1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những điều TPHCM chưa làm được dù có cơ chế, chính sách đặc thù

Q.Huy

(Dân trí) - Sau một năm thực hiện Nghị quyết 98, nhiều nội dung đã có cơ chế, chính sách đặc thù nhưng TPHCM chưa thể thực hiện là xác định nhà đầu tư chiến lược, sử dụng ngân sách để hỗ trợ địa phương khác.

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM chiều 7/11, ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng phòng Tổng hợp Quy hoạch Sở Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) TPHCM, đã thông tin về những vướng mắc, khó khăn phát sinh sau một năm thực hiện Nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Các vấn đề này đã được nhận diện và địa phương đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung.

"Nghị quyết 98 được ban hành trong giai đoạn TPHCM có nhiều thay đổi lớn... Nghị quyết đưa ra nhiều cơ chế, chính sách đột phá, hỗ trợ TPHCM tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng cường kết nối với các địa phương xung quanh với 44 cơ chế, chính sách đặc thù. Đến nay, 29 cơ chế, chính sách đã được thành phố áp dụng", đại diện Sở KHĐT cho hay.

Những điều TPHCM chưa làm được dù có cơ chế, chính sách đặc thù - 1

Ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng phòng Tổng hợp Quy hoạch Sở Kế hoạch Đầu tư, thông tin về việc thực hiện Nghị quyết 98 tại buổi họp báo (Ảnh: Q.H.).

Những kết quả khả quan mà Nghị quyết 98 mang lại là việc thành phố được đề xuất các vị trí áp dụng mô hình TOD (phát triển đô thị theo trục giao thông), thúc đẩy các dự án PPP (đối tác công tư) trong lĩnh vực y tế - giáo dục, thực hiện dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đối với các tuyến đường hiện hữu. Nhiều cơ chế khác trong Nghị quyết 98 cũng gỡ vướng cho lĩnh vực đầu tư công, đầu tư tư nhân, đối tác công tư.

Ông Phạm Tuấn Anh làm rõ thêm, sau một năm đi vào thực tế, TPHCM đã ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đầu tiên là liên quan đến nội dung xác định nhà đầu tư chiến lược để hưởng mức ưu đãi, hình thức ưu đãi, tham gia đầu tư theo các quy định, thủ tục đơn giản hơn so với quy định hiện hành.

Theo Nghị quyết 98, nhà đầu tư chiến lược phải cam kết giải ngân toàn bộ tổng vốn đầu tư trong vòng 5 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy phép đầu tư. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ đầu tư tham gia dự án lớn.

"Ví dụ như Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có số vốn rất lớn. Ngoài đầu tư xây dựng, cảng cần điều chuyển nguồn hàng về theo công suất thiết kế nên cần nhiều thời gian. Vừa qua, Bộ Kế hoạch Đầu tư khi thẩm định dự án đã báo cáo với Thủ tướng khó khăn này, việc giải ngân hết tổng vốn trong 5 năm là rất khó và làm giảm tính khả thi của dự án", ông Phạm Tuấn Anh phân tích.

Những điều TPHCM chưa làm được dù có cơ chế, chính sách đặc thù - 2

Dự án Cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ vẫn vướng nội dung về xác định nhà đầu tư chiến lược (Ảnh: P.N.).

Một vấn đề khác là Nghị quyết 98 cho phép sử dụng ngân sách của TPHCM để hỗ trợ các địa phương khác đối với dự án liên vùng, các dự án mang tính kết nối. Ví dụ như dự án vành đai 3, vành đai 4 và một số tuyến đường cao tốc.

TPHCM có thể hỗ trợ một phần ngân sách để thực hiện các hạng mục trong dự án đường vành đai. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục về việc các địa phương khác tiếp nhận, phê duyệt nguồn vốn này còn chưa có hướng dẫn cụ thể.

"Nội dung này còn gây lúng túng cho TPHCM và các địa phương khi triển khai. UBND thành phố đã kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND kiến nghị Quốc hội cập nhật, bổ sung nội dung này vào Luật Đầu tư công, hoặc sửa đổi, bổ sung, làm rõ thêm trong Nghị quyết 98", đại diện Sở KHĐT TPHCM chia sẻ.

Một vướng mắc khác được ông Phạm Tuấn Anh trình bày là Nghị quyết 98 cho phép thực hiện các dự án PPP tại địa bàn TP Thủ Đức. Thực tế, TP Thủ Đức đã được phân cấp, phân quyền giải quyết thủ tục cho các dự án, tuy nhiên, trình tự các bước thực hiện vẫn chưa được làm rõ và cần bổ sung.