1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những bước chân “không mỏi” của người cựu binh trên hành trình tìm mộ đồng đội

(Dân trí) - Bắt đầu công việc tìm kiếm mộ đồng đội từ lúc chưa nghỉ hưu, đến nay cũng hơn 30 năm nhưng những bước chân của người cựu binh Trần Ngọc Doanh không biết mệt mỏi. Chưa ngày nào ông ngơi nghĩ về những người đồng đội của mình đang nằm lại chiến trường.

Những bước chân “không mỏi” của người cựu binh trên hành trình tìm mộ đồng đội

Có duyên với đồng đội

Phải liên hệ nhiều lần chúng tôi mới gặp được cựu chiến binh Trần Ngọc Doanh (sinh 1950, trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) bởi ông luôn bận bịu với công việc tìm kiếm mộ đồng đội. Ông Doanh vừa trở về nhà sau chuyến tìm kiếm mộ liệt sĩ tại Quảng Trị thành công tốt đẹp.

Trong ngôi nhà nhỏ bình dị, người chiến binh như vẫn đang sống cùng những đồng đội đã mất. Trên chiếc bàn phòng khách và trong tủ kính, những tập hồ sơ, danh sách những liệt sĩ đã được ông tìm kiếm hài cốt đưa về đoàn tụ với gia đình, các kỷ vật của các liệt sĩ xếp chồng chất chiếm hết mọi không gian.

Ông Doanh quê Thanh Hóa, nhập ngũ vào quân đội năm 1968. Đến năm 1980, ông chuyển ngành với quân hàm Thượng úy.

Những bước chân “không mỏi” của người cựu binh trên hành trình tìm mộ đồng đội - 1

Cựu binh Trần Ngọc Doanh kể lại những chuyến đi tìm mộ đồng đội

Từng công tác và đã tham gia chiến đấu tại các chiến trường Quân khu 5, Lào, Campuchia, trực tiếp chôn cất nhiều đồng đội tại các trận đánh nên ông biết cách, biết chỗ để có thể tìm được mộ. Ông nói mình và các đồng đội đã có duyên với nhau như vậy, sao lại không đi tìm các anh ấy.

Tham gia hàng trăm chuyến đi và trải qua bao nhiêu năm nhưng ông vẫn nhớ rành rọt tên tuổi, năm sinh, quê quán của từng liệt sĩ.

Lần đầu tiên ông tham gia tìm kiếm mộ đồng đội là vào năm 1985. Năm đó hai mẹ con bà Uông Thị Dậu (quê ở Thường Tín, Hà Tây) vào Đà Nẵng để hỏi tung tích tìm mộ của chồng là liệt sĩ Nguyễn Quang Miệng. Sau đó họ vào miền Nam nhưng tìm không được nên đành quay về quê nhà. Khi ông Doanh biết chuyện thì hai mẹ con bà Dậu đã đi khỏi Đà Nẵng.

Những bước chân “không mỏi” của người cựu binh trên hành trình tìm mộ đồng đội - 2

Ông lật dở danh sách những liệt sĩ đã tìm được mộ

“Tôi nghe chị bán nước bên đường kể lại từ lời của mẹ con bà Dậu nên bắt đầu bỏ thời gian ra đi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Quang Miệng. Cuối cùng tôi cũng tìm được mộ của liệt sĩ Nguyễn Quang Miện ngay tại phường Hòa Hiệp Bắc và viết thư báo về cho gia đình”, ông Doanh nhớ lại.

Được ông Doanh tìm giúp mộ chồng, bà Dậu về quê kể lại câu chuyện cho nhiều người nghe vì thế nhiều người bắt đầu viết thư vào nhờ ông tìm mộ người thân. Tranh thủ những ngày nghỉ phép, ông không về quê thăm gia đình mà cất công đi tìm mộ đồng đội.

Với ông, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm khó quên. Chuyến đi tìm kiếm mộ của liệt sĩ Ngô Xuân Thu cũng vậy. Theo nguồn tin của công binh Hải Vân cung cấp, liệt sĩ Ngô Xuân Thu là người đã ôm khối bộc phá cảm tử hy sinh trong trận đánh ở Hói Mít (Lăng Cô, Thừa Thiên Huế). Ông Doanh nhiều lần khăn gói đi tìm nhưng không ra. Không nản chí, người cựu binh vẫn luôn kiên trì và phải đến lần thứ 10 mới tìm được mộ của liệt sĩ Ngô Xuân Thu.

