1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những “kỳ nhân” làng biển: Mất một chân vẫn bám biển mưu sinh

(Dân trí) - Bị trúng đạn và mất một chân, nhưng bằng nghị lực và ý chí vượt qua số phận, ông vẫn bám nghề mưu sinh để trở thành người thạo nghề biển như hiện nay.

Người dân khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, chẳng ai xa lạ gì về lão ngư Nguyễn Văn Huynh (SN 1957). Người dân nơi đây thường gọi ông với cái tên Huynh “cụt”.

Hồi nhỏ không may bị trúng đạn nên ông Huynh bị mất một chân
Hồi nhỏ không may bị trúng đạn nên ông Huynh bị mất một chân

Một ngư dân cùng xóm nói: “Ông Huynh à, người nổi nhất ở xóm ni. Không có ai nghị lực như ông nớ, bị mất một chân vẫn đi biển bấy lâu nay”.

10 tuổi đã theo cha ra khơi

Sinh ra và lớn lên bên biển, ông Huynh đã nếm trải đủ mọi thăng trầm. Thậm chí, có những lúc cái chết như cận kề nhưng ông vẫn may mắn thoát nạn. Ông xem đó là sự may mắn, nếu không có “mẹ biển” che chở thì ông không có cơ hội trở về với gia đình.

Nhờ có chân giả nên việc đi lại của ông đỡ vất vả hơn
Nhờ có chân giả nên việc đi lại của ông đỡ vất vả hơn

Ông Huynh kể: “Lên 10 tuổi tui đã theo cha làm nghề. Nhiều lần bơi giữa sóng lớn của cửa biển Cửa Việt nên cũng dạn dày, can đảm hơn. Có những chuyến biển cách bờ hàng chục hải lý. Lúc ấy, thuyền còn khá đơn sơ”.

Như bao chàng trai khác tại làng biển, ông Huynh cũng từng ao ước lớn lên khỏe mạnh để nuôi khát vọng chinh phục biển cả. Thế nhưng, định mệnh đã sớm gọi tên cậu thanh niên làng chài nghèo. Khi ông lên 11 tuổi đã gặp phải tai nạn không may, để rồi sự đau đớn ấy cứ theo ông đến già.

Mang vẻ trầm tư trên khuôn mặt khắc khổ, ông Huynh nhớ lại: “Năm ấy tui được chừng 11 tuổi, giữa bom đạn chiến tranh ác liệt, tui đi đơm tôm, cá ở khe nước gần nhà thì không may trúng đạn và bị thương. Do vết thương quá nặng nên buộc phải cưa chân. Sau đợt tai nạn ấy, tui đi lại vô cùng khó khăn. Nhiều lúc muốn ra biển nhưng chỉ biết ngậm ngùi đứng nhìn từng đợt sóng mà ứa nước mắt”.

Dù tuổi cao nhưng ông Huynh vẫn đi biển thường xuyên
Dù tuổi cao nhưng ông Huynh vẫn đi biển thường xuyên

Những năm ấy, vùng Cửa Việt luôn chịu sự tàn phá dữ dội của bom đạn. Quân địch tăng cường lực lượng, gia tăng sự kiểm soát ở khu vực cửa biển và các vùng lân cận. Ông Huynh nhớ những năm 1971-1972, quân đội ta phải áp dụng chiến thuật đánh du kích để đối phó với kẻ thù.

Là thanh niên trẻ nhưng bị tàn tật nên ông không đi biển. Dù không trực tiếp tham gia cách mạng, nhưng vì là người bản địa, thông thuộc địa hình nên ông bí mật dẫn đường cho bộ đội ta vượt qua các chốt kiểm soát của địch.

“Khi ấy, do tui bị tàn tật nên quân địch không chú ý. Nhờ đó mà tui đã dẫn đường cho nhiều bộ đội vào bên trong”, ông Huynh nói.

Cùng với sự giúp đỡ của người dân địa phương, bộ đội ta dần thọc sâu vào bên trong để đánh thắng kẻ thù, bảo vệ quê hương.

