Nhiều vùng bị cô lập, chia cắt do sạt lở, mưa lũ
(Dân trí) - Mưa lớn kéo dài đã khiến các tuyến đường giao thông huyết mạch tại huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước lũ cô lập nhiều xã.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn huyện Hương Khê, đến chiều ngày 9/10 đã có 5 xã thuộc địa phương này đang bị cô lập do nước lũ lên cao.
Đến trưa ngày 9/10, lượng mưa trên địa bàn huyện Hương Khê đo được là 398,6 mm. Mực nước tại trạm Chu Lễ là 12,7 m.
Khu vực cầu tràn các xã Lộc Yên, Hương Xuân, Hương Trạch, Hương Đô, Hương Lâm, Hương Liên bị ngập sâu trong nước lũ. Tuyến đường QL15A, đoạn qua xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê) và tỉnh lộ 553, đoạn qua xã Lộc Yên (huyện Hương Khê) bị ngập sâu từ 0,5 - 1m, giao thông qua khu vực này bị ách tắc hoàn toàn.
Nhiều đoạn trên tuyến đường nối 2 xã Phúc Trạch - Hương Liên (huyện Hương Khê) bị sạt mái taluy, đất đá tràn xuống mặt đường khiến các phương tiện khó khăn khi qua lại.
Các tuyến đường huyện lộ 2, huyện lộ 6 thuộc xã Hương Thuỷ; huyện lộ 11 thuộc xã Phúc Trạch và hơn 6 km đường trục thôn cũng đang chìm trong nước lũ.
Theo thống kê, toàn huyện Hương Khê hiện có 5 xã gồm Hương Liên, Lộc Yên, Hương Thuỷ, Điền Mỹ, Hương Giang bị cô lập do nước lũ dâng cao. Ngoài ra, 9 xã khác bị ngập cục bộ.
Ông Phan Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, huyện đã yêu cầu các địa phương, đơn vị chuẩn bị và triển khai phương án đối phó lũ lụt, ngập úng và sạt lở.
Đồng thời, kiểm tra các điều kiện đảm bảo, hướng dẫn, cắm biển báo và có các biện pháp cảnh báo giao thông tại các khu vực, tuyến đường bị ngập. Với những địa phương thấp trũng, có phương án cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Quảng Nam: Thủy điện xả điều tiết, sơ tán 150 hộ dân
Dự báo trong 24 đến 48h tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa, mưa vừa đến mưa to. Tổng lượng mưa từ 1h ngày 9/10 đến ngày 10/10, các địa phương trong tỉnh Quảng Nam phổ biến từ 70-120mm, có nơi trên 150mm.
Sáng ngày 9/10, mực nước trên các sông đang xuống chậm.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị Công ty CP thủy điện Đăk Mi, Công ty thủy điện Sông Bung chủ động tính toán, vận hành điều tiết để đảm bảo mực nước các hồ thủy điện Đăk Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4 không vượt quá giá trị mực nước đón lũ thấp nhất.
Sáng 9/10, Công ty thủy điện Sông Bung đã phát thông báo vận hành hồ chứa thủy điện Sông Bung 2 để điều tiết duy trì mực nước hồ ở mực nước cao nhất trước lũ. Theo thông số điều tiết, vào lúc 6h sáng nay 9/10, mực nước hồ chứa thủy điện Sông Bung 2 là 599,43 m, lượng nước về hồ 82,6 m3/s, lưu lượng nước qua tổ máy 15,9 m3/s.
Để đảm bảo an toàn hồ thủy điện, duy trì mực nước hồ chứa theo quy định, Công ty thủy điện Sông Bung (chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Bung 2) sẽ tiến hành xả nước hồ chứa thủy điện Sông Bung 2 với lưu lượng dự kiến 20 - 150 m3/s.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hồ thủy điện Sông Bung 2 xả nước sẽ xuống hồ thủy điện Sông Bung 2. Với lưu lượng xả như trên thì chưa ảnh hưởng đến tình hình hạ du, vì nước ở hồ Sông Bung 2 sẽ được hồ Sông Bung 4 “hứng” hết.
Để đảm bảo cho người dân ở vùng trũng thấp, chính quyền các địa phương tỉnh Quảng Nam đã tiến hành sơ tán 150 hộ dân.
Về thiệt hại ban đầu do mưa lũ, huyện Nam Trà My có 1 nhà dân ở xã Trà Vân bị sạt lở; huyện Nam Giang cũng có 1 nhà dân ở xã Chơ Chun đã ngã đổ do đất sạt lở trôi vào nhà; huyện Đông Giang ngập nước 41 nhà, sạt lở 22 nhà, hư hỏng 2 nhà; huyện Đại Lộc có 300 nhà bị ngập nước dưới 1m.