1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những câu chuyện xúc động nơi thao trường của sinh viên công an

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Bố mất khi chưa đầy 10 tháng tuổi trong khi làm nhiệm vụ hay mẹ ở nhà đau yếu phải sống bằng tiền trợ cấp là những câu chuyện đầy xúc động của các tân sinh viên công an.

Được đứng trong hàng ngũ Công an nhân dân là niềm mơ ước của rất nhiều bạn trẻ, nhưng để trở thành chiến sĩ công an ngoài trí tuệ các sinh viên còn phải trải qua những năm tháng rèn luyện vô cùng vất vả, gian nan.

Bất kể nắng hay mưa, nóng hay lạnh đúng 5h15 phút các sinh viên đang huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ 1, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K02) bật dậy sau tiếng kẻng để tập thể dục, vệ sinh cá nhân, xếp đặt trật tự nội vụ ở phòng.

Mái nhà chung K02

Những ngày đầu bước chân vào Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ 1, Bùi An Khang (18 tuổi, quê Hải Phòng) cảm thấy mọi thứ như bị đảo lộn, làm gì cũng không đủ thời gian. 

Ở nhà cậu có thể làm theo sở thích nhưng tại trung tâm tất cả mọi thứ phải theo khuôn khổ.

Sau 2 tháng "đội nắng, thắng mưa" cậu sinh viên chậm chạp ngày nào đã trở nên nhanh nhẹn, cơ thể rắn rỏi, luôn hoàn thành các bài tập trong huấn luyện.

Những câu chuyện xúc động nơi thao trường của sinh viên công an - 1

Sau nhiều năm chăm chỉ học tập, đến nay Bùi An Khang đã thỏa ước mơ từ thuở nhỏ là được đứng trong hàng ngũ Công an nhân dân.

"Các thầy, cô nhẹ nhàng chỉ bảo, rất ít khi nặng lời với em. Những ngày đầu mới vào, ngày nào các bạn cùng phòng cũng phải giục em, hôm nào vội quá làm chưa kịp gấp chăn thì sẽ có bạn ngồi gấp, vuốt chăn hộ. Ở đây, thầy, cô giống như cha, mẹ còn bạn bè là anh em", Khang chia sẻ.

Từ ngày còn nhỏ, Khang đã mơ ước được khoác lên mình sắc phục Công an nhân dân và bố chính là người truyền lửa cho cậu suốt những năm tháng qua.

Khi Khang chưa đầy 10 tháng tuổi thì bố là Thiếu tá Bùi Tiến Tường, Phó trưởng Công an phường Hùng Vương (quận Hồng Bàng, Hải Phòng), đã anh dũng hy sinh trong khi truy bắt tội phạm. 

Sau này lớn lên, Khang được nghe đồng đội của bố kể lại, bố là người thẳng thắn, trung thực, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được đồng đội quý mến, nhân dân tin yêu.

Từ những câu chuyện mà đồng đội của bố kể lại, cậu mơ ước khi lớn lên sẽ được đứng trong hàng ngũ CAND.

Cuộc sống thiếu vắng bố, nên mẹ cùng lúc phải gánh hai trọng trách là làm mẹ, làm bố; mặc dù có nhiều khó khăn nhưng mẹ chưa bao giờ để con trai phải thiếu thốn so với chúng bạn. 

Những câu chuyện xúc động nơi thao trường của sinh viên công an - 2

Đối với các học viên tại Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ 1, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K02) thì thầy, cô là bố, mẹ còn bạn bè là anh, em.

"Môi trường ở đây là tập thể chứ không phải cá nhân"

Về nhà dịp Tết nguyên đán 2023, Nguyễn Tùng lâm (22 tuổi, quê Thái Nguyên) sẽ kể cho bố, mẹ, bạn bè về những ngày tháng vất vả nhưng vô cùng vui ở Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ 1.

Từ sáng sớm đến tối muộn, dưới mái nhà chung, Lâm và các đồng đội gần như kín lịch học tập, rèn luyện. 

Vất vả, gian nan nhưng cuối ngày luôn có những tiếng cười của các bạn trong lớp, trong phòng. 

Theo lịch của mùa đông, 5h15 sẽ dậy tập thể dục nhưng Lâm và các bạn thống nhất dậy từ 4h50 để có thể xếp được chăn, màn, quần áo,... một cách tươm tất nhất. 

Đến nay, cậu đã dần thích nghi với việc rèn luyện, học tập và trưởng thành, chín chắn hơn về suy nghĩ. 

Ngày chưa thi đỗ vào trường công an, Lâm suy nghĩ về cá nhân rất nhiều nhưng vào đây cậu hiểu thế nào là sống tập thể, sống vì mọi người. 

