1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những câu hỏi làm “căng” phiên chất vấn

(Dân trí) - Phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày, mỗi thành viên Chính phủ đăng đàn một buổi làm việc để trả lời chất vấn. Vấn đề bảo vệ biển đảo, ngư dân, kiểm soát quà biếu, chạy chức, quản lý tập đoàn kinh tế… hứa hẹn sẽ hâm nóng nghị trường từ hôm nay.

230 câu hỏi đã được các đại biểu gửi đến 25 thành viên Chính phủ cùng người đứng đầu ngành Tòa án, Viện kiểm sát. 4 Bộ trưởng, trưởng ngành “đối mặt” với phiên chất vấn gồm: Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng TT-TT Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người nhận được nhiều chất vấn nhất (35 đại biểu hỏi) và được bố trí báo cáo, trả lời “chốt” phiên.
 
Những câu hỏi làm “căng” phiên chất vấn - 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi ngoài lề phiên họp với nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười.

Đại biểu Lê Thành Tâm (TPHCM) đi thẳng vào vấn đề nóng về tình hình biển Đông. Thời gian gần đây, khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong phạm vi ngư trường thuộc lãnh hải Việt Nam nhưng quân đội Trung Quốc thường xuyên ngăn chặn, cấm đoán, thậm chí bắt người, tịch thu nhiều tàu thuyền, ngư cụ, ra giá phạt chuộc gây nhiều khó khăn cho bà con ngư dân.

Ông Tâm kiến nghị Chính phủ có những biện pháp kiên quyết để bảo vệ sinh mạng, tài sản và nguồn sống của bà con ngư dân.

Về đường lưỡi bò của Trung Quốc “khoanh” cả lãnh thổ Việt Nam, đại biểu tỏ ý băn khoăn với thủ tướng liên quan đến việc cắm mốc trên biển, khả năng bảo vệ chủ quyền của nước nhà.

Đại biểu Vũ Duy Hòa (Thanh Hóa) “tố” các TCty, tập đoàn phát triển bành trướng sang nhiều ngành và lĩnh vực khác, tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Một số tập đoàn, TCty không thực hiện được nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu. Không một cơ quan đầu mối nào chịu trách nhiệm về quản lý vốn, tài sản và đánh giá kết quả hoạt động của các “ông lớn” này.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Giàu nhận được chất vấn về chính sách “ưu đãi” các DNNN, tập đoàn, TCty. Theo đại biểu Nguyễn Lân Dũng, 6 tháng đầu năm 2009, chỉ riêng 4 tập đoàn, TCty nhà nước đã nợ số vốn vay vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng. Đại biểu lo ngại có thể dẫn đến rủi ro lớn.

Liên quan đến các tập đoàn kinh tế lớn thuộc lĩnh vực quản lý của mình, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng sẽ phải giải trình về hoạt động của 2 TCty lương thực. Theo số liệu thống kê, năm 2008, lợi nhuận sau thuế của TCty lương thực miền Bắc là gần 24.000 tỷ đồng, TCty lương thực miền Nam là 20.000 tỷ đồng.
 
Những câu hỏi làm “căng” phiên chất vấn - 2
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đứng thứ hai về số lượng câu hỏi chất vấn nhận được.

“Lợi nhuận này của những người ngồi bàn giấy có được chia sẻ cho bà con nông dân, những người làm ra hạt gạo? Vì sao có lúc nông dân phải bán thóc dưới giá thành?” - đại biểu Nguyễn Lân Dũng nêu một loạt câu hỏi.

Điểm chất vấn “xương”

Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn nhận được câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Dũng về hiện tượng các loại “chạy”: chạy trường cho con em, chạy việc cho sinh viên tốt nghiệp, chạy chức, chạy quyền, chạy án… có liên quan dến cán bộ công chức.

“Tôi cảm thấy khôi hài với con số mà Chính phủ báo cáo trước Quốc hội: trong năm qua có 211 cán bộ nộp lại quà cho cơ quan, tổ chức với giá trị 66,5 triệu đồng. Nếu như vậy thì nước ta thuộc diện quá… trong sạch” - ông Dũng so sánh con số này với số liệu 700 tỷ đồng thiệt hại do tham nhũng phát hiện được mà Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng từng đề cập.

Ông Dũng trông chờ một kế hoạch dài hơi của Bộ Nội vụ để có thể khắc chế các loại “chạy” đi kèm hối lộ tràn lan này.

Phân nửa số chất vấn dành cho Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp là về việc quản lý những mặt trái của thông tin mạng Internet, viễn thông, truyền hình.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) bức xúc về việc thời gian vừa qua, tình hình quảng cáo, khai thác trò chơi, nội dung số bằng tin nhắn điện thoại, tổng đài tự động phát triển phức tạp. Theo ông Tâm, có biểu hiện đánh bạc, lừa đảo, thậm chí những nội dung thông tin thiếu văn hóa, dị đoan…

Lĩnh vực quản lý, điều hành chính sách tiền tệ - ngân hàng, ngoài vấn đề thời sự về tỷ giá VND/USD, rất nhiều đại biểu vẫn quan tâm chất vấn việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 4% để kích thích kinh tế do Ngân hàng nhà nước đảm nhiệm. Quyết định của Chính phủ liên quan đến việc kéo dài gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn này đến hết quý I/2010 cũng nhận được khá nhiều câu hỏi.

P.Thảo
Ảnh: Việt Hưng