Những “kỳ nhân” làng biển: Băng qua mưa bom bão đạn chở bộ đội vượt sông
(Dân trí) - Trong thời chiến, ông đã cùng đồng đội vào sinh ra tử, bất chấp bom đạn kẻ thù luôn rình rập trên đầu để đưa bộ đội vượt sông, vận chuyển vũ khí, lương thực vào chiến trường. Trở về đời thường, dẫu bị mất một cánh tay, ông vẫn bám nghiệp biển để nuôi sống gia đình.
Khắc khoải nơi bến đò A
Giữa trưa nắng gắt gỏng tháng Tư, chúng tôi gặp ông Lê Đức Thanh (SN 1950, trú tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đang chuẩn bị lưới cho chuyến biển mới. Ông Thanh là thương binh hạng 3/4, bị mất đi cánh tay phải do trúng pháo địch từ thời chiến.
Gặp khách, ông Thanh nghỉ tay rồi đon đả mời chúng tôi ly nước chè đặc quánh, thứ nước dân dã của làng quê. Nhấp xong ngụm nước, câu chuyện về cuộc đời ông cứ thế được quay ngược trong tâm tưởng. Những năm tháng ông Thanh đã trải qua biết bao gian khổ đã in đậm trong tâm trí không thể nào quên.
Ông Thanh kể rằng, bản thân ông cũng như bao trai tráng trong làng, sinh ra và lớn lên thì theo cha ra biển bắt cá mưu sinh. Lúc ấy, vùng đất Vĩnh Linh vẫn đang hứng chịu bom đạn chiến tranh, sông Bến Hải tạm thời bị chia cắt thành 2 miền Bắc - Nam.
“Năm 1967, lúc ấy tôi vừa tròn 17 tuổi được xã đội phân công phối hợp với lực lượng dân quân tại Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, vận chuyển lương thực, vũ khí tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Để tránh sự phát hiện của địch, tôi cùng 6 anh em chọn thời điểm buổi tối để thực hiện nhiệm vụ. Sau khi ăn tối xong thì xuất phát ra đảo Cồn Cỏ. Việc vận chuyển hàng tiếp tế chủ yếu bằng thuyền nan nên đến nơi thì tầm rạng sáng. Khi cập đảo, anh em trên thuyền cùng bộ đội vận chuyển hàng lên đảo, tối đến lại quay vào bờ, hoàn thành xong nhiệm vụ”, ông Thanh nhớ lại.
Theo ông Lê Đức Thanh, năm đó địch chưa ném bom khốc liệt nên chuyến vận chuyển hàng ra đảo an toàn, không bị địch phát hiện nên không ai bị thương tích. Tuy nhiên, để tránh bị địch phát hiện, trước khi ra đi các ông được nhắc nhở cẩn thận hết sức. Những người làm nhiệm vụ đều được trang bị vũ khí để phòng xảy ra bất trắc.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển hàng ra đảo Cồn Cỏ, ông Thanh càng hoạt động hăng hái hơn. Ông được cấp trên phân công trực chiến tại bến đò A Cửa Tùng, chở bộ đội vượt sông Bến Hải vào chiến trường, cùng với việc vận chuyển vũ khí, lương thực vào Nam. Ông Thanh cho biết, ông làm nhiệm vụ này suốt từ năm 1968-1972, vào thời điểm địch bắn phá dữ dội nhất. Bản thân ông cũng không nhớ rõ mình cùng đồng đội đã chở bao nhiêu bộ đội, dân quân du kích, thương binh và lương thực, vũ khí vào chiến trường.
Ông Thanh nói rằng, những năm tháng ấy địch ném bom bắn phá rất dữ dội. Lúc thì họ bắn từ phía Cồn Tiên, Dốc Miếu về, từ Hạm đội ngoài biển bắn vào, cả trên trời dội xuống nên mỗi chuyến đi đều phải cân nhắc, chờ đợi địch ngừng ném bom để đảm bảo an toàn.
Mỗi lần đi thường có 2 người thay nhau để chở bộ đội và dân quân du kích qua sông. Điểm xuất phát là bến đò A Cửa Tùng, vượt qua sông Bến Hải, đích đến là xã Trung Giang, huyện Gio Linh.
