1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những chiếc máy bay dị thường của Vietnam Airlines

Trong công văn gửi Thủ tướng ngày 8/3/2002, kết luận về việc Vietnam Airlines đã mua 4 chiếc máy bay Boeing 777, Cục Hàng không dân dụng VN đánh giá: Vietnam Airlines đã đưa về một loại máy bay không giống bất cứ máy bay nào trên thế giới...

Theo người phát ngôn Vietnam Airlines, khi lập dự án mua máy bay Boeing, đơn vị này đã chọn loại B777- 200ER để bay tầm xa. Khi mua động cơ cho bốn máy bay này, Vietnam Airlines đã mở thầu cho các hãng cung cấp động cơ máy bay lớn nhất thế giới tham gia như Pratt - Whitney (PW), General Electric (GE)...

Và cuối cùng, Vietnam Airlines đã chọn động cơ PW - loại dành cho máy bay tầm trung. Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (HKDDVN) đã kết luận trong công văn 289/CHK-KHĐT ngày 8/3/2002 rằng: trên thế giới chưa có một hãng hàng không nào lắp động cơ này cho Boeing 777 để khai thác bay tầm trung và tầm xa.

Sự “ngưỡng mộ” khó hiểu

Vietnam Airlines đã cất công “sưu tầm” những thông tin có lợi cho mục đích mua động cơ PW để trình cấp trên. Đó là thị phần động cơ máy bay của PW rất lớn trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất của thông tin lại không được truyền tải: thị phần cho máy bay tầm trung hay tầm xa (đòi hỏi của VN)?

Vì quá “ngưỡng mộ” động cơ của PW, theo Cục HKDDVN, Vietnam Airlines đã để lộ một mâu thuẫn về số liệu đánh giá thị phần sản phẩm trên với số liệu của tổ đàm phán (mua động cơ). Cụ thể, tờ trình số 78/TCTHK của Vietnam Airlines về đánh giá thị phần PW là 71,2%, nhưng tổ đàm phán lại xếp RR (Roll Royce) lên đầu (45,1%) còn PW đứng cuối bảng (21,3%).

Tương tự như vậy, Cục HKDDVN còn nêu: ba nhà chế tạo động cơ máy bay dân dụng hàng đầu thế giới là RR, GE và PW đều đã đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất của Mỹ, châu Âu về chỉ số IFSD (tiêu chí về độ tin cậy). Trong khi đó, trong công văn báo cáo Chính phủ (nhằm thuyết phục sự phê duyệt việc mua động cơ của PW), Vietnam Airlines đã ghi: chỉ số IFSD của PW là cao nhất!

Công văn trên của Cục HKDDVN còn cho biết mã số (phản ánh tiêu chuẩn chất lượng) bốn máy bay nói trên của VN là độc nhất vô nhị: PW 4084 D và chiếm 0% thị phần. Giới chuyên môn phân tích: thông thường các động cơ loại này của PW chỉ có mã số 4084.

Có ý kiến giải thích chuyện này là Vietnam Airlines đã làm việc với đối tác để cho ra đời một loại động cơ dành riêng cho máy bay VN: vỏ Boeing tầm xa nhưng động cơ tầm trung! Và chỉ có loại máy bay rất... VN này thì mới có mã số cũng... “rất VN”.

Kinh doanh không cần... hiệu quả?

Cục HKDDVN cho rằng giá chào hàng lần cuối của Hãng RR gửi đến Vietnam Airlines thấp hơn giá chào hàng của PW. Nhưng Vietnam Airlines đã không lựa chọn RR.

Cụ thể, ngày 14/1/2002, RR đã có thư gửi Chính phủ, Cục HKDDVN và Vietnam Airlines có nêu những “giải trình cho bản chào hàng cuối cùng ngày 31/12/2001” nội dung: giảm giá cho VN nếu mua hàng của RR! Giá này thấp hơn giá thực tế cuối cùng mà VN đã mua động cơ của PW.

Bên cạnh bốn máy bay mua thì VN còn thuê sáu máy bay Boeing 777 khác. Loại mua thì chọn động cơ PW nhưng loại thuê thì chọn động cơ GE. Điều này khiến tăng rất nhiều chi phí khai thác.

Giới quan tâm đến những máy bay thuê này còn cho biết: nhiều máy bay thuê về đã có hiện tượng thua lỗ. Chiếc thứ nhất nhãn hiệu VNA 147 nhận tháng 8/2005 là Boeing 777 lắp động cơ GE. Máy bay này đã khai thác tám năm, cuối năm 2006 phải đại tu, giá thuê 900.000 USD/tháng. Hiện khí tài thiếu nên không thể khai thác thường xuyên. Mỗi ngày nó “nằm nghỉ” là mất 30.000 USD. Chiếc thứ hai nhận tháng 7/2005, giá thuê 500.000 USD/tháng và hiện hỏng máy phát, cũng khi bay khi “đậu”...

Một sự vô lý đến khó hiểu hiện nay là giá Vietnam Airlines thuê máy bay được tính theo phép lũy tiến tăng dần. Tức là càng thuê lâu thì giá càng cao và mỗi tháng tăng dần. Tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 6/6/2006, ông Nguyễn Tấn Chấn, người phát ngôn của Vietnam Airlines, đã từ chối câu giải thích hiện tượng này vì... không đủ thẩm quyền.

Theo Quang Thiện - N.V.Hải
Báo Tuổi trẻ

Dòng sự kiện: Thanh tra Vietnam Airlines