1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhớ về ngày bầu cử đầu tiên

90% dân mù chữ, khó khăn bủa vây, thế nhưng họ đã tham gia bầu cử với tất cả lòng nhiệt huyết, chân thành và trong sáng. Bởi vì người VN lần đầu tiên có chính quyền nhân dân, lần đầu tiên được tham gia ngày hội về quyền con người: bầu cử.

Khí thế ngùn ngụt

 

Đúng 7h sáng 6/1/1946, cả Hà Nội cùng vang dậy tiếng chiêng, trống, chuông..., báo hiệu ngày hội tổng tuyển cử đầu tiên của nước VN độc lập bắt đầu. Giáo sư Lê Mậu Hãn - Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu lịch sử Quốc hội - kể: Tất cả phố phường đều rợp cờ, apphich, băngrôn. Thủ đô thức dậy cùng những tiếng hô khẩu hiệu, đồng thanh hát những bài ca cách mạng. Các điểm bầu cử đều được tổ chức chu đáo từ lối ra, lối vào; cửa soát thẻ cử tri đến bàn viết phiếu đều trang trọng, lộng lẫy.

 

Ông Nguyễn Ngọc Liên - nguyên là cử tri của hòm phiếu đặt tại ngã ba Phố Huế - Nhà Rượu (phố Nguyễn Công Trứ ngày nay) - kể rằng lúc đó bà con rất hào hứng đi bầu. Bất cứ ứng cử viên nào là người của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cử tri bỏ phiếu. Ngày bầu cử, nhiều nơi tin yêu Cụ Hồ và các nhà cách mạng như ông Võ Nguyên Giáp, ông Trần Huy Liệu, ông Khuất Duy Tiến... nên dù đã biết những người con cách mạng này không ứng cử ở địa phương mình nhưng họ vẫn cứ bầu!

 

Hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bầu ở hòm phiếu đặt tại số 10 Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ, Hà Nội) trong tiếng hô vang chào đón không ngớt của cử tri. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình, Cụ Hồ đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ) và Ô Đông Mác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt cảm động khi chứng kiến những cụ già 70, 80 tuổi vẫn được con cháu cõng đi bỏ phiếu, hoặc nhiều người khiếm thị vẫn nhờ người nhà dẫn đến hòm phiếu để tự tay mình làm nhiệm vụ công dân.

 

Kế hoạch ban đầu sẽ tổng tuyển cử vào ngày 23/12/1945 nhưng sau đó vì muốn mở rộng thời gian để các ứng viên tham gia đông thêm nên đã hoãn đến 6/1/1946. Tuy nhiên, nhiều nơi khác vẫn có thể tổ chức bầu cử từ 23/12/1945. Vậy nên những ngày cuối năm dương lịch ở khắp chốn thôn cùng ngõ hẻm, núi cao rừng sâu trên đất nước đều bừng bừng khí thế ngày hội đổi đời.

 

Tại Phúc Yên (Mê Linh, Vĩnh Phúc ngày nay), mittinh, cổ động vang trời còn có từng đoàn xe ngựa chạy rầm rập khắp thành phố tung hô tổng tuyển cử. Phố đêm nhà nào cũng thắp đèn nẹp đỏ rực rỡ thâu canh. Tại Thái Nguyên có lễ hội rước đuốc sáng rực núi rừng. Ở Kiến An (nay thuộc Hải Phòng) tổ chức diễn kịch, vở kịch có cảnh đi bỏ phiếu. Tuyên Quang và nhiều nơi khác còn tiến hành bầu cử thử để rút kinh nghiệm và “hâm nóng” không khí đợi ngày chính thức. Nhiều nơi còn treo giải thưởng cho làng nào đi bầu đông đủ nhất, mở cuộc thi dự đoán ai sẽ trúng cử.

 

Hầu hết các nơi tổ chức bầu cử bình yên, suôn sẻ nhưng tại một số vùng, quân Tưởng và các đảng phái chống đối ra sức chống phá. Tại Phú Thọ, ông Nguyễn Thiện Ngữ (đại biểu Quốc hội khóa 1) nhớ lại: Quân Tưởng và lực lượng Việt Quốc, Việt Cách ngày nào cũng cho quân vác súng sục sạo đe dọa, gây khó dễ cho tổng tuyển cử. Nhiều nơi phải di chuyển điểm bầu cử. Nhưng trước khí thế ngùn ngụt của những con người đòi được quyền làm người, mọi thế lực ngăn cản đều thất bại.

