Thanh Hóa:
Những dấu hiệu bất thường từ việc phá rừng?
(Dân trí) - Hàng chục cây gỗ lớn có đường kính lên đến hơn 50cm, dài hàng chục mét đã bị đốn hạ nằm ngổn ngang trong rừng tại một số khu vực trên địa bàn huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Qua kiểm tra, ngành chức năng huyện Thường Xuân cho rằng, có những dấu hiệu bất thường từ việc chặt hạ gỗ trái phép.
Theo thông tin phản ánh, thời gian qua, tại một số cánh rừng thuộc xã Xuân Chinh và Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) xảy ra tình trạng chặt hạ gỗ rừng trái phép.
Phóng viên đã tiến hành quan sát, ghi nhận thực tế tại một số khu vực rừng thuộc các địa phương nêu trên. Điểm đầu tiên chúng tôi ghi nhận là tại khu vực rừng thuộc địa bàn xã Xuân Chinh. Tại đây, rải rác trong rừng có những cây gỗ đã bị đốn hạ trong khoảng thời gian đầu tháng 5/2017.
Nhiều cây gỗ đã bị đốn hạ xuống vẫn còn nằm nguyên tại rừng, còn một số cây đã được xẻ thành hộp và vận chuyển ra khỏi rừng.
Cạnh xã Xuân Chinh là rừng thuộc địa bàn xã Xuân Lẹ, tại đây cũng xuất hiện tình trạng nhiều cây gỗ đã bị khai thác. Chỉ mất khoảng 15 phút đồng hồ đi bộ từ chân núi lên đến nơi khai thác đã có hàng chục cây gỗ mới bị đốn hạ, những lớp nhựa còn chảy dài dưới gốc cây. Trong đó, có cây khoảng 200 vanh, chiều dài lên đến hơn 20m nằm chỏng chơ giữa rừng già. Hầu hết gỗ bị chặt hạ còn nằm lại trong rừng chưa kịp vận chuyển ra.
Đi trong rừng, không khó để có thể quan sát một rãnh sâu được cho là đường kéo gỗ tạo thành. Theo người dân địa phương thì điều này chứng tỏ việc chặt phá rừng diễn ra đã từ lâu.
Theo thông tin từ lực lượng kiểm lâm huyện Thường Xuân cũng như từ người dân thì khoảng đầu tháng 5/2017, có 6 đối tượng đi trên 2 chiếc xe gắn máy đem theo cưa xăng vào khu vực rừng thuộc thôn Xuân Sơn, xã Xuân Lẹ. Sau đó, lực lượng kiểm lâm đã kiểm tra và phát hiện 11 cây táu muối bị chặt hạ.
Theo báo cáo sơ bộ của Hạt kiểm lâm Thường Xuân, tại xã Xuân Lẹ có 11 cây táu muối bị chặt hạ với khối lượng ước tính 12m3 gỗ; tại xã Xuân Chinh có 7 cây, chủ yếu là cây gỗ ràng ràng, với khối lượng ước tính 6,4m3 gỗ. Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân khẳng định đây đều là loại gỗ nhóm 6, giá trị kinh tế không lớn.
Cũng theo Hạt Kiểm lâm Thường Xuân thì khu vực bị khai thác trái phép đều thuộc loại rừng sản xuất, khoanh nuôi, bảo vệ tái sinh và phòng hộ. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng huyện Thường Xuân điều tra, làm rõ.
Về phía Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, sau khi nắm bắt được thông tin về việc xảy ra tình trạng phá rừng trái phép, đơn vị này cũng đã có công văn hỏa tốc đề nghị UBND huyện Thường Xuân, Hạt Kiểm lâm kiểm tra, làm rõ.
Ông Phạm Thăng Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân cho biết: "Về nguyên tắc, khai thác lấy lâm sản phải cho gỗ đổ theo đường đồng mức, để thuận lợi cho việc xẻ gỗ và vận chuyển. Nhưng 6 cây này đều có hướng đổ về phía vực, mà vực này có độ dốc khoảng 45 độ, nên việc lấy lâm sản khó khăn và không có tính khả thi. Thứ hai là cây gỗ bị cắt không kể là lành lặn hay sâu mục, trong số 6 cây thì có đến 3 cây bị sâu mục. Trong khi bên cạnh có những cây có đường kính 1m, hoặc 80 phân rất thẳng rất đẹp nhưng đối tượng không cắt. Chúng tôi nhận định việc cắt không nhằm mục đích lấy lâm sản mà để phá hoại trật tự an ninh".
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Phạm Thăng Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thường Xuân cho biết, đã nắm bắt được thông tin phản ánh và đã cho cán bộ rà soát lại toàn bộ khu vực của hai xã, yêu cầu chủ tịch 2 xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ, kiểm tra, rà soát và báo cáo.
Đồng thời, yêu cầu kiểm lâm viên địa bàn và trạm kiểm lâm phối hợp cùng chính quyền địa phương tiếp tục mở rộng kiểm tra những khu chưa kiểm tra tới.
Được biết, trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn hai xã Xuân Chinh và Xuân Lẹ đã phát hiện và xử lý 75 vụ vi phạm hành chính (trong đó xâm lấn rừng 17 vụ, khai thác 3 vụ, vận chuyển 20 vụ, hành vi khác 5 vụ, vô chủ 30 vụ), thu nộp ngân sách 504 triệu đồng; tịch thu 66 m3 gỗ tròn, 47 m3 gỗ xẻ, 200ste củi, 2 xe máy và 2 cưa xăng...
Đường vận chuyển gỗ trong rừng.
Duy Tuyên