1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những “chợ tình dã chiến”

Chúng tôi đang thắc mắc không hiểu người ta uống cà phê như thế nào thì có tiếng cười rù rì từ chòi bên cạnh. Chốc chốc có lời phản ứng yếu ớt từ cô gái: “đừng anh!”. Lát sau, tiếng rù rì im bặt, những lời phản ứng cũng im bặt, thay vào đó là những âm thanh khó tả...

Báo cáo của cơ quan chức năng ngày càng đưa ra những con số kinh hoàng từ nạo phá thai. Các nghiên cứu xã hội học cũng không ngừng báo động về thực trạng quan hệ tình dục sớm, mang thai, nạo, phá thai ngoài ý muốn trong thanh thiếu niên để lại những hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho bản thân người trong cuộc mà cho cả gia đình họ và xã hội.

 

Tuy nhiên, ở “bên ngoài” tình hình dường như vẫn “chẳng có gì đáng ầm ĩ”. Những cạm bẫy ngọt ngào vẫn đang mời chào vẫy gọi và giới trẻ cứ “vô tình” dấn sâu vào.

 

Khu “chuồng tình ái”

 

Yêu, dắt nhau ra công viên tâm tình. “Xưa rồi Diễm!”. Sài Gòn đắt đỏ nhưng cũng không thiếu những bãi đáp cho các cặp tình nhân với giá bèo. Theo “chỉ dẫn” của một nhóm thanh niên, tối thứ bảy, chúng tôi tìm đến các quán cà phê trên đường Lê Đức Thọ, P.17, Q.Gò Vấp - loại quán mà dân đi chơi đặt cho cái tên là cà phê “ọt ẹt”.

 

Quán nằm khuất trong một con hẻm. Ngoài cái biển to đùng: cà phê sân vườn Sakê đặt phía trước thì không có dấu hiệu nào nhận biết đây là một quán cà phê. Không mặt tiền, không bàn ghế và không đèn! Vừa trờ tới cổng, một thanh niên đưa tay ngoắc rồi kéo chúng tôi vào. Chẳng thấy khách đâu mà chỉ thấy hơn 30 chiếc xe máy đủ loại xếp hàng dài phía trước.

 

Khi chúng tôi vừa bước xuống xe, không cần hỏi, một cô gái cầm đèn pin bước tới: “Đi theo em!”. Nói rồi cô soi đèn dẫn khách quanh co trên lối đi chỉ rộng khoảng nửa mét, hai bên cây um tùm. Qua ánh sáng nhờ nhờ, chúng tôi nhận thấy những căn chòi nhỏ thum thum dựng sát nhau. Hết mấy khúc quanh, cô gái mới chịu dắt chúng tôi vào “lâu đài tình ái”.

 

“Lâu đài” được dựng bằng phên tre và giấy cactông. Trong diện tích chừng 4m2 ấy có một ghế salon đôi đã xẹp lép nệm, nửa cái quạt máy cọc cạch (nửa còn lại dùng cho “lâu đài” chung vách), một cái ghế để nước và một cái ghế để treo... quần áo. Cô chủ quán bê vào hai chai nước suối, hai cái khăn lạnh. Tất cả không gian và nước uống ấy giá 22.000 đồng. Chúng tôi đùa với nhau: “Quá rẻ cho một đêm dài... bất tận”. Ánh sáng duy nhất được khuyến mãi ở đây là cái đầu đo đỏ của khoanh nhang muỗi.

 

Chúng tôi đang thắc mắc không hiểu người ta uống cà phê như thế nào thì có tiếng cười rù rì từ chòi bên cạnh, chỉ cách nhau có tấm phên tre. Hai bạn trẻ ấy cứ cười khúc khích, chốc chốc có lời phản ứng yếu ớt từ cô gái “đừng anh”. Lát sau, tiếng rù rì im bặt, những lời phản ứng cũng im bặt, thay vào đó là những âm thanh khó tả...

 

Lui tới Sakê, chúng tôi đếm được ở đây có khoảng 50 chòi để phục vụ khách, được quy hoạch thành nhiều lô có mô hình giống như các khu dân cư mới, giữa các lô là lối đi. Kế bên Sakê là quán Tre Vàng cũng ngần ấy chòi nhưng xây dựng tạm bợ hơn. Hằng ngày, nhất là thứ bảy, chủ nhật, khách ra vào đây nườm nượp.

 

T. - một thanh niên thuê nhà trọ gần đó - phân tích “với mức thu nhập của công nhân như tụi tôi thì các quán cà phê như vậy thật quá lý tưởng để hò hẹn trai gái”. “Lý tưởng” thật, nhưng chính T. đã phải hai lần đưa hai người con gái khác nhau đi “điều hòa”.

  

Dù bộ phim sex học trò cà phê Thanh Đa đã gây xôn xao dư luận cách đây vài tháng nhưng các quán cà phê không đèn nơi đây vẫn hoạt động bình thường. Ghé một quán trên đường Bình Quới, Q. Bình Thạnh, chúng tôi cũng được dắt vào căn phòng tối thui. Không cần riêng tư cũng chẳng cần ngăn bằng tôn lạnh, ván ép, phòng này chỉ có hơn chục salon đôi kê song song. Tuy không đèn nhưng thỉnh thoảng nhờ màn hình điện thoại di động, chúng tôi cũng dễ dàng nhìn thấy những đôi nam nữ ngồi bên cạnh làm những chuyện... “phòng the”.