Những lúc không tham gia chở bộ đội vượt sông thì ông Thanh đảm nhận trực chiến với khẩu 12,7 ly. Ông Thanh tâm sự: “Những năm chiến tranh, bom rơi dữ dội trên đầu nên anh em chúng tôi cũng xác định có thể đối diện với cái chết bất cứ lúc nào. Những đồng đội của tôi cũng có người bị thương, người bị hy sinh”.
Bom đạn chiến tranh đã gieo nên bao nhiêu chết chóc, tàn phá quê hương, làng mạc, ly tán bao nhiêu gia đình và nỗi đau ấy chẳng chừa một ai. Ông Thanh cũng đã bị mất đi cánh tay trong khi làm nhiệm vụ. Ông Thanh nhớ lại: “Năm đó khoảng tháng 12/1972, giữa lúc bom đạn còn ác liệt, tôi được phân công nhiệm vụ trực chiến tại bến đò A. Không may, tôi bị trúng pháo từ Hạm đội nên bị thương và ngất lịm. Sau đó, được anh em đưa về đơn vị rồi vào cấp cứu. Tỉnh dậy tôi mới phát hiện cánh tay đã không còn”.
Bám nghiệp biển, nối nghề cha ông
Sau khi bị thương và mất cánh tay, ông Thanh trở về đời thường lại theo cha làm nghề biển. Ba năm sau, khi hòa bình lập lại, ông tình cờ quen người con gái cũng sinh ra và lớn lên bên biển như ông rồi đem lòng yêu mến. Hai người về chung sống với nhau và sinh con. Vợ ông là bà Phan Thị Hóa (SN 1949, quê ở Cát Sơn, xã Trung Giang), phía bên kia dòng Bến Hải, cũng vì quý ông nên mới nhận lời và nên nghĩa phu thê.
Vì vốn quen nghề biển, lúc 14-15 tuổi đã từng theo cha kiếm con cá, con tôm sinh sống nên ông Thanh quyết nối nghề. Tuy nhiên, với những người bình thường đi biển đã khó khăn, còn với ông khi chỉ còn một cánh tay lại càng vất vả hơn. Mất thời gian vài tháng trời để làm quen, luyện tập, ông Thanh cũng quen dần và tự chèo thuyền ra biển. Cứ đều đặn hàng ngày, ông dùng cánh tay trái còn lại cầm phía trên mái chèo, đoạn tay phải bị cụt thì tì vào thân mái chèo mà chèo. Có hôm, ông chèo đến bong hết lớp da ở khúc tay phải.
“Làm nghề gì cũng vậy, ban đầu khó khăn nhưng rồi cũng quen. Tôi đã tự chèo thuyền ra biển để câu con cá, con tôm ở các rạn san hô về nuôi sống gia đình. Cũng may là tôi quen với nghề biển nên cũng nhanh chóng thích nghi chứ một tay sẽ gặp biết bao vất vả”, ông Thanh kể.
Ông Thanh và bà Hóa có với nhau 3 người con. Trong đó, người con trai thứ 2 đã nối nghiệp để cùng ông làm nghề biển. Hai cha con ban đầu đi thuyền thúng nan, dần nâng cấp lên thuyền gỗ, sắm lưới để đánh bắt.
Ông Thanh nói rằng, cũng nhờ đi biển, bám nghề mà cuộc sống gia đình cũng đỡ vất vả hơn. Ngày nay do tuổi đã cao, sức khỏe không tốt nên ông ít đi thường xuyên hơn. Thế nhưng, với kinh nghiệm 50 năm bám biển, bám nghề, ông đã quen thuộc đặc tính sinh sống của các loài cá. Để khi nhớ nghề cha con ông lại xuống biển.
Cùng chúng tôi trở về bến đò A Cửa Tùng, ngước mắt về miệt biển Trung Giang, ông Thanh bỗng rưng rưng cảm xúc. Bởi ông chợt nghĩ đến những đồng đội của ông đã hy sinh trước đạn bom khốc liệt, vì sự nghiệp giải phóng quê hương.
Bến đò A nằm bên mép biển, nghe những đợt sóng cứ xô bờ khiến lòng ông càng khắc khoải. Cuộc đời ông đã gắn bó với biển khơi để mưu sinh, dựa vào biển để đánh đuổi kẻ thù bảo vệ quê hương. Không ít lần suýt cận kề với cái chết nhưng được “mẹ biển” che chở, những thế hệ như ông Thanh đã góp phần viết nên câu chuyện đẹp của làng biển.
Đăng Đức