Câu chuyện về những "bóng hồng thép" của cảnh sát đặc nhiệm
(Dân trí) - Là một đơn vị vũ trang tập trung nên các nữ cảnh sát đặc nhiệm thường xuyên phải ứng trực 24/24h tại đơn vị, thời gian dành cho gia đình, người thân là rất hạn chế.
Ngày lễ, Tết mọi người được đoàn viên bên gia đình, đi chơi, thăm bạn bè nhưng đối với nhiều chiến sỹ tại Trung đội nữ Cảnh sát đặc nhiệm, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1, họ phải gác lại những niềm vui của bản thân để ứng trực tại đơn vị trong tâm thế sẵn sàng, có lệnh là lên đường.
Có chiến sỹ hai năm mới được về ăn Tết cùng gia đình, bởi phải ở lại ứng trực như nam giới.
Để có thể san sẻ, thấu hiểu cho công việc của nhau nhiều "bóng hồng" tại Trung đội nữ Cảnh sát đặc nhiệm lập gia đình với người trong đơn vị.
Đơn cử là gia đình Trung đội trưởng Nguyễn Thị Lê Giang.
"Nhà tôi đây ngày nào mà trực là cả gia đình vào đơn vị hết, đứa lớn đã 7 tuổi rồi nhưng 7 năm nay cứ như thế suốt, giờ thêm đứa bé nữa cũng vậy," Đại úy Giang cười xuề xòa.
Hơn 10 năm công tác tại Trung đội nữ Cảnh sát đặc nhiệm chị luôn tâm niệm còn gắn bó với đơn vị ngày nào sẽ cố gắng hết sức ngày đó, không ngại khó, ngại khổ, khắc phục mọi khó khăn để có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Là chiến sỹ cảnh sát đặc nhiệm (CSĐN) đối với nam đã khó khăn, vất vả thì với phái nữ lại khó hơn gấp bội bởi thể lực yếu hơn. Để có thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mà đơn vị đề ra thì nữ giới phải cố gắng hơn nam gấp nhiều lần.
Dù là nữ nhưng Đại úy Giang và đồng đội phải học, luyện tập tất cả các bài tập giống nam giới như võ thuật, bắn súng, xuống dây nhà cao tầng, côn nhị khúc,...70% quỹ thời gian làm việc là dành cho thao trường với tất cả các nội dung tập luyện; trong tuần chỉ được nghỉ chủ nhật, còn một năm dành 1 - 2 tháng tập trên địa bàn rừng núi để có thể tác chiến ở nhiều địa hình khác nhau.
Đối với các chiến sỹ CSĐN chuyện bị chấn thương trong luyện tập đã quá quen thuộc, nhẹ thì tím bầm tay chân, chảy máu, nặng thì bong gân. Tại Trung đội nữ cảnh sát đặc nhiệm Đại úy Giang là người luyện tập côn nhị khúc đầu tiên.
Khi mới tập luyện có thời điểm chị bị bong gân cả 2 tay nhưng vẫn nén đau bởi vì ngoài trách nhiệm còn là sở thích, đam mê.
Đội nắng, thắng mưa và với sự nỗ lực, rèn luyện hết mình Đại úy Nguyễn Thị Lê Giang đã đạt nhiều thành tích xuất sắc được nhận nhiều giấy khen, bằng khen...
Với cương vị là trung đội trưởng chị luôn là người chỉ huy nghiêm túc, nghiêm khắc, kỷ luật để có thể tạo nên một trung đội đoàn kết. Bên cạnh đó, nữ đại úy cũng thường xuyên làm công tác tư tưởng để chị em ổn định công tác khi đặc thù của công việc rất vất vả, thường xuyên xa gia đình.
"Chúng tôi là cán bộ nên phải thường xuyên sát sao, quan tâm đến đời sống tư tưởng, tình cảm cá nhân của các chị em để động viên, chia sẻ kịp thời," Đại úy Giang bộc bạch.
Suốt những năm tháng qua, Đại úy Lê Giang đã tham gia nhiều chuyên án lớn, nhỏ từ triệt phá sới bạc "khủng" tại phố Chùa Dận (Từ Sơn, Bắc Ninh) đến vây bắt nhóm đối tượng buôn lậu ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh (thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) do Hà Tuấn Dũng hay còn gọi là Dũng "mặt sắt" cầm đầu để đảm bảo an ninh, trật tự tại các địa bàn phức tạp.
Còn đối với chiến sỹ Nguyễn Lan Anh luôn phải sắp xếp thời gian khoa học để có thể hoàn thành tốt công việc của người cảnh sát đặc nhiệm và chăm sóc gia đình.
Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1 là đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung, nhiệm vụ chính hàng ngày là tập luyện và ứng trực bảo vệ.
Mỗi khi ứng trực Lan Anh và các đồng đội sẵn sàng chiến đấu bất kể thời điểm nào, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
"Trong chiến đấu của cảnh sát đặc nhiệm là hợp đồng tác chiến, mỗi cán bộ, chiến sỹ đều góp sức của mình vào thành công chung của toàn đơn vị..." chiến sỹ Lan Anh chia sẻ.
Gắn bó với Trung đội nữ Cảnh sát đặc nhiệm đến nay đã được 9 năm, bản thân Lan Anh mong muốn sẽ cống hiến cùng tập thể để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.