Những điểm sáng của nước chủ nhà khi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

(Dân trí) - Chuẩn bị hạ tầng mạng về viễn thông và CNTT hoàn hảo, đảm bảo tốt an ninh mạng, đồ ăn miễn phí ngon, hiếu khách… là những điểm sáng nổi bật của nước chủ nhà Việt Nam.

Bất ngờ của phóng viên quốc tế

Michael là phóng viên kênh truyền hình MSNBC đến từ Mỹ, có mặt tại Trung tâm báo chí của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều từ ngày 24/2/2019. Kể từ khi đến đây, Michael luôn quay cuồng với công việc từ đưa tin trực tiếp, livestream. Rất may tín hiệu truyền hình về nước đều được thực hiện nhanh gọn và Michael chưa gặp bất cứ sự cố nào xảy ra về đường truyền khi tác nghiệp.

Cũng là phóng viên truyền hình tác nghiệp tại Trung tâm báo chí, Philippe kênh truyền hình Euronews đến từ Pháp cho biết, việc gửi tín hiệu qua mạng về đài truyền hình tại Pháp rất nhanh chóng, tiện lợi. Tại đây, cô được các nhân viên kỹ thuật của Việt Nam (đến từ Viettel - PV) rất nhiệt tình giúp đỡ. “Họ luôn túc trực ở đây và khi gọi là có mặt ngay lập tức”, Philippe nói.

52842283_2375149175836878_156374390538240000_o.jpg

Tại trung tâm báo chí, đường truyền Internet luôn đảm bảo tốc độ cao, phục vụ tốt cho việc truyền hình trực tiếp, livestream…

Đồng nghiệp của Philippe đến từ Cơ quan Phát thanh truyền hình quốc gia, anh Ivan Bayagau cho biết, công tác đảm bảo an ninh tại Trung tâm báo chí quốc tế rất tốt và cảm thấy thực sự được an toàn khi tác nghiệp.

Tại phòng báo chí của Hàn Quốc – khu vực được thuê riêng với nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng CNTT và viễn thông là Viettel, không khí làm việc luôn nóng hừng hực. Đáp ứng nhu cầu cho hàng trăm phóng viên tác nghiệp nhưng chất lượng mạng và đường truyền ở đây luôn đảm bảo mức cao, phục vụ rất tốt cho tác nghiệp truyền hình trực tiếp. Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, Viettel là đơn vị tài trợ chính về đường truyền và CNTT tại các khu vực làm việc chung trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.

Trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, 96% các hãng thông tấn quốc tế đều thuê dịch vụ đường truyền tốc độ cao của Viettel ở khu vực riêng, để đảm bảo chất lượng tuyệt đối cho các nghiệp vụ như truyền hình trực tiếp.

Tác nghiệp tại đây, Kristin Brown, FoxNews chia sẻ: “Một trong những trở ngại lớn nhất khi công tác tại nước ngoài là việc đồng bộ các thiết bị đầu cuối. Khi đến Việt Nam, tôi cũng đã chuẩn bị trước một thiết bị chuyển đổi cổng Internet. Tuy nhiên khi kết nối, thiết bị không hoạt động khiến tôi rất lo lắng. May mắn thay, tôi ngay lập tức được đội ngũ kỹ thuật Viettel hỗ trợ một thiết bị khác để đảm bảo việc truy cập mạng”.

Còn chị Valentina Shvartsman, phóng viên của tờ Sputnik của Nga, đã phải thốt lên rằng công tác chuẩn bị của Việt Nam tại Trung tâm Báo chí Quốc tế (INC) là vô cùng tuyệt vời. Đồ ăn rất ngon lại còn miễn phí, phương tiện đi lại cũng được ban tổ chức bố trí hay cơ sở hạ tầng về CNTT phục vụ tác nghiệp rất hoàn hảo là điều mà Shvartsman không nghĩ tới khi đến Việt Nam đưa tin vài ngày trước. Trong một không gian hẹp, tập trung hàng nghìn người cùng sử dụng nhưng đường truyền Internet vẫn đạt tốc độ cao, phục vụ tốt cho tác nghiệp của phóng viên.

phongvien-1 1.jpg

Chị Valentina Shvartsman, phóng viên của tờ Sputnik của Nga: “Công tác phục vụ hội nghị thượng định Mỹ - Triều của Việt Nam rất tuyệt vời!”.

 

Chuyện hậu trường của người làm hậu cần

Thực tế, để có thể có được hạ tầng tốt nhất cho Trung tâm báo chí, phía Việt Nam đã phải nỗ lực rất lớn. Với Viettel – đơn vị chịu trách nhiệm tài trợ chính về đường truyền và CNTT cho hội nghị, ngoài việc sử dụng thiết bị hiện đại nhất, các hệ thống được đảm bảo khả năng dự phòng mức cao nhất, gấp 3 lần so với việc cung cấp dịch vụ thông thường.

Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ thuật đông đảo của Viettel luôn túc trực để xử lý 24/24 bất cứ kỳ sự cố nào có thể xảy ra. Đây chính là lý do các phóng viên khen ngợi về “hạ tầng mạng tuyệt vời” của Việt Nam trong thời gian diễn ra hội nghị.

Trước đó, trong họp báo trước sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã lưu ý về việc phải đảm bảo đường truyền mạng thông suốt, đủ điều kiện tác nghiệp tốt cho phóng viên và không nghẽn mạng ngay cả khi gần 4.000 người cùng hoạt động một lúc.

Chia sẻ về công tác đảm bảo an ninh mạng, ông Nguyễn Thanh Nam – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel (đơn vị được giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn an ninh mạng cho hội nghị) cho biết: “Chúng tôi đã thiết lập 3 tầng bảo vệ để đảm bảo an toàn thông tin mạng. Bên cạnh đó, để đảm bảo tốt nhất về an toàn, Công ty an ninh mạng Viettel đã cử 20 chuyên gia giỏi nhất về An ninh mạng trực giám sát 24/24 và xử lý sự cố tại chỗ.

52818247_2375149092503553_5579994963770343424_o.jpg

Các chuyên viên kỹ thuật của Viettel luôn túc trực 24/24 tại hội nghị để xử lý bất kỳ yêu cầu nào của các vị khách trong và ngoài nước trong Trung tâm báo chí.

Bên cạnh đó Viettel đã phối hợp với Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin Truyền thông) thực hiện 20 cuộc diễn tập với 30 kịch bản tấn công mạng. Với các tình huống, Viettel có kế hoạch xử lý trong 1-2 phút với sự cố đơn giản và tối đa 10 phút với sự cố phức tạp”.

Nhận xét về công tác chuẩn bị và phục vụ ở Trung tâm báo chí, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Tôi gặp nhiều bạn phóng viên nước ngoài và phóng viên Việt Nam, chưa ai phàn nàn gì về hạ tầng kỹ thuật cũng như điều kiện tác nghiệp và tiện ích. Đó chính là thành quả của sự lao động hết mình, nỗ lực phi thường của cán bộ, nhân viên, người lao động của các đơn vị tham gia”.

Đại diện của Bộ Ngoại giao bổ sung thêm: “Tất cả đã tập trung ý chí, quyết tâm và sức lực để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, đảm bảo vận hành trơn tru của Trung tâm Báo chí”.

Nguyễn Duy