1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Nhiều tỉnh ven biển khẩn trương chống bão và mưa lớn

Xuân Sinh Tiến Thành Đức Văn

(Dân trí) - Để chủ động ứng phó với cơn bão số 5 và mưa lớn trong những ngày tới, các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã chỉ đạo các lực lượng và nhân dân sẵn sàng phương án phòng, chống.

Đêm qua (8/9), sau khi vượt qua Philippines, bão Conson đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 5 năm 2021 trên Biển Đông.

Nhiều tỉnh ven biển khẩn trương chống bão và mưa lớn - 1

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 5. (Ảnh: NCHMF).

Tại Nam Định, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện số 29/CĐ-UBND gửi các ngành chức năng trong tỉnh về việc sẵn sàng, chủ động ứng phó với thiên tai.

Cụ thể, yêu cầu các ngành chức năng chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng, tham mưu cho UBND tỉnh các phương án chỉ đạo điều hành, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, đặc biệt là trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa lớn, ngập lụt kéo dài trên diện rộng, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị hiệp đồng rà soát, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để hỗ trợ các địa phương ứng phó thiên tai; tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, sơ tán di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

Sở NN&PTNT tăng cường công tác trực ban theo quy định; tổng hợp, báo cáo và phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những sự cố, hư hỏng của đê, kè, cống…

Các sở, ngành, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại.

Chủ động kiểm tra các trọng điểm đê điều, thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai xung yếu, các dự án đang thi công; xử lý kịp thời các sự cố để đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng phương tiện trang thiết bị theo phương châm "bốn tại chỗ" để xử lý khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống…

Tại Thái Bình, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh có Công điện khẩn số 10/CĐ-PCTT gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành để chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lớn trong những ngày tới.

Cụ thể, đảm bảo an toàn công trình đê điều, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, sẵn sàng ứng phó với bão lũ.

Theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến bão; thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Có phương án phòng chống dịch bệnh Covid-19 và an toàn thiên tai cho các khu cách ly và khi thực hiện di dời, sơ tán người dân ở các khu vực nguy hiểm, nơi neo đậu tàu, thuyền, các khu nuôi trồng, đánh bắt khai thác, thủy, hải sản, đặc biệt đối với các phương tiện vãng lai vào neo đậu, tránh trú bão trên địa bàn tỉnh.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

Tại Hà Tĩnh, theo ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá tỉnh này, tính đến 7h30 sáng nay (9/9), tại các cảng cá Cửa Sót, Xuân Hội, Cửa Nhượng của tỉnh này có tất cả 344 tàu thuyền đã vào tránh bão, trong đó có 23 tàu thuyền ngoại tỉnh.

Nhiều tỉnh ven biển khẩn trương chống bão và mưa lớn - 2

Các tàu thuyền vào khu neo đậu Cảng cá Cửa Sót để tránh bão.

"Hiện còn 9 tàu thuyền với 55 ngư dân địa phương đang hoạt động ở ngoài khơi, nhưng cũng đã nắm bắt được thông tin, diễn biến của bão và đang trên đường vào các khu neo đậu để tránh bão", ông Bùi Tuấn Sơn cho biết.

Cũng theo Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, đơn vị này cũng bố trí các vị trí neo đậu riêng cho tàu địa phương và tàu ngoại tỉnh để đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền và công tác phòng dịch Covid-19.

Để đối phó với diễn biến của bão, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ phương án phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, duy trì quân số sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có tình huống xảy ra và đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Nhiều tỉnh ven biển khẩn trương chống bão và mưa lớn - 3

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh giúp các ngư dân chằng néo lại tàu thuyền.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương và gia đình các chủ phương tiện thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết tình hình, diễn biến và hướng đi của bão Conson.

Các đồn biên phòng tuyến biển cũng phân công cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn giúp bà con ngư dân sắp xếp, chằng néo các phương tiện tại các âu thuyền, cảng cá, vùng cửa sông, cửa lạch để hạn chế va đập; phối hợp thống kê, kiểm đếm số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển; giữ thông tin hướng dẫn tàu thuyền vào các khu tránh bão an toàn gần nhất; lên các phương án để di dời nhân dân ở các vùng thấp trũng, ven biển đến vị trí an toàn.

Theo anh Nguyễn Văn Thành (chủ tàu cá trú tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà), khi nhận được thông tin về cơn bão, anh cùng 5 ngư dân trên thuyền đã khẩn trương di chuyển vào bờ ngay để đảm bảo an toàn.

Ngày 9/9, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, hiện nay, tỉnh có 199 tàu với 1.437 lao động đang hoạt động trên vùng biển không thuộc vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, Ban chỉ huy đã phát tần số phổ biến thông tin bão, kêu gọi các tàu thuyền vào bờ tránh trú hoặc di chuyển đến nơi an toàn.

Nhiều tỉnh ven biển khẩn trương chống bão và mưa lớn - 4

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú.

Bên  cạnh đó, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị tuyến biển phối hợp địa phương và gia đình thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển tìm nơi tránh trú hoặc vòng tránh khỏi khu vực ảnh hưởng.

Nhiều tỉnh ven biển khẩn trương chống bão và mưa lớn - 5

Trạm Kiểm soát Biên phòng cảng Gianh kêu gọi sắp xếp tàu thuyền vào tránh trú bão.

Nhiều tỉnh ven biển khẩn trương chống bão và mưa lớn - 6

Nhiều tàu cá đến nơi neo đậu an toàn.

Ngoài ra, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, giữ thông tin liên lạc với các chủ tàu để nắm tình hình, duy trì nghiêm kíp trực, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó, tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu và làm tốt công tác sắp xếp tàu thuyền vào neo đậu tránh trú. Tham mưu cho địa phương và hướng dẫn ngư dân kê khai y tế, hải trình sản xuất, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Nhiều tỉnh ven biển khẩn trương chống bão và mưa lớn - 7

Do mưa lớn đã xuất hiện tình trạng sạt lở đất đá, vùi lấp quốc lộ 9C.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, trên địa bàn Quảng Bình đã có mưa trên diện rộng. Một số khu vực thấp trũng, miền núi, nước ở các sông, suối dâng gây ngập và chia cắt; tại km 33+200 tuyến đường 9C thuộc địa bàn huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cũng đã bị sạt lở. Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị đưa máy móc, lực lượng khẩn trương khắc phục điểm sạt lở và đến nay đã cơ bản thông xe.

Dòng sự kiện: Cơn bão số 5