“Lần đó tôi gặp được người đã lượm xác liệt sĩ Ngô Xuân Thu về chôn trong vườn nhà ông ấy. Gặp được họ, nghe họ kể chuyện tôi mừng vô cùng”, ông Doanh nhớ lại.

Những bước chân “không mỏi” của người cựu binh trên hành trình tìm mộ đồng đội - 3

Và đau đáu với những cái tên của đồngg đội chưa tìm được mộ

Tại Đà Nẵng, con đường mang tên liệt sĩ Ngô Xuân Thu là con đường nằm trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu). Tên đường được Đà Nẵng đặt trước khi ông Doanh tìm được mộ liệt sĩ Ngô Xuân Thu.

Còn sức khỏe còn đi tìm mộ đồng đội

Năm 2004, sau khi về hưu, ông Doanh có nhiều thời gian hơn để đi tìm mộ đồng đội. Lúc đầu là cá nhân ông tự đi tìm theo đề nghị của các gia đình thân nhân, sau đó các đơn vị thấy ông tìm kiếm hiệu quả nên mời ông cùng tham gia. Không chỉ tìm kiếm mộ đồng đội ở khu vực Quân khu 5, ông Doanh còn sang tận các nước láng giềng Lào, Campuchia.

Mỗi năm ông Doanh tham gia công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ nhiều mất khoảng 10 chuyến, có những chuyến chỉ đi trong mấy ngày nhưng cũng có những chuyến đi cả tháng trời.

Những bước chân “không mỏi” của người cựu binh trên hành trình tìm mộ đồng đội - 4

Ông Doanh cất giữ kỷ vật của một liệt sĩ vì chưa tìm được thân nhân để bàn giao

Hồi ông mới bắt đầu công việc tìm kiếm mộ đồng đội, vợ con ông phản đối vì lo cho sức khỏe của ông. Tuy nhiên, khi thấy ông đưa được hài cốt của các liệt sĩ về với gia đình, “để người vợ không còn phải ngóng chồng, người con không còn phải mong cha”, vợ con ông lại ủng hộ ông nhiệt tình.

Dù đã tham gia tìm kiếm được hàng trăm mộ nhưng cảm xúc khi nhìn thấy hài cốt của đồng đội đối với ông lúc nào cũng xúc động nghẹn ngào.

Những bước chân “không mỏi” của người cựu binh trên hành trình tìm mộ đồng đội - 5
Những bước chân “không mỏi” của người cựu binh trên hành trình tìm mộ đồng đội - 6

Với những thành tích xuất sắc trong công tác cung cấp thông tin, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, ông Doanh được Ban chấp hành Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen

“Bản thân mình may mắn được trở về sống trong tình yêu thương của gia đình, quê hương nhưng nhiều đồng đội vẫn đang nằm đâu đó trong rừng sâu. Với trí nhớ còn đủ để hình dung lần tìm và xác định những lối mòn, địa danh, vật chuẩn, nơi tôi và đồng đội đã chiến đấu. Bây giờ còn khỏe, còn đi được, nhưng chỉ ít năm nữa sức khỏe yếu dần, làm sao để đi tìm anh em, đồng đội. Vì thế mình còn khỏe ngày nào thì cứ đi ngày đó, tâm nguyện của tôi là đưa được các đồng đội về với gia đình”, ông Doanh nói nguyên nhân thôi thúc ông “đi tìm đồng đội”.

Những bước chân “không mỏi” của người cựu binh trên hành trình tìm mộ đồng đội - 7

Ông Doanh cũng được Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tặng huy hiệu 45 tuổi Đảng vào năm 2017

Với những thành tích xuất sắc trong công tác cung cấp thông tin, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, ông Doanh được Ban chấp hành Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen giai đoạn 2005 – 2015 và giai đoạn 2014 – 2018. Năm 2017, cựu chiến binh Trần Ngọc Doanh cũng được Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tặng huy hiệu 45 tuổi Đảng.

Khánh Hồng