1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Những câu chuyện cổ tích nơi trại phong

Đồn rằng ở trại phong ấy, những người bệnh ăn thịt lẫn nhau; lại có cả quỷ Sa Tăng thích ăn thịt thối của người bệnh… Những tin đồn độc địa ấy của kẻ xấu đã ngăn những người bị bệnh phong đến với trại, khiến họ phải bỏ xác nơi rừng hoang…

“Chuyện kể rằng, buổi sáng mùa đông năm 1960, nước sông Mã lại gầm rú khác thường như báo hiệu một điềm gở sắp xảy ra... Chợt, bên kia sông, một đoàn người hoảng hốt, hãi hùng đang loay hoay tìm cách vượt sông Mã, qua bên này sông. Khi chưa vượt được sông thì một đoàn người vác theo cuốc, cào, dao phát rừng ùa tới. Có vài người trong đoàn trốn chạy ấy không còn đủ sức để chạy, họ ngã xuống với tiếng kêu thảm thương. Những người còn đủ sức ào xuống mặt nước xoáy bơi bán sống bán chết để qua bên này sông và chạy về phía Trại phong Núi Nháy... ”

 

“Khúc độc hành”... bên sông Mã

 

Đó chính là đoàn người bị bệnh cùi (bệnh phong) tìm cách trốn chạy bạt mạng sang bên này sông Mã. Bây giờ, họ đã có một cuộc sống bình yên ở Trại phong Núi Nháy, thuộc bản Núi Nháy, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, ngồi kể lại cuộc trốn chạy ấy mà chưa hết hoảng hốt, sợ hãi...

 

Vào thời điểm đó, con vi khuẩn với tên khoa học là Hansen là nỗi kinh hoàng, những người mắc bệnh cùi bị xã hội xa lánh, xua đuổi như xua tà ma ngoại đạo. Những bệnh nhân cùi bị bản làng, người thân cho là “ma núi”, “ma rừng” truyền bệnh cho nhân gian nên bị những người lành lặn xua đuổi, thậm chí truy sát. Đám người “tị nạn” kể lại rằng, khi mắc bệnh họ đều bị xua đuổi, giết chết.

 

Những người bị cùi không còn chỗ nương thân, họ trốn chạy vào rừng để tránh khỏi sự truy sát của dân làng. Nhưng vào rừng thì gặp bao khổ ải như đói ăn, nước độc, hổ vồ... thế là những người khốn khổ ấy tụ nhau lại để chống chọi với những khắc nghiệt của thiên nhiên và cộng đồng. Khi họ đã tụ nhau lại thành một xóm cùi thì lại bị phát hiện và xua đuổi... Họ lại chạy trốn vào rừng sâu.

 

Căn bệnh ngày càng nặng. Những ngón chân, ngón tay... “nằm lại” trên lối đi... Có người bệnh nhặt lá rừng, cây rừng phủ lên thành một nắm mồ chôn thịt của chính bản thân mình. Tưởng là an thân sống kiếp hoang dại không khác gì thú hoang, ăn tươi nuốt sống. Nào ngờ, khi những thợ sơn tràng phát hiện ra những ngón tay nằm lại, bị ruồi muỗi bâu đen, họ trở về bản hò mọi người đem theo công cụ như súng săn, cung tên để “săn” chính đồng loại của mình.

 

Họ cùng đi về phía Bắc Núi Nháy, và tại Trại phong Núi Nháy, họ được mọi người đón tiếp với ân tình như những người đồng cảm, họ được ăn chung một mâm cơm, được uống chung một nguồn nước, nước nguồn Tây Bắc, được sắp xếp chỗ ở... làm mọi người đều khóc rưng rức.

 

Chuyện tình... Tây Bắc

 

Tại đây, họ được lấy lại cuộc sống của con người, được Nhà nước cấp thuốc và chữa lành bệnh phong. Có nhiều người đã có gia đình, con cái như bệnh nhân Quàng Thị Thum, quốc tịch Lào, nhập trại vào năm 1960; hay trường hợp của chị Thăm, vào trại phong chữa bệnh năm 1963...

 

Nhưng chuyện tình cảm động nhất vẫn là của chị Thum và anh Pủa. Ngày đó, trong đoàn người trốn chạy có một người đàn bà không nhập đoàn đi về phía làng Núi Nháy. Người đàn bà có dáng điệu gầy đét, tóc tai bù xù, quần áo tả tơi ấy đi ven sông Mã rồi “mất tích”. Người đàn bà điên dại đó lang thang xuống thị xã Điện Biên. Người ta thấy chị cứ cười xoe xóe, kêu la, nhặt được gì ăn nấy, cứ thế cuộc đời điên loạn của chị chìm sâu vào sự quên lãng.

 

Một hôm, tại một vùng ngoại ô của thị xã Điện Biên, người đàn bà điên gặp người đàn ông bị bệnh phong, cũng bị xua đuổi. Người đàn bà điên ấy chính là chị Quàng Thị Thum và người đàn ông kia là anh Pủa, chồng chị bây giờ. Anh Pủa vẫn nhớ thời anh và chị Thum “tìm hiểu nhau” trong hoàn cảnh éo le đó.