Không đi biển xa, ông sắm thuyền thúng đi bắt tôm cá gần bờ
Không đi biển xa, ông sắm thuyền thúng đi bắt tôm cá gần bờ

Khi đất nước hòa bình, ông Huynh quay trở lại với nghề biển của cha ông để sinh sống. Ông lập gia đình và lao vào cuộc mưu sinh với nhiều khó khăn, thử thách.

Cụt chân vẫn quyết bám biển mưu sinh

Sau thời gian dài phải chống nạng để đi lại, ông Huynh có được chiếc chân giả. Tuy nhiên, ông phải chịu đựng sự đau đớn để tập làm quen với nghề.

“Ban đầu tui đi lại khá vất vả, nhưng sau dần cũng quen. Trở lại với nghề, nhiều người bày tỏ ái ngại vì phận tật nguyền như tui làm sao có thể đi biển được. Nhưng tui vẫn cố gắng, khi lao động tui đứng bên thuyền, tựa vào thuyền để kéo lưới, khi thì ngồi xống làm việc. Làm riết rồi tui cũng thích nghi được thôi”.

Chiếc thuyền thúng nhỏ đã mang đến thu nhập nuôi sống gia đình ông
Chiếc thuyền thúng nhỏ đã mang đến thu nhập nuôi sống gia đình ông

Ông Huynh tháo dây neo để chuẩn bị đi bắt cá
Ông Huynh tháo dây neo để chuẩn bị đi bắt cá

Khi đã có gia đình riêng và sinh con, ông nhận thấy mình càng có trách nhiệm hơn để nuôi sống gia đình. Ông không ngại khó khăn, vất vả để lao động miệt mài.

Ông Huynh nói rằng: “Hồi trước thường đi biển xa, có chuyến đi kéo dài hơn chục ngày. Sau này thì đi gần hơn, chừng ngang đảo Cồn Cỏ trở vào”.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông Huynh là lần đi biển nhưng gặp giông tố nổi lên bất ngờ, khiến thuyền đánh cá bị sóng xô lên rồi lao xuống. Ông tưởng rằng mình sẽ chết trong đợt ấy nhưng rồi cũng may mắn trở về bờ an toàn.

Mỗi ngày ông thường dong thuyền đi dọc sông Hiếu để bắt cá, tôm
Mỗi ngày ông thường dong thuyền đi dọc sông Hiếu để bắt cá, tôm

Mấy năm trở lại đây, do sức khỏe ngày càng yếu nên ông Huynh ít đi biển. Chỉ khi nào nhớ nghề ông lại theo người ta đi làm chừng 20 ngày rồi nghỉ trên bờ. Lúc khỏe ông lại dong thuyền thúng đi dọc sông Hiếu bắt cá bắt tôm, lúc thì đi ghe nhỏ ra biển chừng 3 hải lý trở vào.

Cuộc sống của gia đình ông chủ yếu dựa vào sông nước, thu nhập mỗi ngày chừng 100 - 120 ngàn đồng. Khi yếu, vợ chồng ông lại nhờ sự giúp đỡ của các con. Tuy vậy, năm nay đã 64 tuổi nhưng ông vẫn đi biển thường xuyên.

Ông lo lắng sau này các con ông không mặn mà với biển, không còn ai bám nghiệp
Ông lo lắng sau này các con ông không mặn mà với biển, không còn ai bám nghiệp

Trải qua hơn 50 năm làm nghề biển, ông đã quen thuộc mọi luồng lạch trên biển. Người cha của ông là Nguyễn Văn Quýnh, năm nay đã 82 tuổi, vốn xuất thân từ biển nên dù tuổi cao nhưng vẫn tráng kiện. Ông Huynh có đến 6 người con nhưng không có ai theo ông làm nghề như ông và cha mình. Đó cũng là trăn trở đối với ông, sợ sau này cha con ông nằm xuống sẽ không ai bám nghiệp.

Giữa trời nắng, ông vẫn ra biển đi đánh cá bằng chiếc thuyền thúng nhỏ. Bước đi trên rặng cát mênh mông, dáng ông Huynh “cụt” bỗng trở nên nhỏ nhắn, phiêu diêu. Ông Huynh nói rằng, không làm nghề ông thấy buồn chân, buồn tay lắm.

Đăng Đức