 

Dân quê bầu cử

 

Dù Cách mạng Tháng Tám đã thổi bùng ngọn lửa được sống làm người, nhưng ngôi làng có tới 1/3 dân số chết đói vẫn còn đầy tử khí, thê lương. Đó là làng La Tỉnh, Tứ Kỳ (Hải Dương). Giáo sư Văn Tạo, nguyên viện trưởng Viện Sử học, kể về những ngày bầu cử ở quê mình rằng trên những con đường vỡ sụt lầy lội của làng có từng đoàn thanh niên cầm loa tuyên truyền ngợi ca Hồ Chủ tịch, về quyền con người, độc lập và bầu cử... Tiếng trống chèo kêu bung bung khắp ngõ trên xóm dưới.

 

Khắp nơi là những khẩu hiệu và vang lên bài ca cách mạng, những băng giấy đỏ viết chữ quốc ngữ: “Cách mạng Tháng Tám muôn năm”, “Quốc hội là đại biểu của dân”, “Mỗi người hãy thực hiện quyền bầu cử của mình”... Cửa đình, quán chợ, gốc cây, cổng chùa... xuất hiện apphich, băngrôn, cáo thị. Thanh niên trí thức và cán bộ Việt Minh chia nhau đến từng nhà các tuần phủ, kỳ hào, chánh tổng, lý trưởng và cả nhà dân để giải thích, tuyên truyền về tổng tuyển cử: Làng ta sẽ đặt hòm phiếu ở đình, người này là Việt Minh đã tham gia Cách mạng Tháng Tám, người này là chí sĩ yêu nước đã chịu lao tù...

 

Đến ngày 6/1/1946, khi bóng đêm và giá rét còn u ẩn sau lũy tre thì tiếng trống thì thùng đã vọng từ đình làng. Lũ trẻ kéo từng đoàn vừa hát vừa hô khẩu hiệu ngoài ngõ, thúc giục bà con dậy đi bầu cử. Lúc ấy đang bắt đầu vào vụ, làng lại kiêm cả nghề buôn bán nên việc đi bầu khởi sự sớm. Người già, người trẻ, hào phú, nông dân, học sinh, trí thức, cán bộ, đồ nho... lục tục kéo nhau ra đình.

 

Cổng đình hôm ấy được kết lá cọ có cài hoa dâm bụt đỏ rực và dán hàng chữ giấy điều: Điểm bầu cử làng La Tỉnh. Trong đình có hai cái bàn gỗ, kê hai chiếc ghế dài, ai đến thì được mời ngồi. Bên kia là các thanh niên và cán bộ ủy ban bầu cử phát phiếu bầu cho cử tri. Họ còn có nhiệm vụ viết giúp những người chưa biết chữ và được gọi là "Tiểu ban viết giúp". Tiểu ban có một người thuộc ban bầu cử và hai người còn lại là do dân làng cử ra. Trước giờ bầu cử, hòm phiếu được kiểm tra. “Tiểu ban viết giúp” đứng dậy tuyên thệ: viết đúng lời người đi bầu và giữ bí mật. Cán bộ ban bầu cử nói thêm: Tiểu ban đã đạt các tiêu chí thật thà, kín đáo, trong sạch, nhanh nhẹn và không gắt gỏng, không cẩu thả, không cả nể. Một người viết, hai người còn lại kiểm tra, giám sát.

 

Một chiếc hòm nhỏ đặt gần bên để bà con bỏ phiếu. Danh sách ứng cử viên in trên giấy. Giáo sư Văn Tạo nhớ rằng ông nhận được một lá phiếu to bằng 1/4 quyển vở. Trên in tên ba ứng cử viên và con dấu của ủy ban bầu cử; phiếu viết tay, in litô. Phần lớn bà con không hỏi nhiều, họ chỉ biết mình đang bầu cho chính quyền cách mạng, bầu cho Việt Minh. Nhiều người không đọc được chữ nhưng tất cả đều tin cậy và tự nguyện, sốt sắng. Đến trưa thì hòm phiếu chỉ đợi người đi chợ về. Gần chiều thì cả làng đã bỏ phiếu xong. Bà con làng xóm lúc đó hân hoan vì lâu lắm làng quê mới có một ngày hội rộn rã như thế. Người dân tham gia bầu cử sốt sắng là vì tin tưởng vào chính quyền cách mạng, tin tưởng vào Cụ Hồ sẽ đem lại no ấm, tự do cho người nông dân đã bao đời đói khổ lam lũ.

 

Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu

Sáng 5/1/1946, lời kêu gọi quốc dân đi bầu cử của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các báo đều đăng:

 

“Ngày mai, mồng 6 tháng giêng năm 1946.

 

Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.

 

Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.

 

Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt quân sự thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.

.....

 

Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước.

Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên có người được cử, có người không được cử.

Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thành thực câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng.

 

Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc...”.

 

(Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia 2002)

 

 

Theo Quang Thiện
Tuổi Trẻ