Nhìn lại hình ảnh trận lũ kinh hoàng năm 1999 cướp sinh mạng 352 người
(Dân trí) - Theo tài liệu của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, trận lụt lịch sử năm 1999 tại tỉnh này đã tàn phá mọi thứ với số người chết lớn chưa từng có. Ngày 1/11 là ngày đầu tiên bắt đầu trận lụt kinh hoàng kéo dài ròng rã trong 1 tuần liền.
Tròn 20 năm trước, trận lũ lịch sử tháng 11/1999 xảy ra từ ngày 1/11 đến ngày 6/11. Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa to gây nên trận lũ lịch sử chưa từng có trong gần 100 năm qua. Mưa to dồn dập, nước lên nhanh với cường suất có lúc 1 mét/giờ. 90% khu dân cư vùng gò đồi, phía tây quốc lộ 1A bị ngập sâu từ 1,5 đến 4m; thượng nguồn sông Hương và sông Bồ có lúc mực nước dâng cao 8 đến 9m; các huyện miền núi A Lưới và Nam Đông đều bị lũ quét.
Các xã vùng trũng của các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Hương Thủy, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà đến ngày 10/11 nước mới rút nên đã gây ra thiệt hại toàn diện về tính mạng, tài sản của nhân dân, tàn phá cơ sở hạ tầng: giáo dục, thuỷ lợi, nông nghiệp, giao thông, công nghiệp, du lịch - dịch vụ, môi trường,... làm chậm tiến độ phát triển của tỉnh trong nhiều năm.
Theo số liệu thống kê từ 1999 đến 2018, tổng thiệt hại kinh tế tại Thừa Thiên Huế do thiên tai gây ra là 518 người chết, 9.306 tỷ đồng; trung bình hàng năm có khoảng 18 người chết và 332 tỷ đồng bị thiệt hại. Trong đó riêng trận lũ lịch sử năm 1999 đã làm 352 người chết, 21 người mất tích, 94 người bị thương; cả một làng tại biển Thuận An bị lũ cuốn trôi ra biển; 90 vạn dân phải chịu đói rét trong nhiều ngày,... giá trị thiệt hại trên 1.700 tỷ đồng.
Những tấm hình chụp từ trực thăng cứu hộ năm 1999.
Diễn biến chính đợt mưa lũ lịch sử, bắt đầu từ ngày 31/10/1999, một bộ phận không khí lạnh mạnh di chuyển xuống phía nam. Trong khí đó dải hội tụ nhiệt đới đang có trục qua Nam Trung Bộ và nhiễu động trong đới gió đông trên cao phát triển mạnh mẽ từ mặt đất lên đến đến 10km.
Trong lúc này, ở vùng nam biển Đông, vịnh Thái Lan tồn tại một vùng thấp phát triển đến 5.000m, tạo thành trung tâm hút gió, tạo điều kiện thuận lợi cho trường gió đông phát triển mạnh thêm. Đây là một hình thế thời tiết “lý tưởng” gây mưa cực kỳ lớn do 3 hình thế gây mưa tác động cùng một thời điểm.
Bản đồ vệ tinh với các khối mưa tập trung tại Thừa Thiên Huế
Ngày đầu tháng 11/1999, mưa lớn dồn dập bắt đầu xảy ra và lan rộng. Tổng lượng mưa cả đợt từ ngày 1 - 6/11, vùng núi từ 1.950 - 2.200mm, riêng vùng đồng bằng 2.288mm, gần bằng tổng lượng mưa trung bình hàng năm (2.750mm).
Do mưa với cường độ lớn từ trưa ngày 1/11 lũ trên các sông bắt đầu lên, lũ tăng nhanh vào đêm 2/11. Do mưa lớn cả về diện mưa và cường độ mưa, lượng nước tập trung trong thời gian ngắn gây lũ đột biến đồng thời do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kết hợp với triều cường, nước thoát chậm nên thời gian lũ kéo dài, thời gian lũ kéo dài 201 giờ (từ ngày 01 – 09/11/1999).
Cả tỉnh Thừa Thiên Huế với những tổn thất, mất mát nặng nề về người và của, đã làm giảm nhịp độ phát triển của tỉnh một thời gian dài về sau, ảnh hưởng nặng nề lên kinh tế. Cho đến nay, trong ký ức của mọi người dân ở đây, trận lũ kinh hoàng năm 1999 vẫn chưa bao giờ phai mờ với biết bao hình ảnh đau thương.
Dưới đây là những hình ảnh về trận "đại hồng thủy" nhấn chìm xứ Huế năm 1999:
Nước lũ lên với tốc độ chóng mặt, 20 năm trước các hồ đập thủy điện gần như không có nên việc giữ nước để lũ khỏi tràn về miền xuôi như hiện nay là điều không thể
Chợ Đông Ba
Từ ngày 1 đến 2/11, lũ đã lên đỉnh điểm
Nước tràn vào Ngọ Môn, Hoàng Thành Huế
Toàn tỉnh nước ngập rất cao.
Các phương tiện ngập nước trên Quốc lộ 1A
Bộ đội điều xe tăng thiết giáp đi cứu dân
Một vùng làng bị lũ phá tan
9 vạn người đói rét (hình ảnh người dân nhận cứu trợ).
Nước lũ đã làm cho 352 người chết
1 tuần liền Huế chìm trong biển nước
Tàu neo ven biển bị sóng đánh lật
Các đoàn cứu trợ tại sân bay Phú Bài - Huế.
Sau lũ công tác kiến thiết xây dựng lại Thừa Thiên Huế bắt đầu được triển khai.
Đại Dương
Nguồn ảnh: Ban Phòng chống lụt bão Thừa Thiên Huế