Bình Định:

Những lá thư, bức ảnh trở về sau gần nửa thế kỷ lưu lạc

(Dân trí) - Những lá thư gửi đi đã hơn 40 năm chưa đến tay người nhận, bức họa người mẹ Việt Nam lưu lạc gần nửa thế kỷ ở nước ngoài cuối cùng đã về Việt Nam... Giây phút nhận lại những kỷ vật nhuốm màu thời gian ấy, khó ai có thể cầm lòng.

Thân nhân các gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh tại Bình Định đã bồi hồi, xúc động khi nhận lại những kỷ vật cá nhân được cựu chiến binh Australia và New Zealand thu thập trong thời gian chiến tranh tại chiến trường miền Nam từ những năm 1966 – 1971.

Lần đâu tiên ông Lê Sang (gốc Quảng Nam) nhìn thấy bức chân dung mẹ mình do người em trai họa
Lần đâu tiên ông Lê Sang (gốc Quảng Nam) nhìn thấy bức chân dung mẹ mình do người em trai họa

Ông 
Ông Derrill de Heer - cựu chiến binh Úc với bức chân dung về người mẹ Việt Nam 

Ông Lê Sang lặn lội từ Đà Nẵng vào Bình Định để nhận bức họa của người mẹ mình được một cựu quân nhân Úc lưu giữ suốt hơn 40 năm nay. Bức chân dung truyền thần bà Phan Thị Diễn do ông G.W. Dennis là cố vấn người Úc hoạt động tại Quảng Nam thu được trong một ngôi nhà cháy dở. Ông nhớ khi đó trong ngôi làng vừa bị địch càn quét, làng không một bóng người và ông phát hiện ngôi nhà đang cháy. Ông vào kiểm tra thì thấy một khung hình vỡ có bức chân dung, phía sau ghi nhiều chữ ở mặt sau nên ông lấy và cất giữ cẩn thận.

Biết mình sẽ nhận lại bức tranh của mẹ từ cựu chiến binh Úc trao tặng, ông Lê Sang (85 tuổi) xúc động nói: “Khi bức họa được đăng trên báo Dân trí, tôi xem kỹ và xác thực đúng là bức họa do em trai tôi vẽ khi mẹ tôi 59 tuổi. Tôi rất xúc động khi thấy bức tranh mẹ tôi vì khi đó tôi tập kết ra Bắc nên không có khi nào gặp lại mẹ cho đến khi giải phóng.  Đối với gia đình tôi thì bức tranh không những có giá trị với gia đình tôi mà hơn là giá trị nhân văn nhân đạo”.

Ông 
Tiến sĩ Bob Hall cựu chiến binh Úc vui vẻ vì được làm một điều rất ý nghĩa cho thân nhân, liệt sỹ Việt Nam

Ông Sang chia sẻ, ông rất bất ngờ người cựu chiến binh Úc lại cất giữ cẩn thận bức chân dung của mẹ ông. "Trong chiến tranh ác liệt, bản thân tôi một người lính tham gia ở nhiều chiến trường không bao giờ nghĩ mình sống sót trở về bởi chiến tranh ác liệt quá. Với tôi quê hương chỉ còn trong ký ức nhưng bây giờ nhìn thấy bức chân dung của mẹ như được gặp lại mẹ và em trai tôi nên cả đêm qua tôi không ngủ được chỉ mong sớm đến Bình Định để tận mắt nhìn thấy bức tranh", ông nói.

Chia sẻ về bức tranh ông Derrill de Heer cựu chiến binh Úc, thành viên dự án Những linh hồn phiêu bạt, chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng về bức tranh, bức tranh không biết được vẽ bằng chất liệu gì nhưng rất đẹp. Trước đây, chúng tôi từng có thời gian gia chiến trường Việt Nam, nên tôi thấu hiểu được nỗi mất mát của người lính, của người mẹ Việt Nam nên chúng tôi muốn làm một điều gì đó cho các bạn. Vì chiến tranh nên có lúc chúng ta đã đánh nhau nhưng bây giờ chúng ta là bạn. Với tôi thì đất nước Việt Nam như quê hương thứ hai của mình”.

Cũng vì chiến tranh mà nhiều lá thư của các chiến sĩ ngoài chiến trường gửi về cho người thân cũng bị thất lạc. Những lá thư ấy được những người cựu chiến binh Úc cất giữ và nay mới được về Việt Nam trao tận tay cho chủ nhân của nó.

Bà Huỳnh Thị Sáu bồi hồi sắp nhận được thư của người mẹ đã mất sau hơn 40 năm
Bà Huỳnh Thị Sáu bồi hồi sắp nhận được thư của người mẹ đã mất sau hơn 40 năm

Trong đó, ông Huỳnh Hữu Ân (66 tuổi, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định) sẽ được nhận 4 lá thư do chính ông viết gửi về hỏi thăm gia đình nhưng thư mãi không thể đến tay cha mẹ.

Ông Ân kể: “Thời chiến tranh tôi phải chiến đấu ở chiến trường tỉnh Kom Tum, khi nghe tin địch càn quét ở quê nhà, tôi viết nhiều thư để hỏi thăm tình hình gia đình và báo tình hình sức khỏe mình ở chiến trường nhưng chỉ nhận được 1 lá thư hồi âm. Hôm nay nhận lại những bức thư do chính mình viết tôi thật sự cảm động về tình cảm và việc làm ý nghĩa của những cựu chiến binh Úc”.

Còn bà Huỳnh Thị Sáu (65 tuổi, ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định) không nhận được thư của mẹ gửi năm 1968 thì hồi hộp chia sẻ: “Biết tin tôi có trong danh sách trao trả thư của người thân thất lạc trong chiến tranh tôi mừng lắm nhưng cũng hồi hộp không biết má tôi khi đó viết gì trong thư”.

Doãn Công