Con trai "người mẹ Việt" muốn nhận bức chân dung từ cựu binh Úc

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đăng bài viết về một cựu binh Úc lưu giữ bức chân dung của một người mẹ Việt Nam hơn 40 năm, ông Vũ Năng Luyện (85 tuổi, Đà Nẵng) đã liên hệ với Dân trí, xác nhận ông chính là con trai của bà mẹ trong bức ảnh.

Theo ông Luyện, gia đình biết tin về bức ảnh từ một người cháu đang sống ở TP Hồ Chí Minh. Nghe tin, ông vội tới văn phòng đại diện của báo Dân trí tại Đà Nẵng để được tận mắt nhìn bức ảnh. Sau khi xem ảnh, ông xác nhận đó chính là bức chân dung của mẹ ông - cụ bà Phan Thị Diễn. Điều này được minh chứng khi phía sau tấm hình còn ghi đầy đủ họ tên, tuổi của cụ Diễn, cụ ông cùng các anh chị em của ông Luyện.

Đã 3 ngày kể từ khi được nhận lại bức ảnh của người mẹ đã mất, ông Luyện vẫn không giấu được niềm hạnh phúc. Ông cười sung sướng như vừa tìm lại được một bảo vật quý giá.

Bức chân dung người mẹ Việt Nam đã có người tới nhận
Cụ bà Phan Thị Diễn (người mẹ trong bức chân dung) chụp cùng chồng là cụ ông Lê Anh Hào tại Hội An năm 1927

“Khi thấy bức hình của mẹ tôi, tôi rất xúc động. Tôi không ngờ một cựu chiến binh Úc lại lưu giữ một bức ảnh của một người mẹ Việt Nam lâu đến thế. Đây là một hành động, một nghĩa cử vô cùng nhân văn”, ông Luyện chia sẻ.
Ông kể, ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Bố ông và hai người em của ông đều là liệt sĩ. Đến nay hai người em của ông tuy có mộ ở nghĩa trang liệt sĩ xã Duy Trinh nhưng vẫn chưa tìm thấy hài cốt. 

Bản thân ông tham gia hoạt động cách mạng từ lúc lên 16 tuổi. Tên thật của ông là Lê Sáng (như phía sau bức chân dung ghi) nhưng do hoạt động cách mạng phải giữ bí mật nên được đổi thành Vũ Năng Luyện. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, chưa có một ngày nào ông ngừng chiến đấu. Mẹ ông - cụ bà Phan Thị Diễn (sinh năm 1903, mất năm 1985) được phong Mẹ Việt Nam anh hùng năm 1994 - là một trong những bà mẹ đầu tiên được phong Mẹ Việt Nam anh hùng.

Hai bố con ông Luyện tới văn phòng đại diện báo Dân trí để chứng thực về bức ảnh
Hai bố con ông Luyện tới văn phòng đại diện báo Dân trí để chứng thực về bức ảnh

Trong bài viết “Cựu binh Úc đi tìm thân nhân của bức chân dung người mẹ Việt” nói rằng cựu binh Dennis phát hiện bức chân dung người mẹ trong một ngôi nhà bị cháy ở một ngôi làng của tỉnh Quảng Ngãi, nhưng theo ông Luyện thực chất đó là ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Phía sau của bức ảnh cũng có ghi DUY –XUYÊN DISTRICT.

Lúc đó, gia đình ông cùng người dân trong làng đã di tản lên rừng để tránh sự càn quét của địch; ông Luyện đang trên đường tập kết ra Bắc.

Hai bố con ông Luyện tới văn phòng đại diện báo Dân trí để chứng thực về bức ảnh
Hai bố con ông Luyện chia sẻ niềm vui với nhà báo Đình Hòa (phải) - trưởng đại diện báo Dân trí tại Đà Nẵng 

Trong nhà ông, ngoài bố ông còn có em trai ông là ông Lê Đình Sung cũng là họa sĩ. Ông Sung thường hay họa chân dung và bức chân dung về mẹ ông là do ông Sung vẽ năm 1962,  lúc cụ bà Diễn 59 tuổi.
Chia sẻ hạnh phúc cùng với bố mình, anh Lê Viết Sơn (con ông Luyện) cho biết: "Khi xem trên báo nhìn thấy tấm ảnh tôi đã thấy ngờ ngợ giống bà nội. Khi nhìn mặt sau của tấm ảnh có ghi đầy đủ tên ông bà nội và tên bố tôi, các cô, các chú thì tôi cũng khẳng định chắc chắn đó là bà nội tôi".
Cũng như bố mình, anh Sơn vô cũng xúc động trước hành động của cựu binh Dennis. “Chiến tranh đã qua đi nhưng nó vẫn để lại những ký ức đến tận ngày hôm nay. Bức ảnh rất có giá trị với gia đình nhưng quan trọng nhất là giá trị nhân văn. Chỉ một bức ảnh mà người ta không vứt đi, không xé đi mà giữ gìn hơn 40 năm, và bây giờ muốn trao lại cho người thân của người trong bức ảnh”, anh Sơn bộc bạch.
Theo dự kiến, dự án Những linh hồn phiêu bạt sẽ trở lại Việt Nam từ ngày 28/7-6/8/2013 để trao trả cho chính phủ Việt Nam, các cựu chiến binh và thân nhân các liệt sĩ những tài liệu và kỷ vật cá nhân đã được các cựu chiến binh Úc và New Zealand thu thập trong thời gian chiến tranh tại Việt Nam từ năm 1966-1971, theo tinh thần Công ước Geneva mà Úc tham gia. Hai bố con ông Luyện rất muốn biết thời gian, địa điểm trao trả những kỷ vật đó để trực tiếp đến nhận lại bức ảnh và trực tiếp gửi lời cảm ơn chân thành đến ông Dennis.
Trước mắt, thông qua báo Dân trí, ông Luyện muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ông Dennis đã gìn giữ cho gia đình một kỷ vật mang giá trị tinh thần rất lớn.

Khánh Hồng