 

Nhà trọ... giờ tan học

 

Để sang trọng, thoải mái hơn chút, khách có thể vào hàng loạt nhà trọ, nhà nghỉ mini đang trương bảng gọi mời. Chúng tôi thử đi đặt phòng một số nhà trọ trên đường Nguyễn Cửu Vân (Q.Bình Thạnh), đường Hoàng Sa (Q.1).

 

Khi được biết chúng tôi đặt phòng cho một người ở, các cô lễ tân lắc đầu nguầy nguậy: “Hết phòng rồi!”, trong khi sau đó nhiều cặp chở nhau phóng ào vào thì vẫn còn chỗ! Tiền phòng ở đây cũng chia nhiều loại “thuê giờ” hoặc “qua đêm” với giá 80.000 đồng/giờ hoặc 250.000 đồng/đêm.

 

Không gần trung tâm, không gần địa điểm du lịch cũng không gần bến xe nhưng khách sạn, nhà nghỉ mọc lên như nấm ở khu rìa thành phố. Chỉ dọc mặt tiền 20 căn trên một đoạn đường Nguyễn Oanh, P.17, Gò Vấp (gần cầu An Lộc) đã có đến 10 nhà kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn.

 

Trưa 10/9, trong vai một cặp tình nhân đi thuê “không gian riêng tư”, chúng tôi được chủ khách sạn H cho biết: “Phòng lạnh giá giờ đầu là 50.000 đồng, phòng quạt 40.000 đồng, giờ tiếp theo tính 10.000 đồng”. Không cần hỏi han, cũng chẳng cần trình thêm thứ giấy tờ nào ngoài bằng lái xe của đồng nghiệp, chúng tôi được dắt lên nhận phòng. Xe máy của chúng tôi được nhân viên đưa vào trong xếp cẩn thận. Những xe nào để ngoài thì được anh giữ xe “chu đáo” quay biển số vào trong nhà.

 

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết khách nữ bước vào chốn này đều đội nón chụp, mang khẩu trang kín mặt và đeo mắt kính đen. Dường như giờ nào trong ngày khu nhà trọ này cũng đông khách, nhưng cao điểm nhất có lẽ là giờ ngủ trưa, giờ tan học và khoảng 8-10 giờ tối...

 

Mang mền... đi chơi

 

Một chiều cuối tuần không mưa, mấy cô bạn công nhân rủ rê đi... giao lưu. Điểm hẹn là công viên lớn rất đẹp trong khuôn viên đang được qui hoạch làm khu hành chính tương lai của thị trấn Dĩ An, Bình Dương, cạnh khu nhà trọ xóm Vắng, xóm Nghèo đông đúc nhất KCN này.

 

Mới 6h chiều mà công viên đã đông nghẹt. Gần đài phun nước, nhiều tốp thanh niên nam nữ đứng ngồi lố nhố, chọc ghẹo nhau í ới. Xa hơn là chỗ chỉ dành cho tình nhân, từng cặp nam nữ ngồi tâm sự, xe đạp dựng kế bên. Nhiều cặp hẹn trước, vừa tan ca là đạp xe thẳng ra đây, trên áo còn đeo cả bảng tên.

 

Chỉ tay ra phía xa nơi những bãi đất trống cỏ mọc quá đầu người hay dọc bức tường rào ngăn lô, Xuân Hoàng - công nhân Công ty Chutex - cho biết: “Có cặp còn mang theo sẵn cái... mền để lỡ có quên thì ngủ lại luôn”.

 

Chuyện “tới luôn sáng mai về sớm” chưa “xinhê” so với nạn “góp gạo nấu cơm chung” trong công nhân. Qui định duy nhất với công nhân ở đây là phải đăng ký tạm trú, còn chuyện sống với ai, số lượng bao nhiêu thì có vẻ... vô tư. Chỉ tính ba địa phương nằm kề Khu công nghiệp Sóng Thần là phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức (TPHCM), thị trấn Dĩ An, xã An Bình, huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đã có gần 30.000 phòng với hơn 70.000 người đến thuê ở.

 

Khi hỏi nữ công nhân về chuyện “sống chung”, chúng tôi bất ngờ nhận được khá nhiều câu trả lời: “công nhân xa nhà mà... nếu thấy thật sự yêu thì về ở chung rồi từ từ tính tiếp”.

 

Hôm chuẩn bị rời khu nhà trọ, chúng tôi gặp một đôi tình nhân đang di chuyển “tổ ấm” từ KCX Linh Trung sang đây để “ít gặp người quen, sống thoải mái hơn”. Con số hơn 300 ca nạo phá thai mỗi tháng (tháng cao điểm lên đến 500 ca) trong khu vực KCX-KCN Sóng Thần, Linh Trung, Linh Xuân phần nào nói lên được tình hình hỗn loạn này.

 

Theo Lê Anh Đủ - Yến Trinh – Thi Ngôn
Tuổi trẻ