1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quân đội huy động hơn nửa triệu người sẵn sàng ứng phó bão Conson

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Hơn 500.000 cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ và 2.000 phương tiện trang thiết bị đã được huy động để giúp nhân dân ứng phó với bão Conson.

Sáng nay (8/9), Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão Conson.

Hai "kịch bản" về hướng đi của bão Conson

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, ngoài cơn bão Conson sắp vào Biển Đông, vùng biển ngoài khơi còn đang xuất hiện một cơn bão rất mạnh mang tên quốc tế là Chanthu. Bão Chanthu có khoảng cách không quá xa (khoảng 1.100 km), nên cũng có ảnh hưởng phần nào đến quỹ đạo và cường độ của bão Conson.

"Chúng tôi nhận định, đêm nay bão Conson sẽ vượt qua Philippines và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 5 năm 2021. Hiện nay,  bão Conson nằm trên dải hội tụ nhiệt đới và chịu tác động 2 yếu tố chính là: Tương tác với bão Chanthu ở phía ngoài và tác động bởi hệ thống cao cận nhiệt đới. Do đó, hướng di chuyển, cường độ của bão Conson trong 3 ngày tới khi vào Biển Đông sẽ có thay đổi nhất định", ông Khiêm nói.

Quân đội huy động hơn nửa triệu người sẵn sàng ứng phó bão Conson - 1

Vị trí và hướng di chuyển của bão Conson. (Ảnh: NCHMF).

Cũng theo ông Khiêm, hiện nay phương án dự báo của quốc tế cũng như Việt Nam đối với cơn bão Conson chưa thống nhất. Có dự báo cho rằng, bão Conson đi lệch xuống khu vực Bắc Trung Bộ; có phương án cho rằng, khi  bão vượt qua Quần đảo Hoàng Sa sẽ đi vào khu vực phía Nam của đảo Hải Nam (Trung Quốc) và có khả năng suy yếu dần.

Tuy nhiên, phần lớn các dự báo đều nghiêng về khả năng bão Conson sẽ di chuyển theo quỹ đạo theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h và di chuyển về phía Vịnh Bắc Bộ (giữa Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ).

"Về cường độ của bão, phần lớn các phương án dự báo đến thời điểm hiện nay, bão sẽ đạt mạnh nhất ở cấp 11 khi đi qua vùng biển Quần đảo Hoàng Sa. Trước khi tiến gần đảo Hải Nam, bão có khả năng suy yếu dần", ông Khiêm nói thêm.

Với các thông tin dự báo trên, ông Khiêm đưa ra cảnh báo, bão Conson có thể gây ra gió mạnh trên toàn bộ vùng biển Bắc Biển Đông trong các ngày từ 9/9 đến 11/9. Trong đó khu vực vùng biển Quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 11 trong khoảng ngày 10/9. Do đó, toàn bộ tàu, thuyền hoạt động trên khu vực cần đặc biệt lưu ý đến phương án phòng tránh, trú bão an toàn.

Về ảnh hưởng trên đất liền, do bão Conson còn chịu tác động bởi cơn bão Chanthu rất mạnh ở phía ngoài, do đó, quỹ đạo và cường độ của bão Conson sẽ còn thay đổi. Đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm dự báo đã chắt lọc, khu vực trên đất liền có thể sẽ phải chịu tác động bởi cơn bão Conson là từ Bắc Trung Bộ đến Bắc Bộ. Đây là khu vực cần sẵn sàng, chủ động các phương án ứng phó với bão Conson có thể tác động tới.

"Cơn bão Conson còn ở xa, do đó, về dự báo cường độ mưa, gió mạnh trên đất liền mà dự báo bão Conson tác động sẽ được chúng tôi thông tin sau", ông Khiêm nói thêm.

Ảnh hưởng của bão trên biển rất lớn, khẩn trương sơ tán tàu thuyền

Tại cuộc họp, báo cáo của các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Thuận cho thấy, hiện có hơn 26.000 tàu cá hoạt động trên biển, 394 tàu vận tải hoạt động tại cảng.

Để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, các đại biểu đề nghị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó. Các địa phương cần tăng cường thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Ngoài ra, căn cứ tình hình cụ thể, các địa phương ven biển sẵn sàng cấm biển với tàu khai thác hải sản. 

Quân đội huy động hơn nửa triệu người sẵn sàng ứng phó bão Conson - 2

Ông Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp.

Đại tá Phạm Hải Châu, Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, công tác kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển sẽ thường xuyên được cập nhật và thông tin đến các chủ phương tiện.

"Hơn 500.000 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ, hơn 2.000 phương tiện trang thiết bị đã được huy động ứng phó bão. Theo dự báo ảnh hưởng bão trên biển là rất lớn vì vậy các địa phương kiểm đếm và bằng mọi biện pháp kêu gọi và thông tin đến ngư dân về hướng diễn biến bão. Đảm bảo an toàn cho nhà dân trên các đảo ven bờ", Đại tá Phạm Hải Châu thông tin.

Theo thống kê chưa đầy đủ của một số địa phương tại cuộc họp cho thấy, nếu kịch bản bão mạnh và mưa lớn diện rộng, rủi ro thiên tai cấp 3 trong điều kiện dịch Covid 19 diễn biến phức tạp sẽ phải sơ tán gần 74.000 dân khu vực ven biển, hơn 111.000 người ở khu vực ven sông và ngoài đê và gần 71.000 người ở khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Ông Hoài lưu ý, mặc dù bão còn xa đất liền nhưng không được chủ quan. Vì theo dự báo khi vào Biển Đông bão vẫn ở cấp 11, đây là hình thái thiên tai nguy hiểm.

Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo kịp thời, thông tin chính xác để các bộ ngành, địa phương chủ động phương án triển khai ứng phó phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là dự báo cường độ và thời điểm bão đổ bộ, cường độ và diện mưa. Điều này rất quan trọng trong phương án khi phải sơ tán dân những khu vực có nguy cơ cao về thiên tai, trong điều kiện dịch Covid 19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Theo đó, các địa phương căn cứ hướng dẫn của Bộ y tế trong đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi sơ tán dân và tại các khu cách ly tập trung.

Ông Trần Quang Hoài cũng đề nghị các tỉnh miền núi nhanh chóng triển khai lực lượng xung kích kiểm tra rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét.

"Các địa phương kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặt biệt là các hồ chứa thủy lợi nhỏ và xung yếu. Bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng khắc phục sự cố đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn", ông Hoài nhấn mạnh.