Những câu chuyện xúc động nơi thao trường của sinh viên công an - 3

Sau những vất vả, gian nan của rèn luyện là những tiếng cười.

"Nhiều lúc, em cảm thấy rất mệt nhưng để không ảnh hưởng tới đồng đội em phải rất cố gắng, bởi môi trường ở đây là vì tập thể chứ không phải cá nhân.

Trước khi thi đỗ vào ngành công an, em từng đi học một trường đại học. Khi đó, em không nghĩ gì nhiều về gia đình, chỉ khi nào hết tiền mới gọi về cho bố, mẹ. 

Nhưng, khi vào đây em suy nghĩ, thương bố mẹ rất nhiều bởi gia đình thuần nông, để kiếm được đồng tiền rất vất vả", Lâm tâm sự. 

Những câu chuyện xúc động nơi thao trường của sinh viên công an - 4

Nguyễn Khánh Chi (quê Tuyên Quang) lớn tuổi hơn các bạn trong phòng nên luôn là người "chị cả" chăm lo cho các em.

Ngay từ ngày còn nhỏ Bàng Tuấn Anh (quê Bắc Giang, học viên Học viện Chính trị Công an nhân dân) đã thiệt thòi hơn so với chúng bạn cùng trang lứa khi gia đình chỉ có 2 mẹ con, những năm gần đây sức khỏe của mẹ yếu nên cuộc sống bộn bề khó khăn. 

"Sức khỏe của mẹ em yếu do từ nhỏ làm việc nặng và có bệnh ở chân nhưng lại không được phát hiện, chữa trị kịp thời nên một chân đi lại khó khăn.

Mẹ em ở nhà giờ cũng không làm được việc nặng, thời gian qua mẹ sống chắt bóp bằng tiền hỗ trợ của nhà nước và người thân", Tuấn Anh xúc động nói.

Những câu chuyện xúc động nơi thao trường của sinh viên công an - 5

Để thỏa mơ ước đứng trong hàng ngũ Công an nhân dân, Chi không ngừng phấn đấu, học tập nhiều năm liền và trong kỳ thi 2022 đã đỗ vào trường Học viện Cảnh sát.

Suốt những ngày tháng qua, đêm nào Tuấn Anh cũng cầu mong mẹ ở nhà khỏe mạnh, bình an đến khi cậu học xong ra trường để có thời gian chăm sóc, phụng dưỡng.

"Bản thân em trước đó mong muốn mình trở thành nhà giáo, đứng trên bục giảng cầm phấn, nhưng khi xem truyền hình, báo chí thấy hình ảnh những người chiến sĩ Công an nhân dân quên mình vì nước, vì dân em thấy rất thần tượng.

Vì thế, em quyết định nghỉ học ở trường sư phạm rồi đi lính nghĩa vụ và thi vào ngành công an năm 2022", sinh viên Đỗ Văn Linh (22 tuổi, quê Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ về bước ngoặt thay đổi của cuộc đời.

Những câu chuyện xúc động nơi thao trường của sinh viên công an - 6

Đỗ Văn Linh không chỉ học giỏi, hát hay mà còn rất chỉn chu trong nội vụ cũng rèn luyện, học tập.

Trước khi thi đỗ vào ngành công an năm 2022, Linh đã từng theo học tại khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội hơn một năm.

Cậu ví von môi trường sư phạm là chiến sĩ trên mặt trận cầm bút, thi ca, còn công an là chiến sĩ trên mặt trận cầm súng.

Đỗ Văn Linh luôn tâm niệm đã là người chiến sĩ CAND thì có ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để phục vụ đất nước, nhân dân.

Những câu chuyện xúc động nơi thao trường của sinh viên công an - 7

Sau gần 2 tháng luyện tập My đã thích nghi được với môi trường kỷ luật, sức khỏe đáp ứng được yêu cầu.

Ngày mới bước chân vào Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ 1 Đinh Ngọc Thảo My (18 tuổi, quê Phú Thọ, sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân) vô cùng bỡ ngỡ, khó khăn vì chưa bao giờ xa gia đình, thể lực không tốt. Nhiều lần, My bật khóc vì nhớ nhà, nhớ mẹ.

Ban đầu khi nghe tiếng súng nổ My giật nảy mình, thấy các bạn xếp hàng tập bắn thì run rẩy do chưa tiếp xúc với súng, đạn thật bao giờ.

Hiểu được tâm lý, sức khỏe của sinh viên nên các thầy, cô ân cần chỉ dạy từng tư thế, động tác nên sau 2 tháng huấn luyện My đã quen với việc luyện tập, nắm chắc nội dung được huấn luyện và trở nên rắn rỏi hơn trước.