Nhìn lại chuỗi ngày giãn cách xã hội, nỗ lực "bóc" F0 của Hà Nội
(Dân trí) - Từ sáng 24/7, Hà Nội đã bước vào trận chiến mới phòng chống dịch, phải tranh thủ từng phút, tận dụng việc giãn cách xã hội toàn thành phố để "bóc" F0 ra khỏi cộng đồng.

Giãn cách xã hội kịp thời, đúng thời điểm
Ở thời điểm ngày 24/7, trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, việc giãn cách xã hội toàn thành phố trong thời gian 15 ngày là đòi hỏi tất yếu để phòng, chống dịch và bảo vệ an toàn tính mạng người dân trên địa bàn Thủ đô.
Bởi lẽ, biến chủng Delta đã khiến tình hình dịch bệnh trên cả nước diễn biến phức tạp. Hà Nội cũng liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Điều này cho thấy nguy cơ bùng dịch trên địa bàn Thủ đô rất lớn.
Bí thư Hà Nội yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thành phố phải tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa "thời gian vàng" 15 ngày giãn cách để khống chế dịch, đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.
Ngoài việc kêu gọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết và tuân thủ quy định phòng chống dịch, Hà Nội còn đề nghị mọi người liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác…
Những ngày sau đó, Hà Nội liên tiếp phát hiện các trường hợp mắc Covid-19 thông qua việc xét nghiệm sàng lọc người ho, sốt tại cộng đồng và người liên quan các chùm ca bệnh mới gồm: Bệnh viện Phổi Hà Nội, nhà thuốc 95 Láng Hạ, Công ty thực phẩm Thanh Nga…
Ngày 4/8 vừa qua, trong lần thị sát và kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống Covid-19 tại nhiều địa điểm ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội luôn là địa bàn có nguy cơ ở mức cao nhất. Vì vậy, việc vẫn kiểm soát được tình hình dịch bệnh là nỗ lực rất lớn của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân thủ đô.
Phó Thủ tướng đánh giá, quyết định giãn cách toàn thành phố kể từ ngày 24/7 là động thái kịp thời, đúng thời điểm. Hà Nội đang thực hiện tốt Chỉ thị 16 và có thời gian để bình tĩnh xử lý mọi tình huống...
Cùng chung quan điểm nêu trên, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam nhận định, việc Hà Nội giãn cách xã hội toàn thành phố được đánh giá là hành động quyết liệt.

Dịch bệnh đã rải rác ở 30 quận, huyện
Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 manh nha xuất hiện trên địa bàn Thủ đô từ ngày 29/4, nam bệnh nhân sinh năm 1993 trên địa bàn huyện Đông Anh. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trong gần 3 tháng (29/4- 23/7), Hà Nội ghi nhận 659 ca mắc Covid-19 mới. Vậy nhưng, trong vòng 14 ngày của đợt giãn cách này (24/7-6/8), Hà Nội phát hiện 973 ca mắc mới.
Quan sát diễn biến dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội vài ngày gần đây, PGS TS. Trần Đắc Phu nhận định, tình hình dịch của thành có dấu hiệu "giảm nhiệt", số ca mắc mới không tăng.
Trao đổi với PV Dân trí trước thời điểm Hà Nội đưa ra quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố thêm 15 ngày, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, trước nguy cơ tiềm ẩn như vậy, cũng như biến chủng Delta lây nhiễm nhanh, Hà Nội cần thực hiện theo Chỉ thị 17 của thành phố thêm một thời gian nữa để "bảo vệ thành quả vừa qua".
Theo ông, dù có dấu hiệu "giảm nhiệt" nhưng dịch vẫn phức tạp do những nguy cơ tiềm ẩn.
Thuận lợi là ý thức của người dân những ngày qua thể hiện tốt, đang ủng hộ chủ trương của thành phố. Hà Nội cũng đang hình thành một số mô hình hay, mới, cần có kiểm nghiệm (mô hình tự quản, bảo vệ "vùng xanh", sắp xếp lại chợ đầu mối, chuỗi cung ứng…) để tiếp tục tạo nếp phòng, chống dịch cho người dân vì dịch còn kéo dài trên thế giới và cả nước.
Chiều 6/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ra Công điện số 18/CĐ-UBND về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến 6h ngày 23/8 trên phạm vi toàn thành phố.
Động thái này được Hà Nội đưa ra trong bối cảnh xung quanh thành phố, các tỉnh vẫn có dịch. Tại Hà Nội, các ca bệnh nằm rải rác ở khắp 30 quận, huyện, trong đó nhiều quận huyện có số ca mắc lớn, như Hai Bà Trưng (175 ca), Đống Đa (165 ca), Thanh Trì (116 ca), Đông Anh (165 ca), Hoàng Mai (167 ca)...
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, trong giai đoạn này, việc tiếp tục giãn cách là cần thiết để Hà Nội củng cố, nâng cao năng lực của ngành y tế, giữ thế chủ động một cách toàn diện, trên tất cả các mặt công tác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Song song với công tác phòng chống dịch, Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội trong thời gian giãn cách toàn thành phố.

Hình ảnh người lao động gặp khó khăn được chính quyền sở tại trên địa bàn quận Hà Đông thực hiện hỗ trợ tiền theo quy định của Nghị quyết 68/NQ-CP (Ảnh: Ngọc Ánh).
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, triển khai công tác trên theo Nghị Quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Thành phố cũng đã hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn không thuộc đối tượng của Nghị quyết 68. Nhiều địa phương còn có cơ chế riêng đối với các đối tượng, hộ gia đình khó khăn…
Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát nhóm đối tượng bị tác động, gặp khó khăn không thuộc các nhóm trong Nghị quyết 68 để hỗ trợ kịp thời.
Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết thêm, Hà Nội sẽ tận dụng những ngày giãn cách xã hội để truy vết thần tốc các ca F0; trả kết quả xét nghiệm nhanh; rà soát tất cả những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở…
Đặc biệt, ngành y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng nhưng có trọng tâm tại các khu vực có nguy cơ cao; siết chặt công tác an toàn trong bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ mọi tuyến đường trên địa bàn…
Trước quyết định tiếp tục giãn cách xã hội thêm 15 ngày của UBND TP Hà Nội, nhiều độc giả của Dân trí đã lên tiếng đồng tình, ủng hộ.
Theo độc giả Nguyễn Duy Hoàn, "Trái tim Tổ quốc phải an toàn! Chúng ta phải hi sinh những thứ buộc phải hi sinh, phải chịu thiệt thòi trong ngắn hạn để có lợi ích, sự yên lành dài hạn. Vì vậy, mỗi người phải chịu khó hơn để Nhà nước có thể kiểm soát được dịch bệnh khi nguồn lực chưa cạn kiệt".
Ngoài việc ủng hộ quyết định của thành phố, độc giả Nguyễn Hồng Dương còn đề nghị, sau những lần giãn cách và ngăn chặn được dịch rồi, Hà Nội cần phải thực hiện nghiêm và đồng bộ việc kiểm soát người nhập cảnh cũng như người di chuyển trên địa bàn để phòng dịch. Nếu không dịch sẽ bùng phát trở lại và người dân lại phải giãn cách để dập dịch. Cứ như vậy thì toàn xã hội sẽ không bao giờ được yên ổn cả.
Bạn đọc Nguyễn Hồng Lan bình luận, làm triệt để một lần là đúng, nhưng sau này việc quan trọng là bảo vệ thành quả. Hà Nội phải có biện pháp phòng dịch chặt chẽ, nhất quán, liên tục lâu dài, chứ không thể "đóng" thì chặt chẽ rồi "mở lại" thì buông lỏng…