 

Anh Pủa thủ thỉ kể rằng: “Tôi và Thum đi với nhau được một thời gian thì bỗng một hôm, nhận được tin, ở huyện Sông Mã có làng dành cho người bị bệnh cùi chữa bệnh và sinh hoạt”. Anh tức tốc đưa người đàn bà điên ấy lên Núi Nháy. Đến nơi, có mấy bệnh nhân Lào nhận ra Thum chính là đồng hương bị thất lạc của họ.

 

Trước đây, chị là cô gái da trắng, xinh đẹp nhất một vùng, mà người đàn bà đẹp như chị thì chỉ có những người có quyền lực trong vùng mới lấy được. Nhưng khi làm vợ, sinh đứa con thứ 4 được mấy tháng thì chị bị phát hiện bệnh cùi và bị gia đình chồng hắt hủi. Chị trôi dạt cùng đoàn “người rừng” ấy.

 

Còn anh Pủa cũng bị vợ bỏ chạy theo người khác sau khi anh phát bệnh. Biết hoàn cảnh của chị Thum, anh Pủa cố gắng chăm sóc, dỗ dành chị, giúp chị lành bệnh điên. Tình yêu nảy nở và họ kết hôn với nhau. Đến nay, hai người đã lành bệnh phong, có 4 đứa con lành lặn, học giỏi.

 

Tại Trại phong Núi Nháy, không chỉ riêng đôi vợ chồng chị Thum, anh Pủa mà còn nhiều đôi vợ chồng được tác hợp bởi hai quốc tịch Việt và Lào như chị Quảng Thị Thăm, anh Lường Văn Oi; Anh Sây và chị Soi; Anh Từng và chị Quây..., những cặp “trời sinh” đã vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống để đến với nhau xây dựng một cuộc sống mới.

 

Nơi giải lời nguyền độc địa

 

Theo lời bác sĩ, Giám đốc Trại phong Núi Nháy Cầm Văn Háo, đến năm 2008 này, quân số của trại là lên 218 người. Trại còn là điểm đến của những bệnh nhân phong các tỉnh nước bạn Lào giáp biên giới Việt Nam. Tại đây, mọi người đều được đối xử công bằng theo chính sách nhân đạo của Nhà nước. Bà con trong bản, trong trại sống yêu thương nhau như anh em ruột thịt. Tưởng rằng, bi kịch bệnh tật sẽ đeo bám họ đến cuối đời, nhưng khi đến với Trại phong Núi Nháy, họ như được cứu vớt trở về từ địa ngục trần gian.

 

Vì rằng, vào thời điểm những năm 50, 60, tin đồn về Trại phong Núi Nháy trên miền Tây Bắc thường phóng chuyện lên rằng những người bị bệnh ăn thịt lẫn nhau. Đồn rằng, ở Trại phong có quỷ Sa Tăng chỉ thích ăn thịt thối của những người bệnh. Tin xấu này là do bọn phỉ, những kẻ phản cách mạng hoạt động trên rừng núi Tây Bắc tung ra để bôi nhọ chính sách xây dựng trại của những người làm cách mạng.

 

Những tin đồn cũng gây không biết bao nhiêu bi kịch cho người bệnh. Vì tin đồn mà không ít người bệnh phong không dám tới trại, họ đành nằm lại những cánh rừng chờ chết, hoặc lang thang khắp nơi để tránh sự hắt hủi của người đời, héo mòn trên đường lưu lạc.

 

Mãi sau này, khi có nhiều người trở về đưa người thân sang chữa bệnh và sinh sống, họ chứng  minh bằng sự lành lặn, kể về trại phong nhân đạo mới có nhiều người tìm đến. Lời nguyền về người hủi ăn thịt lẫn nhau được giải như thế đó.

 

Đến hôm nay, tình hình giáo dục của trại phong đã phát triển ngoài sức tưởng tượng. Ngày xưa, bản thân trẻ con trại phong không dám ra khỏi bản chứ đừng nói gì đến chuyện đến trường đi học. Thế rồi, trong bản, có một cô giáo Nguyễn Thị Xuân, là giáo viên ở Điện Biên lên chữa bệnh phong đã ở lại đây xây nhà và mở lớp cho bọn trẻ.

 

Từ đó, lớp trẻ đầu tiên của trại phong lúc bấy giờ mới biết chữ. Rồi chúng xuống bản đi học, có người đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm sau trở về bản dạy học. Bây giờ, ngoài giờ giảng dạy ở lớp học của trại phong, cô Xuân còn biến ngôi nhà hai tầng của mình thành lớp dạy thêm cho bọn trẻ mà không lấy tiền.

 

Đến bây giờ, người đời không còn sự phân biệt và miệt thị nữa, trẻ con của Trại phong Núi Nháy đã được hòa nhập cộng đồng, được đi học ở Hà Nội hay đâu đó với một niềm tự hào. Trên gương mặt của người già, trẻ con, nhất là trẻ con nơi thâm sơn cùng thủy luôn rạng rỡ niềm vui làm ấm lòng người...

 

Theo Thành Văn

Sức khỏe & Đời sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm