Những “cánh đồng chết” chờ ngày hồi sinh

(Dân trí) - Nhiều cánh đồng ở huyện Tây Sơn (Bình Định) được ví như “cánh đồng chết” do hạn hán triền miên, nay đang chờ ngày hồi sinh nhờ hệ thống thủy lợi sắp được xây dựng.

Ngày 18/4, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã giao Ban Quản lý Dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng dự án Trạm bơm Chà Rang (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn).

Những “cánh đồng chết” chờ ngày hồi sinh - 1
Hàng trăm ha đất sản xuất của người dân xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn) phải bỏ hoang vì không có nước tưới.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cũng giao UBND huyện Tây Sơn đầu tư xây dựng kênh Rộc Đức. Đây là tuyến kênh tưới tự chảy, nguồn nước lấy từ kênh N1 - 5 nằm trong hệ thống kênh tưới Thuận Ninh, phục vụ tưới cho 46 ha đất canh tác ở cánh đồng Rộc Đức, kinh phí do ngân sách huyện tự cân đối.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định còn giao cho UBND huyện Tây Sơn chủ trì phối hợp với Ban Quản lý Dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho Ban Quản lý dự án để thực hiện dự án Trạm bơm Chà Rang (xã Bình Thuận).

Theo ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định, ở xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn) có 3 cánh đồng gồm: cánh đồng Ốc có diện tích khoảng 100ha, cánh đồng Chà Rang 50ha và cánh đồng Rộc Đức 46ha. Đây là 3 cánh đồng từ xưa đến nay thường xuyên xảy ra khô hạn, thậm chí nhiều diện tích đất bị bỏ hoang vì không có nước tưới.

Những “cánh đồng chết” chờ ngày hồi sinh - 2
Người dân bức xúc vì cánh đồng Chà Rang (xã Bình Thuận) ngay bên kênh thủy lợi nhưng liên tục thiếu nước tưới khiến lúa kém năng suất.

Năm 2010, sau khi hồ chứa nước Thuận Ninh được xây dựng trên địa bàn xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) đi vào vận hành, cứ ngỡ sẽ đủ cung cấp nước sản xuất cho vùng đất này.

Tuy nhiên, do những cánh đồng nói trên có cao trình cao hơn hệ thống kênh mương nên không thể dẫn nước về tưới cho gần 200ha của 3 cánh đồng nói trên.

Ngay cả khi hệ thống kênh tưới đập dâng Văn Phong đi vào hoạt động cũng “bó tay”, bởi chẳng thể đưa nước lên vùng đất có cao trình cao hơn.

“Dù ngành nông nghiệp Bình Định không ngừng quan tâm đến giải pháp cung cấp nước tưới cho 3 cánh đồng sản xuất lúa thường xuyên bị khô hạn ở xã Bình Thuận. Song, dự án nào đưa vào cũng không thành vì vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên cứ lần lượt trôi qua”, ông Chương nói.

Theo ông Chương, sau khi báo chí phản ánh, tình trạng nhiều diện tích lúa Hè thu bị cháy do thiếu nước ở 3 cánh đồng nói trên, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, đề xuất xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn).

“Trong dự án, chúng tôi đề xuất làm trạm bơm chính để cung cấp nước tưới cho cánh đồng Ốc 100ha và cánh đồng Chà Rang 50ha. Tuy nhiên, do cánh đồng Ốc có diện tích lớn nhưng lại nằm rải rác, nơi này 1 vùng nơi kia 1 vùng không tập trung, nếu xây dựng trạm bơm sẽ gặp nhiều bất cập.

Do đó, trước mắt tỉnh quyết định xây dựng trạm bơm để tưới cho cánh đồng Chà Rang. Còn cánh đồng Rộc Đức 46ha thì UBND tỉnh giao cho UBND huyện Tây Sơn có trách nhiệm đầu tư, xây dựng hệ thống kênh mương để dẫn nước từ hồ Thuận Ninh về”, ông Hồ Đắc Chương cho hay.

Theo lãnh đạo xã Bình Thuận, khi Trạm bơm Chà Rang và tuyến kênh mương xây dựng hoàn thành, đi vào hoạt động thì 50 ha đất sản xuất lúa của cánh đồng Chà Rang và 46 ha của cánh đồng Rộc Đức sẽ thoát cảnh thường xuyên thiếu nước tưới, sản xuất đi vào ổn định, an ninh lương thực trên địa bàn sẽ được bảo đảm.

Những “cánh đồng chết” chờ ngày hồi sinh - 3
Người dân cầu cứu thủy điện xả nước cứu lúa.

Ngoài ra, khi 2 cánh đồng Chà Rang và Rộc Đức được cấp nước thường xuyên thì mạch ngầm ở vùng này sẽ được bổ sung nước, đến lúc ấy bà con 2 thôn Thuận Hạnh và Thuận Hiệp của Bình Thuận sẽ thoát cảnh thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô vì giếng đóng sẽ cho nước.

Trước đó, báo Dân trí đã có bài phản ánh, nhiều năm qua do hạn hán triền miên khiến hàng trăm ha đất chuyên trồng lúa của người dân xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn (Bình Định) thường bị khô cháy, mất mùa, thậm chí bỏ hoang vì thiếu nước tưới. Ngoài ra, tình hình hạn hán kéo dài khiến mạch nước ngầm bị rút cạn, nước sinh hoạt thiếu trầm trọng làm cuộc sống người dân nơi này trở nên bí bách.

Doãn Công