một sự kiện lịch sử cụ thể mà bắt nguồn từ sự phát âm địa phương. Theo truyền thuyết, tên "Cần Thơ" xuất phát từ việc một người địa phương nói "cần thơ" (cần có nhiều nước) để chỉ sự phong phú của vùng đất và từ đó, tên gọi này dần trở nên phổ biến.
Đến Cần Thơ, dù vội đến mấy chắc chắn mỗi người không thể không tới bến Ninh Kiều bên bờ sông Hậu, thả mình vào cuộc hành trình sông nước. Cuộc hành trình ấy thường được bắt đầu bằng việc đón bình minh trên chợ nổi.
Chợ nổi là nơi hội tụ không chỉ sản vật từ mọi miền quê, mà hội tụ cả những nét sinh hoạt cộng đồng độc đáo có từ bao đời nay. Từ đây, du khách có thể tiếp tục cuộc hành trình về các cù lao, cồn, xóm, len lỏi qua những miệt vườn trĩu nặng hoa trái, những vuông tôm, bè cá, qua những cánh đồng lúa vàng thẳng cánh cò bay.
Đó được coi là quà tặng hào phóng của thiên nhiên và thành quả của sức lao động bền bỉ từ bao thế hệ người dân đất phương Nam này.